Hỏi - Đáp

- Hỏi:

- Hỏi: Các thông tin có hại cho người tố cáo là gì? Tại sao trong quá trình giải quyết tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận, giải quyết tố cáo phải giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin khác có hại cho người tố cáo?

Nguyễn Quý Sang (quận Tân Phú, TPHCM)

>> Ông Trần Đình Trữ, Trưởng phòng Pháp chế Tổng hợp, Thanh tra TPHCM, trả lời: Bảo vệ an toàn cho người tố cáo (TC) là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết TC, đó cũng là quyền của người TC. Bảo vệ tốt người TC trung thực sẽ tạo điều kiện cho họ yên tâm, tin tưởng và có trách nhiệm hơn khi trình bày với các cơ quan nhà nước về những thông tin mình biết được đối với những hành vi vi phạm pháp luật. Đây là quy định bắt buộc trong quy trình xem xét, giải quyết TC. Các nước trên thế giới đều có quy định rất cụ thể, chặt chẽ về vấn đề này, đặc biệt là về bảo vệ những người TC là nhân chứng trong các vụ án hình sự.

Các thông tin có hại cho người TC là những thông tin về nhân thân người TC hoặc những thông tin để xác định nhân thân của người TC như: họ tên, tuổi, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ, bút tích… của người TC và nếu những thông tin đó bị tiết lộ khả năng người TC bị đe dọa trả thù, trù dập. Do đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải bảo đảm bí mật cho người TC trong tất cả các khâu từ tiếp nhận, thẩm tra, xác minh, xử lý TC. Thậm chí, có khi phải bảo vệ cho người TC khi đã xử lý trong vụ việc nếu xét thấy sự nguy hiểm vẫn còn đe dọa người TC. Giữ bí mật cho người TC không có nghĩa là chỉ giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích của người TC, mà cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền còn phải giữ bí mật về thông tin khác mà nếu như những thông tin này bị tiết lộ sẽ gây nguy hiểm cho người TC. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải làm tốt việc giữ bí mật và đảm bảo an toàn cho người TC mới khuyến khích được người dân tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh chống vi phạm pháp luật, chống tham nhũng, tiêu cực.

H.H. ghi

Tin cùng chuyên mục