Xưa nay, nhắc đến trà Việt, trong tâm thức dân ta nghĩ ngay đến những cái nôi Thái Nguyên, Hà Giang, Bảo Lộc… Ít ai biết ở đất Hoài Ân xứ Nẫu có một vùng trà Gò Loi một thời vang bóng.
Bén duyên
“Ngày xưa, cam khổ là loại trà quý, là vật dụng tiến của các chúa Nguyễn. Người ta dùng cả hai loại trà cam và khổ để tiến vua”. Vốn mê trà nên khi đọc được mấy dòng ấy trong sách Nước non Bình Định của Quách Tấn, tôi tức tốc đi tìm.
Về đến thành phố Quy Nhơn, hỏi suốt ngày đầu tiên mới được một người mách: Ở vùng Kim Sơn, Vạn Hội, Lạc Phụng núi Chúa thuộc huyện Hoài Ân có hai loại trà mọc hoang dã trên đồi gò, ven chân núi, rất quý hiếm, cho đến nay không dễ ai thuần hóa đem về trồng trong vườn nhà được. Một là trà cam, một là trà khổ. Tôi điện thoại cầu cứu anh Trần Bá Phùng, thư ký tòa soạn báo Bình Định.
Gặp nhau, vừa hỏi trà cam, khổ anh đã hào hứng: “Năm 1997, chính tôi đã được uống trà khổ. Chiều đó, sau cả ngày trời trèo đèo lội suối điền dã ở huyện Hoài Ân, người tôi váng vất, xây xẩm mặt mày. Thấy vậy, anh Huỳnh Văn Nhị, cán bộ UBND huyện Hoài Ân, đưa về nhà bảo nằm nghỉ đợi một xíu. Rồi anh đạp xe đi đâu đó chừng 15 phút sau thì mang về đưa cho một bát nước trà. Lạ thay, uống xong bát nước trà nóng có vị đắng ấy một lát sau tôi thấy tỉnh táo ngay. Mãi sau này anh mới bảo đó là trà đắng”.
Hỏi chuyện thêm các vị cao niên trong vùng, anh Phùng được biết ở Hoài Ân có hai giống trà đặc biệt. Cam là trà có vị ngọt, khổ thì đắng.
Sáng hôm sau tôi giong xe máy cả trăm cây số về huyện Hoài Ân. Bảo đi tìm cây trà cam, khổ, hỏi mười người thì họ đều bảo cam, khổ chỉ còn trong truyền thuyết thôi, muốn tìm cây trà thì về Gò Loi. Thôi thì duyên đến đâu hưởng đến đấy vậy!
Vào đến Gò Loi, thuộc địa phận thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân, tôi lang thang vào khu đồi toàn keo, bạch đàn, sả… để tìm cây trà. Thấy tôi lơ ngơ giữa đồi chiều, một bà lão trạc ngoại thất tuần hỏi:
- Chú tìm ai?
- Dạ! Cháu tìm chỗ trồng trà ạ!
- Thế thì vào vườn nhà tôi.
Rồi bà đon đả dẫn tôi về nhà, chỉ cho mấy cây trà trồng ở vườn, mời chồng ra pha trà tiếp chuyện khách. Hóa ra chồng bà, ông Lê Đình Phụng, chính là người mang cây trà về trồng trên đất Gò Loi và làm Giám đốc Nông trường trà 19-4 (quen gọi là Nông trường trà Gò Loi) từ năm 1979 đến năm 1993.
Đã 84 tuổi nhưng ông Lê Đình Phụng vẫn nhanh nhẹn và minh mẫn. Bên làn hương trà Gò Loi, mắt ông ánh lên hồi tưởng một thời oanh liệt của cây trà trên đất này. Năm 1979, tỉnh Nghĩa Bình (cũ) có chủ trương phát triển một loại cây công nghiệp nào đó ở Gò Loi. Tuy chưa xác định cụ thể cây gì nhưng từ đầu năm 1979, 111 thanh niên xung phong đã tiến quân lên Gò Loi khai hoang đồi núi thành vườn tược.
Quê ở huyện Hoài Ân, đi tập kết 21 năm ở ngoài Bắc, ông Phụng đã có 20 năm làm việc ở Nông trường trà Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phú nên những đường ngang ngõ tắt của nghề trà ông đã làu thông. Thuở thiếu thời, ông đã nghe các bậc trưởng thượng kể về trà cam, khổ ở quê mình, nên ông nghĩ thổ nhưỡng ở đây sẽ thích hợp cho cây trà.
Ông kể: “Khoảng giữa năm 1979, tôi chính thức về làm đại đội trưởng thanh niên xung phong khai hoang Gò Loi làm đồi trà. Năm 1980, chúng tôi ra Nông trường trà Tam Đảo lấy giống về trồng. Trồng nên cây trà Gò Loi cực lắm, đến khi làm cho nó có tên, có tiếng còn cực hơn. Ngày ấy, anh em thanh niên sống khổ nhưng lòng quyết tâm xây dựng quê hương thì rất cao. Họ đổ sức trẻ xuống cho cây trà lên xanh mà không đòi hỏi gì nhiều. Quyết tâm ấy lại gặp được sự đồng thuận của lãnh đạo tỉnh nên càng thuận lợi.
