Huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển bền vững

Sáng 28-6, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM (Khóa X) tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội TP 6 tháng đầu năm 2017, bàn giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2017.

Tháo “nút thắt” vốn đầu tư

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong điều hành phiên thảo luận tại hội trường, đã gợi ý một số vấn đề lớn của TP đặt ra để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước năm 2017, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến 4 ngành kinh tế chủ lực và thương mại, dịch vụ. 6 tháng qua, các lĩnh vực này mới chỉ đạt mức tăng trưởng hơn 10%, so với yêu cầu thì chưa đạt, cần phải có những giải pháp đột phá hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ các ngành, lĩnh vực khác phát triển theo.

Về thu ngân sách, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, đã có nỗ lực, cố gắng lớn trong thực hiện các giải pháp tăng thu, nhưng 6 tháng qua mới đạt hơn 47%, số thu còn lại từ giờ đến cuối năm còn rất lớn, cần tập trung đẩy mạnh ở các ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có thương mại, dịch vụ. Đây là hai lĩnh vực có tác động đến thu nội địa rất lớn, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành mới có thể đạt được mục tiêu đến cuối năm đạt tốc độ tăng trưởng ít nhất là 8,5%.

Về chỉ tiêu thành lập 500 ngàn doanh nghiệp, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong lưu ý con số 300 ngàn doanh nghiệp thành lập vừa qua, cơ cấu ngành còn tập trung lớn vào lĩnh vực bất động sản (hơn 40%). Chúng ta hướng đến số lượng doanh nghiệp thành lập, nhưng cũng phải chú ý đến cơ cấu ngành, lĩnh vực kinh tế ưu tiên phát triển và mang tính bền vững. Khi xây dựng các chính sách tạo môi trường đầu tư phát triển cần chú ý đến tính bền vững trong việc phát triển các ngành và mở rộng quy mô doanh nghiệp.

Về nguồn đầu tư cho phát triển, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng nhu cầu hiện rất lớn, ngân sách Nhà nước từ đầu tư công chỉ bảo đảm được hơn 30%, phần lớn còn lại phải tính đến huy động từ xã hội hóa và thu hút đầu tư nước ngoài. Trong đó, để thực hiện 7 chương trình đột phá mà Nghị quyết X TP đề ra phải có đến hơn 320 ngàn tỷ đồng, trong khi TP có khả năng đáp ứng được hơn một nửa, phần còn lại chưa biết huy động từ đâu.

Được mời lên phát biểu theo hướng tìm nguồn đầu tư phát triển cho TP, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP cho rằng, vốn đầu tư đang rất quan trọng đối với TPHCM hiện nay. Nhu cầu vốn đầu tư của TP cho 7 chương trình đột phá hiện mới chỉ đạt được hơn 50%, số còn lại nếu không có thì lập tức ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng, bởi vì sự đóng góp của vốn vào tăng trưởng kinh tế hiện nay ít nhất là 50%. Cho nên, bài toán vốn cần có một hội nghị chuyên sâu để bàn và có giải pháp cấp bách mới có thể giải quyết được. Trước mắt, TP cần có kiến nghị mạnh hơn nữa với Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh các luật hiện hành theo hướng mở cho một đô thị đặc biệt như TPHCM. Hiện TP bị chi phối bởi các quy định của Luật Đầu tư công, dự án nào trên 10.000 tỷ đồng là phải thông qua Quốc hội với trình tự các bước đầu tư mất rất nhiều thời gian.

Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, nguồn vốn cho đầu tư hiện nay đang rất bức bách đối với TP. Trong khi nguồn vốn còn hạn hẹp, thì chúng ta phải tính đến đối tượng, vốn cho hạ tầng kiểu khác, vốn cho doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất cũng khác… Nên chăng cần có hội nghị chuyên đề về vấn đề vốn đầu tư cho TP, để có những nhận định rõ hơn nhu cầu và cơ cấu vốn cho từng ngành và lĩnh vực, và phương thức huy động vốn cho từng đối tượng này như thế nào.

“Theo hướng này, theo tôi phải đặc biệt chú trọng đến huy động nguồn vốn từ hợp tác công-tư (TPP). UBND TP cần tổ chức hội nghị chuyên sâu về vốn cho TP trong 3 năm tới như thế nào, trong đó yêu cầu phải gắn với Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa XII) về phát triển kinh tế ngoài Nhà nước”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gợi ý.

