Kênh Tân Hóa - Lò Gốm hồi sinh: 19km² và hành trình 10 năm

Kênh Tân Hóa - Lò Gốm hồi sinh: 19km² và hành trình 10 năm

Quyết tâm của Thành phố

Tân Hóa - Lò Gốm là một trong những con kênh ô nhiễm nhất nhì TPHCM của hơn 10 năm về trước. Oằn mình gánh biết bao rác thải từ cuộc sống thường nhật của hàng chục ngàn hộ dân nghèo sống quanh kênh rồi lấn chiếm, con kênh ngày càng ô nhiễm nặng nề. Mỗi khi triều cường lên, đường lại ngập ngụa trong dòng nước đen hôi thối.

Trong môi trường sống đó, trẻ con, người già ốm yếu quanh năm, thanh niên vô công rỗi nghề, nhiễm tệ nạn cờ bạc, hút chích. Luẩn quẩn không thoát được cảnh sống nhếch nhác bần hàn. Đó là giai đoạn những năm 2000.

Sau khi kiểm tra một số hạng mục dọc tuyến, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải (bìa phải) nhấn mạnh: Rút kinh nghiệm dự án kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè làm sao dự án Tân Hóa - Lò Gốm chất lượng phải tốt hơn, nhất là khâu quản lý vệ sinh môi trường đô thị. Cần xem xét lại các loại cây trồng sao cho vừa đẹp vừa hiệu quả kinh tế. Ảnh: Việt Dũng

Trong bối cảnh đó, một chương trình nâng cấp đô thị quốc gia được khởi xướng phù hợp chiến lược của Ngân hàng Thế giới là giảm nghèo đô thị thông qua nâng cấp cơ sở hạ tầng theo phương pháp có sự tham gia của cộng đồng hưởng lợi. Tại TPHCM, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình Nâng cấp đô thị TPHCM (HUUI) được thành lập nhằm triển khai nhiệm vụ quan trọng: Cải thiện các công trình dân sinh và hạ tầng xã hội trên địa bàn các quận thông qua nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới. Cùng lúc, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TPHCM đã xác định thực hiện Chương trình Nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị là một trong những chương trình trọng điểm góp phần đẩy mạnh thực hiện chiến lược tăng trưởng toàn diện, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá trên địa bàn thành phố. Lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm là 1 trong 3 lưu vực được đưa vào Danh mục Ưu tiên cải tạo theo Quyết định 752/QĐ-TTg ngày 19-6-2001 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước của TPHCM đến năm 2020.

Từ đây, hành trình 10 năm “khoác áo mới” cho 19km2 lưu vực kênh bắt đầu với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp 3 các khu dân cư trong ngoài lưu vực kênh, cải thiện hệ thống thoát nước cấp 2, 3, cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm.

Cứu dòng kênh, vạn phận đời sang trang

Xác định dự án là sự tham gia của cộng đồng dân cư cùng các cấp chính quyền, từ phường, xã cho đến quận, huyện và quan trọng hơn hết là sự chỉ đạo của UBND TPHCM và năng lực quản lý của HUUI trong việc thực hiện dự án, trên dưới đồng lòng cùng thực hiện vì sự phát triển bền vững của một đô thị hiện đại.

10 năm thực hiện dự án là 10 năm ròng rã giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, thực hiện quay vòng vốn tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân, nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu dân cư và lưu vực kênh…

Giai đoạn 1 từ năm 2004 đến 2006, dự án đã nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu dân cư có thu nhập thấp khu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm, hàng trăm con hẻm được nâng cấp, hàng chục ngàn hộ dân được nâng cấp nhà ở tạo vốn làm ăn từ quỹ quay vòng vốn. Giai đoạn 2 khởi động ngay sau đó và kéo dài đến nay đã làm sống lại dòng kênh chết bằng cách nạo vét, tách dòng, xây bờ kè…

Ảnh: Đặng Dương

Kết quả là, sau hơn hàng chục năm ô nhiễm trầm trọng, nay từ thượng nguồn đổ xuống hạ nguồn đi qua các quận Tân Bình, Tân Phú, quận 11 và quận 6, dòng kênh đã thực sự hồi sinh. Đoạn thì nước xanh trong, thuyền bè qua lại, bờ kè tươm tất, đường dọc kênh đâu ra đó; đoạn có cầu bắc qua kênh, có giếng tách dòng, cống bao; đoạn thì xây dựng cống hộp và đường trên cống hộp…

Thuộc Dự án nâng cấp đô thị TPHCM với tổng giá trị các hạng mục lên đến 3.000 tỷ đồng xây lắp và hơn 1.700 tỷ đồng tiền bồi thường bố trí tái định cư, công trình cải thiện hệ thống thoát nước cấp 2 - 3 lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm, Cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm đã mang lại lợi ích trực tiếp cho hàng triều người dân trên địa bàn các quận với môi trường sống hiện đại. Ngoài ra, dự án còn tạo quỹ gần 350 tỷ đồng để hỗ trợ người dân vay vốn làm ăn, sửa chữa nhà ở… góp phần tạo chuyển biến tích cực về trật tự xã hội, sức khỏe và cơ hội mưu sinh của người dân.

Trước kết quả tốt đẹp mà dự án mang lại, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết: “Dự án hoàn thành đã tạo được bước chuyển biến lớn, làm thay đổi diện mạo các quận nghèo vùng ven trước đây nay trở thành các địa phương có cảnh quan kiến trúc theo hướng hiện đại, thông thoáng và sạch đẹp, môi trường sống của người dân được tốt hơn, giá trị ngôi nhà được tăng thêm, điều kiện kinh tế hộ gia đình cũng được cải thiện rõ rệt.

Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi gửi lời cảm ơn tới các hộ dân khu vực dự án, vì lợi ích, mục tiêu chung của cộng đồng đã đồng thuận với chủ trương di dời và tái định cư của thành phố. Tôi cảm ơn và thông cảm với các hộ dân gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong quá trình di dời đến nơi ở mới và trong thời gian thi công dự án nhưng vẫn hỗ trợ, phối hợp với các đơn vị thi công để hoàn thành dự án”.

Lâm An 

SAU 10 NĂM TRIỂN KHAI

Công tác xây lắp

Cơ sở hạ tầng cấp 3:

Nâng cấp đồng bộ các hệ thống hạ tầng cơ sở cấp 3 ở 96 khu dân cư thu nhập thấp trên địa bàn 14 quận, 58 phường trong và ngoài lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm với tổng diện tích được nâng cấp là 631,6ha. Có 6.305.589 người được hưởng lợi từ dự án, trong đó có 1.281.055 người được hưởng lợi trực tiếp thông qua các dịch vụ hạ tầng tiện ích.

Cơ sở hạ tầng cấp 1 và 2:

- Cải thiện hệ thống thoát nước cấp 2, 3 lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm: hạng mục chính là lắp đặt 26.153m cống hộp và cống tròn phục vụ thoát nước trên 56 đoạn đường huyết mạch của lưu vực. Có 20.173,37m cống hộp kích thước từ 1,5m x 1m đến 2 (3m x 2m) được xây dựng hoàn thành và 1.091 hầm ga phục vụ thu gom nước thải trong lưu vực.

- Cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm: triển khai trên địa bàn quận 6, 11 và Tân Phú với chiều dài 6,85km, khởi công tháng 12-2011 và kết thúc các hạng mục chính vào quý 4-2014.

Kết quả

11 cây cầu bắc qua kênh nhằm tăng vẻ mỹ quan và giải quyết giao thông cho cộng đồng; 11.815m đường giao thông được thực hiện kết nối các tuyến đường huyết mạch của cửa ngõ phía Tây thành phố; 4 khu cảnh quan tổng diện tích 14.120m2 được bố trí dọc 2 bên kênh nhằm tạo không gian vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng; gần 8.000m cống bao được lắp đặt phục vụ thu gom, kiểm soát tình trạng ngập lụt của lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm; toàn bộ tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm gần 7km được nạo vét 300.000m3 bùn, khơi thông dòng chảy, tạo sự thông thoáng môi trường, không khí trong lành; hệ thống chiếu sáng công cộng và tín hiệu giao thông hiện đại được lắp đặt, vận hành từ trung tâm điều khiển; 40 giếng tách dòng được đầu tư xây dựng, phục vụ tách hệ thống nước thải và nước mưa để thu gom vào hệ thống xử lý nước thải theo quy chuẩn riêng biệt, tránh xả thải ra kênh gây hại môi trường.

Tin cùng chuyên mục