Huyền thoại dòng kênh ngàn tuổi

Ngày 7-7, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đã ký quyết định xếp hạng kênh Nhà Lê tại Nghệ An là di tích lịch sử cấp quốc gia. Kênh Nhà Lê được vua Lê Hoàn cho khởi đào từ năm 983 và các triều đại về sau tiếp tục công cuộc đào kênh kết nối 4 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh với chiều dài gần 500km. Có thể nói, đây là con kênh đào dài nhất Việt Nam cả về chiều dài lịch sử và địa lý. Kênh đào này đã kết nối với các sông tự nhiên, không chỉ tạo nên mạng lưới giao thông đường thủy, thủy lợi… mà còn là con đường chiến lược trong các cuộc chiến bảo vệ đất nước. Cùng với sự hình thành của kênh, những vùng đất màu mỡ, làng mạc trù phú đã được tạo lập…
Huyền thoại dòng kênh ngàn tuổi

Ngày 7-7, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đã ký quyết định xếp hạng kênh Nhà Lê tại Nghệ An là di tích lịch sử cấp quốc gia. Kênh Nhà Lê được vua Lê Hoàn cho khởi đào từ năm 983 và các triều đại về sau tiếp tục công cuộc đào kênh kết nối 4 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh với chiều dài gần 500km. Có thể nói, đây là con kênh đào dài nhất Việt Nam cả về chiều dài lịch sử và địa lý. Kênh đào này đã kết nối với các sông tự nhiên, không chỉ tạo nên mạng lưới giao thông đường thủy, thủy lợi… mà còn là con đường chiến lược trong các cuộc chiến bảo vệ đất nước. Cùng với sự hình thành của kênh, những vùng đất màu mỡ, làng mạc trù phú đã được tạo lập…

Kỳ tích của ông cha

Kênh Nhà Lê đoạn qua tỉnh Nghệ An có chiều dài 128km, chảy qua các địa phương (theo hướng từ Bắc vào Nam): thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên và TP Vinh. Qua mỗi địa phương, kênh lại có những tên gọi riêng như sông Mơ, kênh Dâu, kênh Đạu, kênh Sắt, kênh Gai…
Nhà nghiên cứu Đào Tam Tỉnh trong cuốn Kênh Nhà Lê -  Lịch sử và huyền thoại (NXB Thời Đại, 2010) dẫn theo Đại Việt sử ký toàn thư, cho biết kênh Nhà Lê qua Nghệ An cũng được đào cùng thời gian với đoạn kênh Nhà Lê tại Thanh Hóa. Đến năm 1003, vua Lê Đại Hành đã cho nạo vét, mở rộng kênh Đa Cái ở phía Nam Nghệ An. Từ đây, hệ thống kênh đào đã kết nối với các con sông tự nhiên, tạo thành hệ thống đường thủy thông suốt từ Thanh Hóa đến sông Lam. Tàu thuyền từ các bến cảng của Nghệ An như Cửa Cờn, Cửa Quèn, Cửa Thơi, Cửa Vạn, Cửa Lò, Cửa Hội bắt đầu lưu thông ra được Thanh Hóa và kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình).

Trong quá trình đào kênh Nhà Lê, đoạn kênh Sắt là kỳ công, gian nan, vất vả nhất. Các thế hệ ông cha phải mất đến hơn 800 năm, đoạn kênh này mới được khơi thông. Theo nhà nghiên cứu Đào Tam Tỉnh, kênh Sắt là tên gọi đoạn kênh Nhà Lê chảy qua Truông Sắt thuộc xã Diễn An (huyện Diễn Châu) và xã Nghi Yên (huyện Nghi Lộc) hiện nay. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ, đoạn kênh này được khởi đào từ năm 1003 do Lê Hoàn trực tiếp vào tận nơi chỉ đạo. Tuy nhiên, khi đào đến Truông Sắt thì gặp khó khăn vì đây là vùng núi, lại có các mỏ sắt, đá rắn bên dưới nên rất khó đào. Các triều đại về sau cũng đã cố công đào tiếp đoạn kênh Sắt nhưng vẫn không thành công. Cho đến đầu triều Nguyễn, đoạn kênh này vẫn chưa thể khơi thông. Dưới thời vua Tự Đức, trong dân gian đã lan truyền bài vè Đi phu đào kênh Sắt để diễn tả nỗi khổ cực khi bị triều đình huy động đi đào kênh. Khi Hoàng Tá Viêm nhậm chức Tổng đốc Nghệ An, ông đã viết thư mời Nguyễn Trường Tộ ra giúp đào kênh Sắt. Thời điểm này, năm 1866, nhà canh tân Nguyễn Trường Tộ đang phải trị bệnh tại nhà thờ Xã Đoài (xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc) nhưng ông đã nhận lời. Ông đã phải đi bằng cáng khoảng 10km để đến thị sát vị trí đào kênh. Với vốn kiến thức khoa học, địa chất đã học được, ông cho cắm mốc, chỉ cách đào để tránh những nơi có đá, quặng rắn... Sau khoảng 1 tháng đào theo hướng dẫn của Nguyễn Trường Tộ thì kênh Sắt được khơi thông.  

Đài tưởng niệm kênh Nhà Lê tại xã Nghi Yên (huyện Nghi Lộc)

Lập đất, dựng làng theo kênh

Từ sông Hoàng Mai đổ ra Cửa Cờn, nhà Lê cho đào một nhánh kênh chạy song song bờ biển, dài chừng 14km xuyên qua 7 xã vùng bãi ngang thuộc thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Đoạn kênh này đã mang lại cho người dân bãi ngang nhiều thuận lợi trong sản xuất, đánh bắt và đi lại. Trải qua các đời vua sau đó, với nhiều lần nạo vét, mở rộng kênh, vùng bãi ngang ngày càng trở nên đông đúc, trù phú với các nghề ngư, diêm, nông, thương mại đường biển, đường sông... Người dân địa phương gọi đoạn kênh này là sông Mơ. Hiện nay, sông Mơ rộng chừng 10-12m, mực nước phụ thuộc vào thủy triều, là nguồn cung cấp nước cho việc nuôi trồng thủy hải sản của cư dân các xã vùng bãi ngang như Quỳnh Liên, Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng… Cửa Vạn được xem là một trong 8 thắng cảnh của đất Diễn Châu. Hiện nay nơi đây là một cảng cá tấp nập, mỗi ngày có khoảng 500 tàu cá lớn nhỏ của ngư dân các xã Diễn Ngọc, Diễn Bích, Diễn Kim… ra vào.

Chúng tôi thuê thuyền của ngư dân Nguyễn Khôi ở ngã ba sông Cấm và kênh Gai rồi xuôi theo kênh Gai hướng về Bến Thủy (TP Vinh). Nơi đây cũng chính là vùng đặc sản cam Xã Đoài nức tiếng. Ông Nguyễn Khôi kể, đoạn kênh này ngày xưa là một bến chợ, thuyền bè ra vào tấp nập. Khi phương tiện đi lại còn khó khăn, những ngày lễ lớn của Công giáo, giáo dân ở các vùng Diễn Châu, Quỳnh Lưu đi bằng thuyền theo kênh Nhà Lê về đây dự lễ nên bến sông này càng nhộn nhịp. Qua vùng Xã Đoài, kênh Gai chạy hình vòng cung ra giữa những cánh đồng lúa xanh mướt của huyện Hưng Nguyên và Nghi Lộc. Đến xã Hưng Chính (TP Vinh), kênh Gai nhập vào kênh Đích (thời Tiền Lê gọi là kênh Đa Cái), sau đó kênh Đích rẽ vào sông Vinh, điểm cuối sông Vinh nhập vào sông Lam ở Bến Thủy.

Kỹ sư thủy lợi Nguyễn Xuân Sơn (Nghệ An) cho biết, hệ thống kênh Nhà Lê từ sông Cấm trở vào đến Bến Thủy rất có giá trị trong khai thác thủy lợi tưới, tiêu. Ngoài cung cấp nước tưới cho khoảng hơn 20.000ha lúa, điều tiết nước cho các lưu vực sông Cấm, sông Bùng, hệ thống kênh này còn có tác dụng thoát lũ cho 3 huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên và một phần TP Vinh.

“Đường mòn Hồ Chí Minh” trên sông

 

 Ngày 26-7-2016, tại xã Nghi Yên (huyện Nghi Lộc), Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phối hợp với Sở GTVT tỉnh Nghệ An đã tổ chức lễ đón bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia Di tích lịch sử kênh Nhà Lê tại Nghệ An. Trong buổi lễ, mọi người rưng rưng xúc động nhớ về những người đã ngã xuống trên dòng kênh này.

 

Trong kháng chiến chống Mỹ, kênh Nhà Lê được xem như “đường mòn Hồ Chí Minh” trên sông trong việc vận chuyển lương thực, vũ khí… từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Tại đoạn kênh Sắt, đặc biệt là khu vực tiếp giáp với sông Cấm - nơi đánh phá ác liệt suốt ngày đêm của máy bay Mỹ hòng phá cầu Cấm, cắt đứt con đường huyết mạch quốc lộ 1A từ Bắc vào Nam. Trong quá trình bám tuyến, bám kênh chống phong tỏa, rà phá bom mìn, nạo vét luồng tuyến…, 130 cán bộ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã anh dũng hy sinh. Để ghi công những chiến sĩ hy sinh trên dòng kênh huyền thoại này, năm 1996, ngành GTVT Nghệ An đã cho dựng Đài tưởng niệm kênh Nhà Lê tại xóm Tây Sơn (xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc).

Ông Nguyễn Văn Thành, nguyên Xã đội trưởng xã Nghi Yên trong những năm chống Mỹ, kể rằng thời chiến tranh, đoạn kênh này mỗi ngày có hàng chục tàu thuyền vận chuyển vũ khí, lương thực từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Do kênh Nhà Lê nối với sông Cấm ở ngay cầu Cấm, nơi máy bay Mỹ ngày đêm tập trung trút bom nên khi tàu thuyền chở lương thực, vũ khí qua đây gặp muôn vàn khó khăn. Nhiều tàu thuyền đã bị trúng bom, tổn thất về người cũng nhiều.

DUY CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục