- Tôi nghe nói ngày xưa sĩ tử đi thi dù bài có xuất sắc nhưng phạm trường qui vẫn bị đánh rớt. Xin cho biết luật lệ ấy ra sao? (Trần Thị Thuyên, Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận)
- Khi phạm trường qui tội nhẹ sẽ bị đánh rớt, tội nặng sẽ bị nêu tên lên bảng bằng phên có quét vôi trắng cho mọi người biết. Tội nhẹ có 9 quy định: 1/ Thiếu nét chữ; 2/Bỏ sót chữ; 3/ Xóa chữ; 4/ Quyển thi có vết bẩn, lem nhem; 5/Dấu Nhật trung (dấu kiểm bài buổi trưa) bị thiếu; 6/ Dấu Giáp phùng (dấu đóng giữa trang 2 và trang 3 của quyển thi) không rõ, viết đè lên dấu…;7/ Chung quanh 2 dấu Nhật trung và Giáp phùng không được đồ xóa, sửa, nếu lỡ làm dơ phải xin quyển khác để thay và xin lại hai dấu Nhật trung và Giáp phùng; 8/ Cuối bài phải ghi rõ bao nhiêu chữ xóa, sửa, nhưng không được quá 10 chữ; 9/ Phải nộp bài trước khi niêm phong hòm thi với dấu “Vỹ” ở cuối bài ở nhà Thập đạo.
Các tội nặng bị nêu danh lên bảng vôi là: 1/ Kỵ húy: Cấm viết tên (cả tên đệm) của vua, hoàng hậu và các tiên đế; 2/ Cấm viết tên các lăng tẩm, cung điện 3/ Bên những chữ Vua, Hoàng thượng không được viết các chữ “ hôn” là ngu, “hung” là dữ, “sát” là giết; 4/ Không viết cao lên các chữ “thiên, địa”… 5/ Viết chữ “ sĩ” là tôi phải viết nhỏ bằng nửa chữ thường và lệch về bên phải để tỏ ý khiêm tốn; 6/ Viết không đủ quyển tức là bỏ giấy trắng. Với lỗi này thầy dạy cũng bị phạt vì đã cho học trò không đủ sức đi thi (theo Nguyễn Thị Chân Quỳnh).
BÍCH CHÂU