Cùng với hành trình về nguồn, khơi lại dòng cảm hứng truyền thống, lịch sử, nhiều ý kiến, ý tưởng, tâm sự của các cây bút đại diện cho lực lượng viết trẻ đông đảo trong cả nước đã có dịp được thể hiện, chia sẻ tại Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8, khai mạc sáng 9-9 tại Tuyên Quang.
- Trông chờ những lĩnh xướng tài năng
Nhà thơ Hữu Thỉnh nhận định, nếu như các hội nghị lần trước phần đông đại biểu mới có một chùm thơ, một vài truyện ngắn in trên các báo thì rất đáng mừng tại hội nghị lần này một phần ba số đại biểu đã có những tập sách riêng, nhiều bạn đã có tới 2 - 3 đầu sách. Và hơn nữa, số giải thưởng văn học mà các nhà văn trẻ đem về hội nghị này nhiều hơn bất cứ hội nghị nào trước đó. Như vậy có thể nói các nhà văn trẻ đã bước qua giai đoạn xuất hiện, kế tiếp là giai đoạn định hình.
Miêu tả chặng đường vừa qua, có thể diễn đạt qua 3 nhận xét: “Nhiều đầy tràn nhưng còn ít sâu lắng. Dàn đồng ca khá mạnh nhưng còn ít những giọng lĩnh xướng vang xa. Thêu thùa cho cá nhân thì khéo, may cắt cho thiên hạ còn ít dụng công”. Nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh, đó là những đặc điểm thường thấy trong giai đoạn xuất phát. Giờ đây, các bạn đã từ giã giai đoạn xuất phát để bước hẳn lên cuộc hành trình mới mà nhiệm vụ quan trọng nhất là định hình, là khẳng định. Nếu hôm qua, bạn chỉ cần năng khiếu thôi là đủ, thì trên chặng đường mới này, năng khiếu phải trở thành tài năng. Nếu hôm qua bạn chỉ cần đam mê là đủ, thì hôm nay đam mê phải trở thành bản lĩnh.
Văn chương là cái biển chứa tài năng không biết thế nào cho đủ. Mà cái quy luật hưởng thụ văn chương mới thật ngược đời. Mỗi khi có một tài năng xuất hiện thì nó lại kích thích người ta đi tìm một tài năng kiểu khác. Đó là bản chất của quy luật bổ sung. Vì thế nên bao nhiêu sắc thái, bao nhiêu cung bậc tài năng đều tìm thấy chỗ đứng của mình. Một nền văn học được làm giàu bởi tài năng của các thế hệ, đó là sự đòi hỏi của cuộc sống và nhu cầu nội sinh của văn học. Từ một cách nhìn như thế, mọi sự đố kỵ, ganh ghét đã được xóa mờ. Vấn đề là mỗi người phải trở thành một chủ thể, độc đáo, duy nhất, một lĩnh xướng tài hoa của dấu ấn cá nhân. Chỉ như thế, bạn mới có thể sớm tách khỏi dàn đồng ca vui vẻ. Đây là một câu chuyện nghiêm túc và vô cùng cấp bách nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp của văn học ta.
Dẫn lời của Tagor, nhà thơ Hữu Thỉnh nói: “Bất cứ tính hiện đại nào cũng không tùy thuộc vào thời gian mà tùy thuộc vào khí chất”. Khí chất, đó là tinh hoa. Thời gian có thể vượt qua tất cả, kể cả chính nó, trừ tinh hoa. Do đó, quá trình hiện đại hóa văn học phải gắn liền với quá trình nhân đạo hóa đời sống và văn hóa hóa tâm hồn. Như thế trong chiếc vi tính xách tay kia, ngoài phần cứng, phần mềm còn cần có một bộ phận mềm hơn, đó là một tâm hồn. Mà hình như chiếc máy tính của nhân loại lúc này cũng đang lắm vấn đề mà người ta đang tìm cách chữa, đó là bệnh vô cảm, bệnh sao chép, mô phỏng giản đơn.
- Trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp
Trong cả ngày 9-9, sau khi khai mạc hội nghị, các đại biểu tóc bạc và tóc xanh đã có nhiều thời gian trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, những ước vọng sáng tác nghệ thuật và nhìn nhận những thuận lợi, thách thức đặt ra với người viết trẻ hôm nay. Nhà văn lão thành Nguyễn Quang Sáng thẳng thắn: “Thế hệ tôi và các bạn khác nhau, các bạn cảm xúc khác và thể hiện khác chúng tôi. Và các nhà văn lớn, các nhà văn đi trước không bao giờ áp đặt những người đi sau phải làm gì”. Cũng đồng quan điểm đó, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định, đâu đó có những suy nghĩ cho rằng có sự phân biệt, lớp “già” không coi trọng văn chương của lớp người đi sau là không có căn cứ. Những người đi trước khả kính khác như GS Nguyễn Văn Hạnh, nhà thơ Giang Nam, nhà thơ Vũ Quần Phương… cũng nói với lớp trẻ nhiều điều và thể hiện niềm hy vọng hoàn toàn vô tư của thế hệ mình đối với những người sẽ thay thế mình trong tương lai.
Các cây bút trẻ đã lên tiếng về nhiều khía cạnh khác nhau trong hoạt động sáng tác, quá trình tích lũy, vấn đề phát huy tài năng và ý thức đối với xã hội… của những người thuộc thế hệ mình. Nhà văn quân đội Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, nhà văn trẻ phải như người thợ lặn giỏi, có thể bơi lội ngoài biển lớn, cũng có thể lặn ngụp nơi cửa biển, sông rạch và những vùng nước khác để kiếm tìm cho mình những thực tế đời sống vô cùng sôi động. Như thế, rất cần quá trình thâm nhập tự thân của tác giả chứ không chỉ là những trại sáng tác, những chuyến đi tiền hô hậu ủng. Nhà văn trẻ Trương Anh Quốc của đoàn TPHCM vốn là một thủy thủ tàu viễn dương.
Anh chia sẻ quá trình viết đầy khó khăn nhưng cũng rất đỗi đam mê trên những chuyến tàu lênh đênh ngoài khơi xa. Mỗi lần đi, anh đều mua nhiều sách để đọc và những cuốn sách thôi thúc anh sáng tạo trong một trạng thái lúc nào cũng bập bềnh. Trương Anh Quốc tâm sự, anh đã học hỏi rất nhiều từ những tấm gương nhà văn, nhà thơ vốn không xuất thân từ học hành văn chương mà đã lăn lộn, trải nghiệm ghê gớm nơi trường đời như Tô Hoài, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Văn Thảo…
MAI AN