
Sau 2 ngày làm việc tại Việt Nam, ngày 12-9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ John Negroponte (ảnh) đã có cuộc gặp với đông đảo phóng viên báo chí trong nước và quốc tế thông tin về kết quả làm việc cũng như quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới. Ông John Negroponte nói:

Chuyến thăm lần này của tôi tới Việt Nam với những chương trình làm việc dày đặc và gặp gỡ các quan chức Chính phủ, bộ ngành, làm việc tại nhiều địa phương phản ánh mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng phát triển đa dạng trên rất nhiều lĩnh vực. Hoa Kỳ coi trọng quan hệ với Việt Nam và tôi hoàn toàn lạc quan về mối quan hệ giữa hai nước trong tương lai. Hoa Kỳ muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam tập trung vào những vấn đề từ thương mại, đầu tư, giáo dục, văn hóa, ngoại giao đến cả các vấn đề về chất độc da cam/dioxin, nhân quyền, tôn giáo... nhằm mở rộng hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.
* Phóng viên: Theo ông, đâu là cơ sở để tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ?
* Ông JOHN NEGROPONTE: Tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực pháp lý, minh bạch hóa, chống lạm phát, duy trì ổn định sẽ tạo cơ hội tăng cường hợp tác đầu tư và thương mại song phương giữa hai nước. Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam hội nhập mạnh hơn vào cộng đồng quốc tế và tôi hoàn toàn lạc quan về quan hệ hai nước trong tương lai.
* Trong các cuộc làm việc ở Việt Nam, ông có đưa ra các trường hợp cụ thể nào về chủ đề đối thoại nhân quyền? Theo ông có áp dụng tiêu chuẩn nhân quyền của một nước cho nước khác hay không khi Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến thảm khốc kéo dài?
* Trong những cuộc gặp với các quan chức Chính phủ Việt Nam và đại diện của các nhóm xã hội ngày 11-9, tôi không đề cập đến bất cứ trường hợp cụ thể nào. Đây là vấn đề quan trọng. Nếu mỗi nước xử lý tốt vấn đề nhân quyền thì có lợi cho chính nhân dân nước họ và vị thế của nước họ trên trường quốc tế.
Sau 35 năm trở lại Việt Nam, tôi nhận thấy tình hình ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi, cải thiện rất nhiều so với những năm 1960. Trong 2 thập kỷ qua, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định ở mức 7% - 8%. Theo tôi, đây là điều kỳ diệu trong phát triển kinh tế. Việt Nam đã thoát khỏi đói nghèo và người dân Việt Nam ngày càng có không gian rộng rãi hơn để phát triển các quyền của mình. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận là giữa Việt Nam và Hoa Kỳ còn một số khác biệt. Hai nước không nhất thiết phải đồng ý với nhau tất cả mọi vấn đề, nhưng Việt Nam và Hoa Kỳ đã thống nhất nghị trình trao đổi có chiều sâu, hiệu quả, chân thành về vấn đề nhân quyền trong bối cảnh quan hệ hai nước ngày càng phát triển thân thiện hơn, mạnh mẽ hơn.
* Sau 35 năm trở lại Việt Nam, ông nhìn nhận quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày nay ra sao so với trước đây và triển vọng của mối quan hệ này?
* Nhiều khi tôi cũng tự hỏi tại sao lại mất nhiều năm thế mình mới quay trở lại Việt Nam. Trước đây tôi làm việc tại Việt Nam từ năm 1964 như nhân viên ngoại giao, sau năm 1973 khi Hiệp định Paris được ký kết, tôi trở về Hoa Kỳ. Giờ đây, khi trở lại, được chứng kiến những tiến triển trong mối quan hệ giữa hai nước, tôi hoàn toàn có lý do lạc quan về mối quan hệ tốt đẹp trong tương lai. Lý do, hai nước đã trải qua chiến tranh dài, cay đắng và khó khăn, nhưng cả hai bên đều quyết tâm và thiện chí xây dựng quan hệ hai nước chặt chẽ hơn, mọi người dân hai nước đều có cảm nhận như thế và tôi cũng vậy.
* Cảm ơn ông!
VĂN NGHĨA
Lãnh đạo TPHCM tiếp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ V.M. |