Iraq bước vào năm thứ tư của chiến tranh

Iraq bước vào năm thứ tư của chiến tranh

Khi Mỹ mở đầu cuộc tấn công xâm lược Iraq cách đây 3 năm (20-3-2003), chính phủ của Tổng thống George W. Bush tự tin rằng cuộc chiến này sẽ bắt đầu bằng hàng loạt đợt dội bom và sau đó quân đội Mỹ sẽ chiếm thủ đô Baghdad trong một thời gian ngắn. 6 tuần sau đó, Tổng thống G.W.Bush công bố chiến dịch “Mang lại tự do cho người Iraq” kết thúc và cam kết rằng sự đổi thay dân chủ không những chỉ ở Iraq mà sẽ lan rộng khắp Trung Đông.

Giờ đây, với bối cảnh Iraq tràn ngập bạo lực và thương vong thì Nhà Trắng đang nói tới một cuộc chiến lâu dài. Các chuyên gia của Mỹ hiện cũng đã lên tiếng về một cuộc chiến ngốn kinh phí quá nhiều. Thiếu tướng về hưu William Odom, người từng làm việc trong Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ dưới thời Ronald Reagan gọi cuộc phiêu lưu của Mỹ ở Iraq là “thảm họa chiến lược lớn nhất” trong lịch sử nước Mỹ.

Iraq bước vào năm thứ tư của chiến tranh ảnh 1

Một chuyên gia về Trung Đông của quân đội Mỹ, ông Conrad Crane cho rằng Mỹ không thể “áp đặt một giải pháp hòa bình kiểu Mỹ (Pax Americana) lên Iraq”. Ông David Mark, cựu đại sứ Mỹ tại Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, thì cho rằng Mỹ “phải chấp nhận kết quả không vui vẻ gì tại Iraq. Thực tế chả có ai ở khu vực Trung Đông lạc quan với cuộc chiến Mỹ tại Iraq”.

Cho tới nay, người đóng thuế Mỹ phải gánh 320 tỷ USD chi phí cho cuộc chiến của Mỹ tại Iraq và con số này sẽ tiếp tục tăng cao. Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz ước tính rằng chi phí cho cuộc chiến của Mỹ tại Iraq sẽ đạt mức 1.000 tỷ USD. James Phillips, chuyên gia an ninh quốc gia thuộc tổ chức Heritage Foundation cho rằng cuộc chiến tại Iraq có nguy cơ thất bại lớn hơn cả thất bại của Mỹ tại Việt Nam.

  • Bao giờ Mỹ rút quân khỏi Iraq?

Tư lệnh Mỹ tại Iraq, tướng George Casey cho biết ông từng dự báo rằng Mỹ sẽ rút quân vào năm 2005 có thể sẽ hoãn lại cho đến ít nhất là cuối năm 2007. Để đáp lại yêu cầu rút quân ngày càng nhiều trong dân chúng Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld cảnh báo rằng: “Rút quân Mỹ khỏi Iraq trong lúc này tương tự như việc để nước Đức trở lại với chế độ phát xít”.

Lời cảnh báo này lập tức đã bị nhiều người bác bỏ. Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng Mỹ, cho rằng không thể so sánh 2 trường hợp như vậy. Ông nói rằng, ở Đức, phát xít Đức bị đánh bại hoàn toàn và khi đó không còn phong trào kháng cự nào cả. Ông Kissinger là người Mỹ gốc Đức, từng phục vụ cho quân đội Mỹ tại Đức khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

Ông Zbigniew Brzezinski, người từng là cố vấn an ninh dưới thời Tổng thống Jimmy Carter, thì thẳng thừng hơn khi nói: “Thật điên rồ. Ông Rumdfeld phát biểu như vậy chứng tỏ ông ấy không hiểu biết về lịch sử hoặc mị dân”. Paul Eaton, tướng từng phụ trách đào tạo lực lượng Iraq trong năm 2003-2004 tuyên bố rằng Rumsfeld không đủ năng lực để lãnh đạo quân đội Mỹ và kêu gọi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ chức.

Ông Eaton khẳng định: “Hơn ai cả, chính ông Rumsfeld phải chịu trách nhiệm về những gì xảy ra đối với quân Mỹ tại Iraq”. Lời kêu gọi ông Rumsfeld từ chức của ông Eaton được Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Joseph Biden (thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ) ủng hộ. Ông Biden nói rằng hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra khi Bộ trưởng Quốc phòng Rumsfeld từ chức. “Điều đó sẽ có lợi cho thế giới, có lợi cho lực lượng Mỹ và có lợi cho môi trường chính trị tại Mỹ”, ông Biden nói.

  • Nội chiến tại Iraq đã gần kề?

Phát biểu với BBC, cựu Thủ tướng Iraq Ayad Allawi cho rằng tình trạng bạo lực tại Iraq hiện nay là một dấu hiệu rõ ràng của một cuộc nội chiến tại nước này. Ông nói: “Chúng tôi đang mất mỗi ngày trung bình từ 50 đến 60 người trên cả nước. Nếu đây không phải là cuộc nội chiến thì không biết theo Thượng đế nội chiến là gì”.

Thật vậy, nếu trước đây chỉ xảy ra các cuộc tấn công của quân nổi dậy chống quân chiếm đóng thì nay các cuộc chiến đẫm máu giữa người Hồi giáo Sunni và Shiite đang tăng lên. Chỉ trong vòng 1 tuần vừa qua, cảnh sát Iraq đã phát hiện trên 100 xác chết của cả người Sunni và Shiite bị giết theo dạng thủ tiêu giấu xác.

Xung đột giữa người Shiite và Sunni dẫn tới một cuộc nội chiến là mong muốn của Abu Mussab al-Zarqawi, thủ lĩnh Al Qaeda tại Iraq. Trong lá thư gửi cho Osama Bin Laden đề ngày 15-6-2004, Zarqawi cho rằng “người Shiite đã phản bội người Sunni bằng cách bí mật liên minh với Mỹ”.

Zarqawi được cho là người cầm đầu vụ đánh bom nhà thờ Hồi giáo của người Shiite tại Samarra ngày 22-2-2006 cùng nhiều vụ sát hại các giáo chủ Hồi giáo dòng Shiite. Thêm vào đó, người Kurd ở phía Bắc Iraq cũng đang muốn giành quyền lợi về cho họ trong các cuộc tranh giành quyền lực.

Bởi thế mà đã 3 tháng sau cuộc tổng tuyển cử, Iraq vẫn chưa thể chọn được thủ tướng và nội các. Anh Riad Hamid, chủ tiệm bánh người Shiite ở Baghdad chua chát nhận định: “Điều duy nhất mà chúng tôi có được sau khi Mỹ xâm lược đất nước chúng tôi là sự chia rẽ giữa người Sunni, người Shiite và người Kurd”.

(theo San Francisco Chronicle, CNN, AFP)

3 năm sau khi Mỹ tấn công Iraq

- 30.000 người Iraq bị giết hại, 2.313 người Mỹ (kể cả lính và nhân viên quân sự) chết, 17.000 bị thương (theo số liệu của Lầu Năm Góc đến ngày 17-3). Tạp chí Lancet của Anh cho rằng con số người Iraq bị giết hại là 100.000 người từ cuối năm 2004.

- Sản lượng điện đạt mức thấp kỷ lục trong vòng 3 năm, ở mức 3.750 Megawatt (tháng 2-2006). Nhiều nơi tại thủ đô Baghdad điện chỉ có từ 3-5 giờ/ngày. Người dân xếp hàng cả ngày chưa chắc đã mua được xăng dầu.

- Xuất khẩu dầu mỏ chỉ ở mức xấp xỉ 2 triệu thùng/ngày so với 2,5 triệu/ngày trước chiến tranh.

- Giao thông tại nhiều khu vực bị lực lượng Mỹ ngăn cấm do lo ngại về an ninh. Đường phố tại Baghdad bị xe tăng và bom đạn cày nát. Các hoạt động đều ngừng sau giờ giới nghiêm (8 giờ tối).

Tin cùng chuyên mục