Vang danh rồi... chết
Trà Gò Loi không đẹp hình như trà Thái Nguyên, hầu như không đạt đến trình độ mốc cau - cánh đẹp như hoa cau và mốc trắng đều đặn như có tuyết bám vào, sắc nước cũng không vàng xanh bằng nhưng cái đặc trưng của nó thì như nét duyên thầm của thiếu nữ. Ông Phụng đúc kết: “Cái làm cho nhiều người nhớ đến trà Gò Loi là độ ngọt của nước, đó là nhờ chất đất ở đây”. Anh Dũng thì bảo trà Gò Loi rất được nước, chế đến nước thứ ba vẫn còn đậm đà. Quý nhất là hậu vị, uống một ngụm cả giờ sau nuốt nước bọt vẫn còn ngọt.
Trong khoảng thời gian từ năm 1985 đến năm 1988, trà Gò Loi ở đỉnh cao danh vọng. Thời đó, phải là những người hưu trí, cán bộ cấp cao mới được mua trà theo phân phối. Có được lạng trà Gò Loi trong nhà là sướng lắm, có khách quý mới đem ra đãi. Nhiều người mua được cũng không dám uống mà để dành làm quà biếu. Anh Phùng kể rằng các anh đi thăm dò ý kiến ở khắp các cơ quan trong huyện Hoài Ân, hầu như nơi nào cũng xếp trà Gò Loi là đặc sản số một của địa phương, và cũng còn là một trong số ít đặc sản của Bình Định, sánh cùng rượu Bàu Đá, bún Song Thần...
Trà Gò Loi luôn có giá ổn định từ 30.000 đến 35.000 đồng/kg, dịp tết thì lên tới 50.000 đồng/kg. So với nhiều cây trồng khác thì trà có giá trị kinh tế hơn nhiều. Ông Phụng bảo trà Gò Loi không chỉ là đặc sản mà nó còn là một thứ tài sản tinh thần.
Ấy thế mà từ năm 1993, nông trường bắt đầu làm ăn bết bát. Chung quy là vì cơ chế khoán không hợp lý. Anh Dũng nhớ lại: “Năm 1993 thời gian khoán tăng lên 3 năm nhưng nếu một lô trà năm 1990 khoán 1,6 triệu đồng/năm thì năm 1993 tăng lên 3,2 triệu đồng, năm 1996 lại tăng lên 4,2 triệu đồng. Mức khoán thì tăng vùn vụt mà giá trà đâu có tăng như vậy. Trong khi đó nông trường viên phải lo từ A đến Z, tự sản tự tiêu, tự chịu các chế độ như BHYT, BHXH... Khoán cao quá thì anh em không nhận, trà không được chăm sóc nên cằn dần rồi chết. Từ chỗ 10ha xuống còn 7 ha, mà theo đúng quy cách trồng trà thì chỉ còn có 3ha. Mà chỉ là trà xấu”.
Nhà xưởng hoang phế, đồi trà xanh ngát thành những bãi đất trơ trụi. Năm 1998, Nông trường trà Gò Loi chính thức giải thể.
Xanh lại bóng trà
Nông trường giải thể, người ta đua nhau chặt bỏ cây trà để trồng cây khác có thu nhập cao hơn, vợ cũng năm lần bảy lượt bắt phải từ bỏ cây trà nhưng anh Nguyễn Phước Cầu, nhà ở số 40, đường Hà Huy Tập, thị trấn Tăng Bạt Hổ, cán bộ tổ chức - kế toán của nông trường, kiên quyết giữ lại.
Anh Cầu tâm sự: “Không phải mình nuối tiếc kỷ niệm thời thanh niên xung phong mà tiếc cho một danh trà bị quên lãng. Trà Gò Loi là một thương phẩm vừa có thể đem lại kinh tế cao vừa là một đặc sản có giá trị văn hóa ẩm thực vùng miền. Nếu có điều kiện phát triển, trà Gò Loi cùng với rượu Bàu Đá, bánh ít lá gai sẽ góp phần làm tăng giá trị tinh thần cho vùng đất Bình Định”. Với hơn 1ha, anh hái trà xanh và sao trà thủ công, bán túc tắc cho những người hoài nhớ.
Năm 2006, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định phối hợp với huyện Hoài Ân đã chọn cơ sở chế biến trà Gò Loi của anh Cầu đưa lên tỉnh Lâm Đồng học tập mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến công nghệ bằng thiết bị sấy trà kiểu lò quay thay vì phương pháp thủ công. Sau đó, anh Cầu đã vay mượn được 17 triệu đồng lên Lâm Đồng mua một máy sao trà cũ.
Nhờ cải tiến phương pháp sấy, trà có hương thơm và vị ngọt đặc trưng, mỗi tháng cho ra lò khoảng 30kg trà. Loại thượng hạng anh bán 350.000 đồng/kg, loại hai là 120.000 đồng/kg. Ai muốn mua phải đăng ký trước cả tuần mới được 1kg. Anh Cầu cho biết, đơn đặt hàng rất nhiều, nhất là các cơ quan ở địa phương, những người Hoài Ân làm ăn ở xa. Có những đại gia đã là chủ tập đoàn kinh tế lớn vẫn không quên hương vị trà Gò Loi, gọi về đăng ký.
“Được quỹ Tam Châu tặng cây giống, nhà tôi cũng mới trồng thêm 5ha trà từ tháng 11-2012. Gia đình cũng còn giữ được 1,5 ha trà cũ từ ngày còn nông trường. Già yếu nên chúng tôi giao cho con dâu tiếp quản nghề trà”, bà Nguyễn Thị Bắc, ở thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây cho biết. Cũng như bà, nhiều nông trường viên của Nông trường trà Gò Loi xưa cũng hào hứng trồng lại thứ cây của cuộc đời mình.
Ông Võ Trọng Thu, Chủ tịch UBND xã Ân Tường Tây, ước tính hiện vùng trà Gò Loi có gần 20 hộ dân trồng trà với diện tích gần 20ha.
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG