Tổng Giám đốc IPC Phạm Xuân Bình
Ngày 24-10-2014, Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm hình thành và phát triển. Với người dân TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, có lẽ nhiều người chưa biết đến cái tên IPC, nhưng hầu hết ai cũng biết đến Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Khu công nghiệp Hiệp Phước, Cảng Container Trung tâm Sài Gòn (SPCT)... những đơn vị thành viên của IPC. Và nay, IPC vẫn đang từng ngày, từng giờ góp phần xây dựng TPHCM tiến ra biển Đông. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập IPC, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Tổng Giám đốc IPC Phạm Xuân Bình về tầm nhìn của công ty trong thời gian tới.
- Thưa ông, những thành tựu của IPC thì đã rõ. Sau 25 năm từ một vùng đất nghèo khó chỉ có đầm lầy, dừa nước... đến nay khu vực phía Nam TPHCM đã trở thành một trong những điểm sáng của cả nước với Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Khu công nghiệp Hiệp Phước, Cảng SPCT, luồng Soài Rạp cho tàu trên 50.000 tấn ra vào cảng TPHCM... Vậy khu vực phía Nam TPHCM đóng vai trò thế nào trong chiến lược phát triển của khu vực, thưa ông?
- Lấy cụm đô thị - công nghiệp – cảng tại Hiệp Phước làm trọng tâm, khu vực phía Nam TPHCM sẽ tạo sự kết nối giữa các khu đô thị, các khu công nghiệp của các tiểu vùng Đông Bắc (Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu), tiểu vùng Tây Bắc (Tây Ninh, Bình Phước), tiểu vùng Tây Nam (Long An, Tiền Giang) để hình thành chùm đô thị và khu công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, phía Nam thành phố là một trong 2 hướng phát triển chính của TPHCM nhằm thực hiện các mục tiêu quan trọng về đô thị - công nghiệp - cảng, trong đó chiến lược di dời và phát triển cảng là điểm đặc biệt duy nhất chỉ có ở khu vực phía Nam thành phố.
Theo Thông báo số 618/TB-VP ngày 6-8-2014, UBND TPHCM đã có chủ trương nghiên cứu thành lập Khu kinh tế đặc biệt của TPHCM tại Khu vực phía Nam thành phố, bao gồm 4 quận huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè và quận 7. Chủ trương này cùng những lợi thế đặc biệt về hành chính, địa lý, điều kiện phát triển hiện trạng có sẵn mang đến kỳ vọng lớn cho nhân dân thành phố nói riêng và cả nước nói chung về sự phát triển của khu vực phía Nam thành phố, đóng vai trò như một mũi tên mở đường đưa TPHCM phát triển hướng ra biển Đông, hội nhập kinh tế thành phố với nền kinh tế biển khu vực và thế giới.
- Như ông nói thì Khu đô thị cảng Hiệp Phước (khu đô thị, cảng và logistics) được xem là điểm nhấn của khu vực phía Nam TPHCM trong thời gian tới, vậy ông có thể phác họa mô hình của Khu đô thị cảng Hiệp Phước trong tương lai?
- Khu đô thị cảng Hiệp Phước là khu đô thị đa chức năng của TPHCM, với tính chất đặc thù là cảng biển. Cụ thể là khu đô thị cảng biển quốc tế quy mô lớn, đầu mối trung chuyển phục vụ TPHCM, vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Là khu đô thị công nghiệp, với khu công nghiệp tập trung quy mô lớn, đa ngành, đa dạng về sản phẩm, đặc biệt các loại công nghiệp gắn với cảng và vận tải đường thủy. Khu đô thị dịch vụ logistics, đặc biệt phục vụ cho các hoạt động cảng, sản xuất công nghiệp, vận tải biển, xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua cảng biển. Đây sẽ là khu đô thị hiện đại, với các khu ở đầy đủ tiện nghi và cơ sở hạ tầng đồng bộ, hoàn chỉnh, môi trường sống chất lượng cao.
- Vậy IPC đóng vai trò gì trong việc khơi dậy phát triển những tiềm năng trên?
Khu đô thị - cảng Hiệp Phước có quy mô khoảng 3.900ha là một trong 2 khu đô thị lớn của TPHCM sẽ phát triển trong giai đoạn 2020-2025. |
- Chính sách về sở hữu và quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp cũng sẽ có những chuyển biến lớn. Các chương trình về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã và đang được thực hiện theo hướng ngày càng giảm mức độ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp, các mô hình sở hữu sẽ dựa trên nguyên tắc đối vốn, tách giữa vai trò quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển đô thị và bất động sản. Chính điều này tạo nên một bối cảnh chung tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến điều kiện cũng như chiến lược phát triển của IPC và kế hoạch phát triển về khu vực phía Nam thành phố.
IPC trở thành một trong những công ty hàng đầu TPHCM về phát triển hạ tầng kỹ thuật và nắm giữ tài sản trong lĩnh vực khu công nghiệp, đô thị, cảng, logistics và khu kinh tế… Sứ mệnh của IPC là tiếp tục thực hiện chiến lược đưa thành phố phát triển về phía Nam nhằm “Tiến ra biển Đông”, IPC đóng vai trò then chốt trong việc phát triển cửa ngõ giao thương quốc tế ở phía Nam TPHCM với khu vực kinh tế Asean+3 và liên kết với vùng Châu Á-Thái Bình Dương. IPC sẽ đóng vai trò động lực chính để hình thành một khu kinh tế tại khu vực phía Nam thành phố và các vùng lân cận, tăng cường thúc đẩy phát triển kinh tế vùng hướng về khu vực.
Cập bến. Ảnh: Trần Trúc Sơn. Giải Nhì cuộc thi ảnh Nam Sài Gòn 25 năm hình thành và phát triển
- IPC đã có những bước chuẩn bị gì cho sứ mệnh to lớn này?
- Định hướng chiến lược phát triển của IPC trong bối cảnh mới là tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực mà công ty đã có thế mạnh và kinh nghiệm: phát triển hạ tầng cho các khu công nghiệp và khu đô thị, khu cảng, đồng thời chú ý nghiên cứu tham gia những lĩnh vực mới như cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng, có giá trị gia tăng cao.
Từ đó đề ra mục tiêu cốt lõi là phát triển Khu đô thị công nghiệp cảng Hiệp Phước qua 3 trụ cột: Sản xuất công nghiệp (quy mô gần 1.000ha) tập trung phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và cơ khí chính xác, sử dụng công nhân có tay nghề và chuyên gia trong các lĩnh vực công nghiệp; Khu cảng hạ lưu Hiệp Phước (còn gọi là Khu cảng hạ lưu Sài Gòn) 384ha và khu logistics 392ha để thực hiện tốt chủ trương di dời cảng từ khu vực nội thành ra vùng Hiệp Phước, tập trung vào logistics cảng biển quốc tế và phân phối nội địa, dựa trên lợi thế về tuyến luồng, và vị thế kết nối với trung tâm thương mại TPHCM, khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, và khu vực các nước Đông Dương; Khu đô thị Hiệp Phước (hay Khu đô thị mới Sài Gòn) 1.354ha, phát triển một khu đô thị cửa ngõ hiện đại hướng ra khu vực ASEAN, với các khu ở đầy đủ tiện nghi và cơ sở hạ tầng đồng bộ, hoàn chỉnh, môi trường sống chất lượng cao gắn với đặc thù thiên nhiên của vùng. Mục tiêu bổ trợ Khu cảng công nghiệp Cát Lái: chuyên về logistics, có vai trò hỗ trợ hệ thống cảng biển tại Hiệp Phước. Hoàn thiện khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Tiếp tục phát triển và hoàn thiện Khu chế xuất Tân Thuận, Khu công nghiệp Hiệp Phước, Khu công nghiệp Long Hậu, Khu chế xuất Linh Trung. Phát triển giai đoạn 2 cảng SPCT.
Để thực hiện các nhiệm vụ trên, IPC cần nghiên cứu đề xuất hệ thống cơ chế chính sách đủ mạnh để tạo bước đột phá và thu hút đầu tư trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại – du lịch và dịch vụ logistics.
25 năm qua, IPC đã kiên trì thực hiện chiến lược phát triển TPHCM tiến ra biển Đông. Những thập niên tới IPC vẫn khẳng định vai trò nòng cốt của mình trong thực hiện chiến lược kinh tế biển của thành phố nhằm tham gia tích cực vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa TPHCM ở tầm cao mới.
Lĩnh vực kêu gọi đầu tư - Phát triển khu đô thị - Phát triển khu logistics - Phát triển khu cảng - Phát triển các mảng dịch vụ cung cấp thêm cho các khách hàng đã có trong các dự án của hệ thống IPC |
Phương Nam