Huyền thoại Chiêm Bất Lao

Trên đỉnh Sơn Trà phóng tầm mắt nhìn về hướng Hội An, giữa muôn trùng sóng nước bao la, hòn đảo Chiêm Bất Lao xanh thẫm như một tiền đồn khổng lồ, làm nhiệm vụ canh giữ sự bình yên muôn đời cho cư dân trên đảo.
Huyền thoại Chiêm Bất Lao

Trên đỉnh Sơn Trà phóng tầm mắt nhìn về hướng Hội An, giữa muôn trùng sóng nước bao la, hòn đảo Chiêm Bất Lao xanh thẫm như một tiền đồn khổng lồ, làm nhiệm vụ canh giữ sự bình yên muôn đời cho cư dân trên đảo.

Sau gần một giờ, chiếc ca nô băng băng rẽ sóng đã đến Chiêm Bất Lao, cụm đảo nổi danh với bao truyền thuyết linh thiêng, nay được gọi bằng cái tên mộc mạc Cù Lao Chàm. Thoáng trông, cả cụm đảo giống hệt những cây nấm to đùng từ biển xanh vươn mình lên trời.

Trong sắc nắng oi oi của hè, Ân, chàng hướng dẫn viên du lịch vui tính kể: Cù Lao Chàm là một cụm đảo gồm 8 hòn với những cái tên là lạ: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô Con, Hòn Lá, Hòn Tai và Hòn Ông. Hiện tại, dân số trên đảo ước chừng hơn 3.000 người, tập trung sinh sống tại Hòn Lao vì hòn này có nguồn nước trong lành, ngọt mát. Tại các hòn khác, do địa thế cheo leo, hiểm trở nên chỉ có chim yến kéo về làm tổ.

Thuở xưa, khi nghề nuôi yến chưa phát triển, Cù lao Chàm được các tay săn để ý vì tổ yến trên đảo này có chất lượng rất cao. Để tiện thu hoạch nguồn dược liệu quý bổ dưỡng, những tay săn yến đã định cư vĩnh viễn trên đảo và truyền cho con cháu nghiệp leo núi săn “vàng trắng”. Thuở ấy, tổ yến Cù Lao Chàm luôn được các thương lái tại khu vực Cửa Đại tranh mua. Nghề yến được coi trọng và với niềm tin tâm linh rằng phải có lục tổ, lục tông phù hộ mới có thể theo nghề, cư dân trên đảo đã lập một đền thờ ông tổ nghề yến, quanh năm hương khói cúng bái.

Xa xưa, Chiêm Bất Lao được coi trọng vì đây chính là trạm dừng cho các tàu thuyền ghé mua nước ngọt khi đến Hội An - Cửa Đại, vốn là một thương cảng sầm uất của khu vực Đông Nam Á. Tại thương cảng này, thương lái các nước thường dong thuyền đến mua bán, trao đổi sản vật và lưu trú trên vùng đất này khá lâu, chờ mùa gió xuôi nổi lên, mới lên tàu trở về. Tuy nhiên, do địa hình đá và núi chập chùng nên Cù Lao Chàm cũng là chốn ẩn náu của cướp biển hung ác. Bọn chúng thường giấu tàu thuyền trong các khe đá lởm chởm, đợi thuyền các thương lái đi qua thì lao ra trấn lột.

Do vậy, bãi cát gần chỗ Đá Chồng còn có tên Bãi Tàu. Có một điều kỳ lạ là khi đang hả hê với các chiến lợi phẩm, tàu của cướp biển thường bị gãy cột buồm hoặc đứt neo lái. Tin vào nghiệp chướng “ác giả ác báo”, bị các vị thần trên đảo ra tay trừng phạt, cướp biển sợ hãi sụp lạy xin các vị thần tha mạng và cải tà quy chánh. Tiếng đồn về sự linh thiêng của Bãi Đá Chồng càng lúc càng lan xa. Từ đó, cư dân trên đảo tin tưởng, thờ kính và hương khói tảng đá này ngày đêm không dứt.

Khi nhà Nguyễn vào đến đây, triều đình cử một võ quan ra đảo nhằm giữ an ninh và giúp cư dân an cư lạc nghiệp. Ông nhận ra khu vực biển tại Chiêm Bất Lao có ê hề các loại hải sản lạ và ngon. Cư dân trên đảo từ xa xưa chủ yếu có nghề đánh bắt cá, đi rừng hái thuốc, tìm tổ yến và làm nông. Đến nay, nhờ tập tục truyền thống được cư dân lưu giữ cẩn trọng, Cù Lao Chàm trở thành địa chỉ cho nhiều du khách trong và ngoài nước chọn làm điểm đến tham quan, tìm hiểu, vui chơi. Đời sống cư dân trên đảo sung túc hơn xưa nhờ việc bán buôn hải sản, thảo dược, kinh doanh ghe thuyền chở khách, nhà nghỉ... Đặc sản nổi tiếng nhất của Cù Lao Chàm là cua đá và ốc vú nàng bởi có hương vị thơm ngon hơn ở mọi vùng biển khác.

Làm một vòng khám phá đảo bằng xe đạp, bạn có thể ghé thăm Xóm Cấm, nơi có chiếc giếng cổ Chăm với niên đại vài trăm tuổi đã được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 2006. Đây là di tích chứng minh nét văn hóa của người xưa từng hiện hữu trên đảo này thật rõ rệt. Giếng Xóm Cấm có cấu trúc kiểu hình ống tròn, thành giếng hình tròn, nền giếng hình vuông, ở mỗi góc có một trụ vuông. Tò mò nhìn xuống đáy giếng, làn nước trong vắt như mời gọi, chúng tôi múc vội một gáo để rửa mặt và uống thử. Vị ngọt, mát lành làm ai cũng cảm thấy tỉnh táo hẳn lên. Ân nói: “Nếu đem nước giếng Xóm Cấm nấu chung với một loại lá rừng trên đảo để uống thì không ai bị say sóng cả”. Nghe nói, chiếc giếng này có nhiệm vụ cung cấp nguồn nước ngọt cho mọi cư dân trong khu vực. Đặc biệt, nước giếng Xóm Cấm không bao giờ cạn, cho dù vào mùa khô kiệt nhất.

Tạm biệt Xóm Cấm, chúng tôi men theo những con đường nhỏ ngoằn ngoèo đến viếng chùa Hải Tạng, di tích tâm linh được xây dựng cách đây trên 250 năm, vẫn còn nhiều dấu tích xưa tuy cảnh vật đã thay đổi nhiều cùng năm tháng. Chùa Hải Tạng khá nhỏ, nằm im ắng tại một vị trí ở Bãi Làng. Thăm chùa, bạn có cảm tưởng chùa càng bé hơn vì xung quanh được bao bọc bởi những ngọn núi. Bước vào trong điện, rất dễ nhận ra các vị sư trụ trì ngày xưa đã xây chùa theo phái Bắc Tông. Vì vậy, ngoài tượng Phật, chùa còn có nhiều bàn thờ các vị thần thánh Đế Quân, Nữ Oa, Địa Tạng Vương, Quan Công… cùng các bài vị chi chít chữ Hán.

Hang yến cù lao chàm

Hang yến cù lao chàm

Xem bảng ghi công đức, chúng tôi được biết chùa Hải Tạng còn lưu giữ khá nguyên vẹn kết cấu kiến trúc, mỹ thuật tiêu biểu của thế kỷ 18. Đây cũng là nguồn cung cấp nhiều thông tin quý giá về lịch sử hình thành cộng đồng cư dân cổ xưa nơi đây. Vì vậy, ngôi chùa này luôn được các nhà nghiên cứu văn hóa Champa - Việt xem là điểm hẹn khi trở lại Chiêm Bất Lao.

Rời chùa, chúng tôi vội lao ra biển để đắm mình trong làn nước mát, vui ngắm những dải san hô đủ màu sắc rập rờn uốn éo, giống như bộ cánh của các nàng tiên tung bay, múa lượn giữa khung cảnh huyền ảo của mặt nước trong xanh. Mê mải gần 3 giờ vui chơi cùng biển cả, cái bụng bắt đầu kêu đói. Lục tục lên bờ, mọi người sà vào khu hàng ăn với những món hải sản nướng thơm lừng tuyệt ngon. Rồi, dưới bóng dừa xanh, gió lộng nắng vàng, giấc ngủ chợt đến thật nhanh...

                                                                                                                               HẠ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục