Khai thác sản phẩm du lịch từ công nghiệp

Bên cạnh chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp, tỉnh Bình Dương đang tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16-01-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Hồ Dầu Tiếng một điểm đến được yêu thích tại Bình Dương
Hồ Dầu Tiếng một điểm đến được yêu thích tại Bình Dương

Theo đó, tỉnh định hướng khai thác lợi thế có nhiều cụm, khu công nghiệp (KCN), nhà máy sản xuất; có cơ sở hạ tầng hiện đại phục vụ các sự kiện, hội nghị - hội thảo để hình thành các tour, tuyến du lịch đặc thù.

Tỉnh Bình Dương hiện có hàng chục khách sạn từ 3-5 sao và trung tâm hội nghị - triển lãm. Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) đủ khả năng đăng cai tổ chức các sự kiện quốc gia, quốc tế. Và cũng giống như khách du lịch quốc tế rất thích các tour du lịch liên kết đường sông từ TPHCM theo sông Sài Gòn đến Bình Dương, nghỉ ngơi ở resort bên sông; khách tham gia các tour du lịch hội nghị cũng thích có trải nghiệm bằng đường sông tại Bình Dương thông qua hệ thống tàu du lịch trên sông Sài Gòn, Đồng Nai để đến tham quan các KCN, du lịch hội nghị MICE.

Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Dương, mỗi năm tỉnh đã đón và phục vụ hàng trăm đoàn khách đến tìm kiếm cơ hội đầu tư, dự hội nghị, hội thảo kết hợp tham quan các KCN. Trong đó phải kể đến Diễn đàn hợp tác kinh tế Horasis, Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) và các sự kiện do bộ, ngành trung ương thường xuyên tổ chức.

Trong định hướng thực hiện Thỏa thuận liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2020-2025, Bình Dương sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch gắn với quá trình xây dựng thành phố thông minh, hình thành các sản phẩm du lịch thể thao cao cấp (golf), du lịch nghỉ dưỡng; hình thành hệ sinh thái công nghệ số phục vụ đối tượng du khách theo xu hướng du lịch số.

Đồng thời, tỉnh cũng sẽ chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch gắn với các sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế; chú trọng khai thác các sự kiện văn hóa thể thao quy mô lớn; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch đồng bộ, hiện đại phục vụ cho dòng sản phẩm du lịch MICE. Ngoài ra, tỉnh sẽ có cơ chế, chính sách thu hút phát triển các chương trình sáng tạo, gắn du lịch với công nghiệp văn hóa như khai thác các công trình, tuyến phố sáng tạo.

Bên cạnh việc khai thác các yếu tố đặc thù từ công nghiệp, tỉnh Bình Dương cũng chú trọng khai thác các tài nguyên văn hóa truyền thống sẵn có như các làng nghề gốm, làng nghề sơn mài: làng gốm - phố gốm Lái Thiêu, gốm sứ Minh Long 1 (TP Thuận An), làng sơn mài Tương Bình Hiệp (TP Thủ Dầu Một) để hình thành các tour, tuyến du lịch đặc thù, tăng sức cạnh tranh không chỉ cho ngành du lịch vùng Đông Nam bộ mà cho cả quốc gia. Việc khai thác các yếu tố văn hóa truyền thống và các KCN - đô thị hiện đại chính là góp phần hướng đến phát triển bền vững ngành công nghiệp không khói ở Bình Dương.

Tin cùng chuyên mục