Khai mạc liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2018

Tối 5-9, tại TP Tân An, tỉnh Long An, Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Sở VH-TT tỉnh Long An tổ chức khai mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2018, diễn ra từ ngày 5-9 đến 19-9. 
Một tiết mục ca múa chào mừng Liên hoan Cải lương
Một tiết mục ca múa chào mừng Liên hoan Cải lương

Liên hoan năm nay có sự tham gia của 25 nhà hát, đoàn nghệ thuật công lập chuyên nghiệp và các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa, cùng thi diễn 32 vở cải lương với nhiều phong cách, từ tuồng cổ, lịch sử đến xã hội, đương đại. Ngoài điểm diễn chính tại Đoàn Nghệ thuật cải lương Long An, ban tổ chức còn sắp xếp để các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa của TPHCM thi diễn tại Nhà hát Hòa Bình, Nhà hát Trần Hữu Trang và rạp Công Nhân tại TPHCM.

Ban giám khảo cuộc thi là những nghệ sĩ tên tuổi, uy tín của làng sân khấu cải lương gồm: NSND Bạch Tuyết, NSND Quang Chí, NSƯT Lê Chức, NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Thanh Nam, NSƯT Văn Môn, NSƯT Quế Trân.

Liên hoan năm nay mở rộng phạm vi đối tượng tham dự và đề tài, các vở được dàn dựng từ năm 2014 đến nay và những vở được phục dựng với ê kíp sáng tạo mới, khuyến khích các tác phẩm hưởng ứng việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. 
Ban tổ chức kỳ vọng sẽ tạo được một sân chơi nghệ thuật đúng nghĩa, có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật; khẳng định giá trị và vai trò của nghệ thuật cải lương trong đời sống xã hội, đồng thời tìm kiếm những nét mới cho sân khấu hôm nay. 
Khai mạc liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2018 ảnh 1 Tiết mục biểu diễn của Đoàn nghệ thuật Cải lương Long An 
Trong đêm khai mạc, đơn vị chủ nhà - Đoàn Nghệ thuật cải lương Long An đã mở màn liên hoan bằng vở diễn Cuộc đời của mẹ (tác giả Hoàng Song Việt - Triệu Trung Kiên, đạo diễn NSƯT Hồ Ngọc Trinh - NSƯT Triệu Trung Kiên), tác phẩm phản ánh một giai đoạn đấu tranh gian khổ của quân và dân ta vì độc lập tự do dân tộc. Tác phẩm cuốn hút khán giả nhờ cách dựng có sử dụng kỹ thuật phim ảnh để hỗ trợ sân khấu, cùng nhiều tình tiết, câu chuyện kịch tính. 

Theo Ban tổ chức, các vở tham gia liên hoan biểu diễn tại Long An, gồm: "Cuộc đời của mẹ" (Đoàn Nghệ thuật Long An), "Phù sa đỏ" (Đoàn Văn công Quân khu 9), "Mùa xuân bất tận" (Nhà hát Cao Văn Lầu), "Lối về" (Đoàn cải lương Thanh Nga), "Hồi sinh" (Nhà hát nghệ thuật tổng hợp Đồng Nai), "Cuộc chiến thời bình" (Nhà hát Cao Văn Lầu), "Chiếc áo thiên nga" (Nhà hát Cải lương Việt Nam), "Thành phố buổi bình minh" (Công ty TNHH Truyền thông Văn hóa VHT), "Bến đợi" (Đoàn cải lương Hương Tràm - Cà Mau), "Anh hùng di hận" (Nhà hát nghệ thuật tổng hợp Đồng Nai), "Ảo mộng đế vương" (Thái Bình), "Nỗi niềm sau cuộc chiến" (Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam), "Thất lạc giữa gia đình" (Hải Phòng), "Nước mắt không chảy ngược" (Nhà hát Cải lương Hà Nội), "Người đồng bằng" (Đoàn văn công Đồng Tháp), "Kiếp tằm" (Đoàn nghệ thuật Quảng Ninh), "Trống trận Ba Đình" (Thanh Hóa), "Những tấm lòng vàng" (Hà Nội), "Bến nước Ngũ Bồ" (Nam Định), "Bão dậy trời Long Hưng" (Đoàn nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang), "Thất trảm sớ" (Nhà hát cải lương Hà Nội), "Hiu hiu gió bấc" (Nhà hát Trần Hữu Trang), "Tiếng vọng hang hòn" (Đoàn Kiên Giang), "Ngày đó họ đều còn trẻ" (Nhà hát Trần Hữu Trang), "Cánh buồm ngược gió" (Nhà hát Tây Đô - Cần Thơ), "Ngạ quỹ" (Nhà hát Cải lương Việt Nam), "Tình yêu thời chiến" (Nhà hát Trần Hữu Trang).

Các vở diễn tại TPHCM gồm: "Những con sóng vô hình" (Hội Sân khấu TPHCM), "Thái hậu Dương Vân Nga" (Sân khấu Lê Hoàng), "Tổ quốc nơi cuối con đường" (Nhà hát Thế giới trẻ), "Rạng ngọc Côn Sơn" (nhóm NSƯT Kim Tử Long) và vở "Hồn của đá" (Công ty TNHH Nguyễn Vĩnh Lộc). 

Tin cùng chuyên mục