Vậy là Hội sách TPHCM lần thứ 7 đã khép lại, những con số thống kê cũng đã được đưa ra. Dựa trên những con số đó, có thể coi hội sách năm nay lại tiếp tục đà thắng lợi khi tất cả mọi chỉ tiêu như lượng khách, số sách bán ra, doanh thu… đều vượt hội sách năm trước. Hội sách TPHCM được xem là thành công không chỉ ở chuyện bán sách mà hơn thế nữa là thành công trong việc tạo nên một môi trường văn hóa đọc đặc sắc, đa dạng và đầy sôi động.
Một trong những hình ảnh đẹp nhất ở hội sách là người đọc sách. Không phân biệt tuổi tác, giới tính, những bạn đọc ngồi khắp nơi, trên ghế đá, gốc cây, bệ hoa… Ai cũng chăm chú đọc một cuốn sách nào đấy mà mình vừa mua được, háo hức đến nỗi không thể chờ đến khi về nhà mới đọc.
Năm nay, gian hàng sách Hà Nội (Công ty sách Cửu Đức) sắm hẳn mấy bộ phản bằng gỗ, bày mấy bình trà để bạn đọc qua lại vừa có thể nghỉ ngơi đồng thời có chỗ bàn chuyện văn chương. Sáng kiến này của gian hàng sách Hà Nội thu hút rất đông bạn đọc.
Sau hội sách, có người cho rằng Hội sách TPHCM vẫn còn quá thiên về chợ hơn là hội vì chuyện bán sách vẫn đóng vai trò chính, bỏ bê những hoạt động văn hóa khác như mua bán bản quyền, trao đổi học thuật…
Nhưng cũng không phải ngẫu nhiên mà nhiều người phê phán cái khái niệm chợ của Hội sách TPHCM lần thứ 7. Do năm nay, để đáp ứng yêu cầu thực tế là sách điện tử đang phát triển mạnh, tại hội sách xuất hiện nhiều gian hàng của các thiết bị hỗ trợ sách điện tử, các thể loại sách điện tử kiểu mới... Mà các gian hàng này mang cả thói quen quảng cáo sản phẩm điện máy vào hội sách với loa mở lớn, âm thanh ồn ào náo nhiệt khiến không gian văn hóa đọc bị phá hỏng rất nhiều.
Nhìn lại hội sách năm nay, việc trao đổi bản quyền sách vỏn vẹn không quá 10 người, nếu tổ chức thì chỉ một buổi sáng là xong. Đây là thực tế trong nước hiện nay, việc giới thiệu tác phẩm đến các NXB thường làm trực tiếp tại trụ sở NXB, nhu cầu giao lưu bản quyền sách với quy mô lớn chưa hình thành.
Trong bối cảnh đó, nếu đặt nặng “chợ giao dịch bản quyền” như các hội sách quốc tế kiểu Hội sách Frankfurt (Đức) sẽ là phi thực tế. Trước mắt, nhu cầu bạn đọc vẫn đang cần một nơi như Hội sách TPHCM, con số hơn 850.000 người đến với hội sách, hơn 4,8 triệu cuốn sách được bán ra đã khẳng định rõ ràng điều đó.
Tường Vy