Thách thức cải cách hành chính và thủ tục đầu tư

Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Trương Văn Lắm phát biểu đi sâu vào lĩnh vực cải cách hành chính từ phân tích các chỉ số PCI, PAPI, chỉ số cải cách hành chính. Các chỉ số trên nhiều năm qua TPHCM chưa có giải pháp để cải thiện nâng hạng; tình trạng nhiều nơi chưa quyết liệt thực hiện cải cách thủ tục hành chính, còn để người dân và doanh nghiệp kêu ca, phàn nàn vì bị làm khó.

Theo ông Lắm, nhiều năm qua TP chúng ta được biết đến là địa phương năng động, sáng tạo, đề ra cái mới, triển khai thực hiện cái mới, nhưng mà phổ biến đại trà thì chậm hơn các địa phương khác. Cho nên, giải pháp trong cải cách hành chính là phải làm sao cải thiện được thứ hạng của các chỉ số cạnh tranh, coi các chỉ số này là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức và người đứng đầu.

Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Bùi Xuân Cường, thủ tục về đền bù giải tỏa thực hiện các dự án giao thông đang hết sức nan giải, đặc biệt là ở khâu xác định giá đền bù theo thị trường theo cách tính giá T1 và T2.

Ông Cường dẫn chứng dự án một cây cầu trên trục lộ bắc qua 2 phường của quận Bình Thạnh nhiều năm nay vướng khâu đền bù vì định giá theo thị trường kéo dài đến gần 3 năm.

Ông Cường nói: “Theo Luật Đầu tư công, các dự án có số vốn hơn 10.000 tỷ đồng đều phải thông qua Chính phủ để đưa ra Quốc hội cho ý kiến. Hiện nhiều dự án phát triển giao thông của TP lập dự án đầu tư cách nay mấy năm khi chưa có luật này, và giá trị dưới 10.000 tỷ đồng. Do thủ tục đầu tư, rồi cách tính giá đền bù giải tỏa quá chậm và qua nhiều khâu, nhiều thủ tục đã kéo dài bốn, năm năm nay, giờ tính toán lại đã lên tới hơn 10.000 tỷ đồng. Ở mức đầu tư này phải qua Chính phủ và Quốc hội phê duyệt, nhanh lắm cũng phải mất vài năm nữa mới triển khai thực hiện được. Sự chậm trễ này làm mất cơ hội của TP, tăng vốn đầu tư và gây bức xúc cho người dân về chậm trễ đền bù…”.

Cũng theo Giám đốc Sở GT-VT Bùi Xuân Cường, tình hình giao thông tại TP những năm qua có cải thiện một bước, nhưng do số phương tiện tăng nhanh, với con số hơn 8 triệu xe hiện nay đang tạo áp lực lên hạ tầng giao thông của TP rất lớn. Trong khi, vận chuyển công cộng đến cuối năm nay phấn đấu đạt hơn 600 triệu lượt khách, dù khá cao nhưng so với yêu cầu vận chuyển hành khách công cộng vẫn còn thấp.

Về Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, theo ông Cường do đặc thù sân bay này nằm sâu trong nội thành nên cũng đang gây áp lực lên giao thông, ngày cao điểm có đến hơn 110 ngàn lượt phương tiện ra vào sân bay. Năm 2016 sân bay Tân Sơn Nhất đạt công suất 32 triệu khách, các năm sau dự báo tăng nhanh, càng tạo áp lực giao thông cho các tuyến đường trung tâm TP, tình trạng ùn tắc giao thông sẽ rất lớn.

Về đầu tư xây dựng hai tuyến đường vành đai hiện cũng gặp nhiều khó khăn về thủ tục đầu tư, nguồn vốn nên nhiều năm qua chưa thực hiện xong, trong đó đường vành đai 2 còn gần 10 km với nguồn vốn lớn để giải phóng mặt bằng, tiếp tục thi công. Còn vành đai 3 thì chưa triển khai được km nào.

Ông Cường đề nghị TP cần có giải pháp mạnh hơn nữa về thủ tục đầu tư, kiến nghị với Trung ương kịp thời tháo gỡ khó khăn về vốn để đẩy nhanh tiến độ mới bảo đảm yêu cầu phát triển giao thông của TP những năm tới.

Tin cùng chuyên mục