Hơn 1.000 tình nguyện viên tham gia Chiến dịch Tiêu dùng xanh

Ngày 20-5, hơn 1.000 tình nguyện viên đã có mặt tại Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM tham gia lễ phát động của Chiến dịch Tiêu dùng xanh. 

 

Đây là hoạt động thường niên do Báo Sài Gòn Giải Phóng khởi xướng và phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM tổ chức nhằm vận động cộng đồng tạo xu hướng tiêu dùng mới - tiêu dùng sản phẩm xanh, thân thiện môi trường, sản phẩm của doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.
 
Hơn 1.000 tình nguyện viên tham gia Chiến dịch Tiêu dùng xanh ảnh 1                Mua sản phẩm xanh tại Co.opmart Cống Quỳnh           Ảnh: CAO THĂNG
 Nhân rộng trong cộng đồng
Bạn Nguyễn Thị Thanh Nhiên, sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho biết để được trở thành tình nguyện viên của Chiến dịch Tiêu dùng xanh, Nhiên và các bạn đã theo sát trang thông tin của ban tổ chức trong nhiều tháng qua. Bởi rút kinh nghiệm từ các năm trước, trang thông tin thường mở link đăng ký tình nguyện viên chỉ trong hơn 1 ngày, nên nếu đăng ký trễ sẽ rất khó trở thành tình nguyện viên.  Ở một góc độ khác, bạn Châu Thị Thanh Lâm, sinh viên Trường Đại học Khoa học và Tự nhiên, chia sẻ xu hướng tiêu dùng xanh đang đi sâu vào nhận thức của các bạn trẻ nói riêng và cộng đồng người dân nói chung. Điển hình là nhiều hoạt động phản đối doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường của người dân cả nước ngày càng mạnh mẽ hơn. Việc tham gia Chiến dịch Tiêu dùng xanh, Lâm cũng như các bạn mong muốn hiểu hơn về những định hướng mà ban tổ chức đưa ra. Theo đó, đâu là sản phẩm xanh và đâu là sản phẩm của doanh nghiệp chưa thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Từ đó, đóng góp sức mình bằng cách đem kiến thức về tiêu dùng xanh tuyên truyền đến cộng đồng dân cư để ngày càng có nhiều người ưu tiên thực hiện tiêu dùng xanh.  Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia môi trường khẳng định, xu hướng tiêu dùng xanh đã khá phổ biến trên thế giới. Hiện nhiều nước nhập khẩu sản phẩm từ Việt Nam đã đặt ra những rào cản kỹ thuật về môi trường đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Rào cản này không chỉ dừng lại việc sản phẩm phải thân thiện môi trường, an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng mà ngay nhà xưởng sản xuất cũng phải sạch. Toàn bộ chất thải phát sinh phải xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Trường hợp doanh nghiệp bị phát hiện gây ô nhiễm môi trường hoặc sản phẩm chứa hóa chất gây hại đến sức khỏe của người tiêu dùng, doanh nghiệp không chỉ đối mặt với nguy cơ thu hồi sản phẩm xuất khẩu mà còn có khả năng bị đóng cửa vĩnh viễn với hoạt động xuất khẩu sang thị trường thế giới nói chung. Thúc đẩy môi trường cạnh tranh “xanh”  Tại Việt Nam, các chuyên gia khẳng định thêm, xu hướng tiêu dùng xanh đã phát triển mạnh trong những năm gần đây. Dễ nhận thấy nhất là người tiêu dùng đã bắt đầu tiêu thụ sản phẩm hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên, sản phẩm đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, người tiêu dùng cũng đã quay lưng, tẩy chay không sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường khi bị người dân tố cáo hoặc bị cơ quan chức năng công bố. Đây là những động thái tích cực, dự báo phong trào tiêu dùng xanh sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.  Đồng thuận với những quan điểm trên, bà Lý Việt Trung, Phó Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, chia sẻ: “Chiến dịch Tiêu dùng xanh chính thức phát động từ năm 2010 và được duy trì thường niên. Đây được xem là chiến dịch đầu tiên và có quy mô lớn nhất trên cả nước, hướng vào vận động cộng đồng thiết lập thói quen tiêu dùng mới trong xã hội, có lợi cho môi trường”. Trải qua 8 lần thực hiện Chiến dịch Tiêu dùng xanh, ban tổ chức vẫn nhất quán với phương châm “Làm thế nào để tăng cường nhận diện sản phẩm xanh. Từ đó, vận động cộng đồng ưu tiên tiêu dùng sản phẩm xanh”. Thực hiện tiêu dùng sản phẩm xanh là cộng đồng vận dụng quyền của người tiêu dùng để buộc các doanh nghiệp phải tự giác thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Và đó cũng là cách người tiêu dùng bảo vệ chất lượng cuộc sống, cũng như sức khỏe của chính mình và gia đình. Riêng doanh nghiệp cũng có lợi vì được tham gia môi trường cạnh tranh bình đẳng, mà ở đó doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường có cơ hội phát triển. Ngược lại, doanh nghiệp đen, gây hại môi trường sẽ bị buộc phải chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh, sạch để tồn tại hoặc không sẽ bị người tiêu dùng loại khỏi thị trường.  Có thể nói, cho đến nay Chiến dịch Tiêu dùng xanh đã đạt được những kết quả nhất định như thu hút số lượng tình nguyện viên tham gia lên đến hơn 50.000 lượt người. Số lượt người dân được vận động cam kết tiêu dùng sản phẩm xanh, thân thiện môi trường lên đến hơn 4 triệu người. Điều này cho thấy, Chiến dịch Tiêu dùng xanh đã và đang nhận được sự đồng thuận rất lớn trong cộng đồng. Bà Lý Việt Trung nhấn mạnh thêm, để có thể tạo nên xu hướng tiêu dùng mới - tiêu dùng xanh như hiện nay, không thể không nhắc đến vai trò đóng góp của nhiều doanh nghiệp xanh như Công ty cổ phần Mondelez Kinh Đô Việt Nam, Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM. Và đặc biệt là hàng triệu lượt tình nguyện viên đã tham gia chiến dịch trong suốt nhiều năm qua nói chung và năm 2018 nói riêng. Chiến dịch Tiêu dùng xanh với nhiều hoạt động chính thức phát động từ ngày 20-5 và kéo dài đến hết ngày 30-6- 2018.
Triển khai nhiều dự án 

Trong thời gian trên, các tình nguyện viên sẽ đến từng khu dân cư để tuyên truyền, giúp cộng đồng nhận diện sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Riêng hệ thống siêu thị Co.opmart sẽ trưng bày các sản phẩm xanh, kết hợp với khuyến mãi để hỗ trợ cộng đồng tiếp cận các sản phẩm này. 

Với dự án năng lực xanh cho cộng đồng, các tình nguyện viên sẽ đến tận nơi hướng dẫn cộng đồng dân cư thực hiện phân loại rác tại nguồn. Cùng với đó, trực tiếp hỗ trợ nhân viên vệ sinh thiết lập chương trình thu gom rác đã phân loại, phù hợp với tính chất địa phương của từng khu dân cư. Sau đó, kết nối hệ thống đơn vị tái chế chất thải để kiến tạo những sản phẩm thân thiện với môi trường. Về phía người dân được vận động ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường sống. Về phía Saigon Co.op phối hợp với các chuyên gia môi trường tổ chức tập huấn kỹ năng sống xanh, an toàn với đối tượng là người tiêu dùng hiện tại (phụ nữ) và người tiêu dùng tương lai (học sinh, sinh viên). Chương trình này cũng kết hợp với các doanh nghiệp xanh, sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn để hỗ trợ thêm nền tảng kiến thức về sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu, sản phẩm an toàn.

Với dự án nhận diện sản phẩm xanh và an toàn - dự án trọng điểm của chiến dịch - nhằm hỗ trợ phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp xanh và sản phẩm xanh. Theo đó, ban tổ chức thiết kế trò chơi nhận diện sản phẩm Việt - sản phẩm xanh có tên “Tiêu dùng Xanh” và ứng dụng trên điện thoại thông minh. Trong phần mềm trò chơi này sẽ hiển thị sản phẩm của các doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và sản phẩm của doanh nghiệp thông thường, doanh nghiệp chưa thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Người tiêu dùng tham gia bằng cách sử dụng điện thoại thông minh để tải và kích hoạt trò chơi. Người chơi thực hiện những thao tác lựa chọn nhanh sản phẩm nào theo mình là sản phẩm xanh. Kết quả, nếu người chơi chọn đúng 80% - 100% sản phẩm xanh sẽ được tặng quà là một sản phẩm xanh bất kỳ hoặc sản phẩm tái chế handmade. Hiện ban tổ chức chọn siêu thị thuộc hệ thống Co.opmart để thiết lập mạng lưới Điểm đến xanh, tổ chức game “Tiêu dùng xanh”. 

Một điểm đặc biệt khác của Chiến dịch Tiêu dùng xanh lần này là mở rộng triển khai dự án tiếp sức cùng người tiêu dùng xanh (trong 3 tuần, bắt đầu từ ngày 2-6). Với người tiêu dùng, hệ thống siêu thị Co.opmart phát tặng 4.000 coupon Tiêu dùng xanh có giá trị mua hàng tại Co.opmart. Song song đó, khuyến mãi giảm giá sản phẩm của các doanh nghiệp xanh, kết hợp vận động khách hàng không sử dụng túi ni lông tại siêu thị Co.opmart và thay bằng túi tự hủy, túi sử dụng nhiều lần. Riêng với doanh nghiệp xanh, Saigon Co.op hỗ trợ xây dựng chính sách kích cầu tiêu dùng xanh, thông qua các hình thức khuyến mãi đa dạng như giảm giá trực tiếp sản phẩm xanh, tổ chức các chương trình hoạt náo, chương trình mua sắm sản phẩm xanh cùng người nổi tiếng, hỗ trợ vị trí trưng bày, trang trí, quảng bá cho doanh nghiệp xanh…

Có thể nói, việc tổ chức đồng bộ giải pháp tuyên truyền, tăng cường nhận diện sản phẩm xanh, kết hợp giải pháp kinh tế hứa hẹn sẽ góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc ưu tiên tiêu dùng xanh trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục