Đã một năm trôi qua, hàng chục ngàn người dân vùng Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai sống trong cảnh bị “tra tấn” do dòng sông Ba ô nhiễm. Hết chịu đựng mùi hôi thối do nước tù đọng, xác chết động vật… bốc lên từ dòng sông, giờ đây người dân lại lâm vào cảnh sống dở, chết dở vì nguồn nước sinh hoạt cũng ô nhiễm nghiêm trọng.
- Sống cùng nước bẩn
Mặt trời vừa ló dạng, đoạn đường từ huyện Kbang ra thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã rộn tiếng người, tiếng động cơ xe máy. Trên con đường hẹp, từng tốp đàn ông và phụ nữ điều khiển những chiếc xe gắn máy cũ chở lỉnh kỉnh những can nhựa lớn đựng nước. Họ là những người dân sống ở thị xã An Khê, do nguồn nước sông Ba bị ô nhiễm nên phải vào huyện Kbang - thượng nguồn sông Ba lấy nước về dùng. Bất kể thời tiết nắng hay mưa, cứ vài ngày một lần, họ lại lặn lội gần 30km, vượt qua nhiều chặng đường gập ghềnh cát sỏi, đầy rẫy những ổ gà “cõng” về vài chục lít nước sạch để sử dụng trong gia đình.
Gương mặt đỏ bừng, lấm tấm mồ hôi do vừa trải qua một chặng đường dài, chị Trần Thị Hoài Thu - một người dân sống tại phường Tây Sơn (thị xã An Khê) đang khệ nệ xách từng can nước loại 20 lít từ trên chiếc xe máy “cà tàng” đổ vào chiếc phuy lớn dựng trong góc bếp. Chị nói với chúng tôi: “Gần một năm nay, tuần nào tôi cũng phải đi xe máy vài chục cây số vào huyện Kbang lấy nước sạch. Vừa mất thời gian, mất công tốn sức, lại tốn kém. Cuộc sống đã nghèo khổ rồi, giờ gặp tình cảnh này lại càng khổ hơn”.
Theo chị Thu, từ nhiều năm nay, gia đình chị cũng như hàng ngàn hộ gia đình sống trên địa bàn thị xã An Khê sử dụng nước từ Nhà máy nước An Khê. Nhưng đã một năm nay, sông Ba bị ô nhiễm nặng nên chất lượng nước máy cũng bị ảnh hưởng theo. Mỗi lần mở vòi, nhìn dòng nước đục ngầu, không ai dám nấu ăn, chỉ dùng tắm giặt. Đối với những gia đình có điều kiện kinh tế thì mua nước đóng bình về dùng. Anh Đặng Đức Lai, phường An Bình (thị xã An Khê) lắc đầu ngao ngán: “Lo sợ nguồn nước máy không đảm bảo, gia đình tôi đã đầu tư hơn 30 triệu đồng đào giếng lấy nước. Khổ nỗi nước giếng lại nhiễm phèn, vì thế vẫn phải mua nước đóng bình với giá 15.000 đồng/bình. Tốn kém quá cũng đành phải chịu”.
Không chỉ người dân ở thị xã An Khê, hàng chục ngàn hộ dân ở hạ du sông Ba như thị xã Ayun Pa và các huyện Kông Chro, Ia Pa, Krông Pa (tỉnh Gia Lai) cũng lâm vào cảnh “khát” nước sạch. Sinh sống ở những nơi này phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số, với tập quán sinh hoạt dựa vào tự nhiên. Từ bao đời nay, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu lấy từ sông Ba. Với tình trạng ô nhiễm nguồn nước như hiện nay, khả năng sức khỏe người dân bị ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, để tìm nguồn nước sạch đối với đồng bào nghèo ở vùng Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai là điều không tưởng. Rất hiếm hoi mới có vài hộ được xem khá giả, “dám” hùn tiền nhau đào giếng lấy nước sạch. Còn lại phần đông vẫn cứ phải dùng nước đục.
Anh Đinh Văn Reh (dân tộc Ba Na) sống tại xã Kông Yang (huyện Kông Chro) tâm sự: “Bà con mình vẫn uống nước sông thôi, tiền đâu mua nước, khoan giếng bây giờ”. Vừa nói, anh chỉ tay vào lu nước ở góc vườn. Nhìn vào lu nước, chúng tôi không khỏi giật mình khi thấy một lớp cặn đỏ đóng dày dưới đáy. Anh cho biết, lu nước này vừa được vợ anh gánh về từ tối hôm trước dùng để ăn uống và sinh hoạt cho 7 thành viên trong gia đình. Mặc dù biết nước sông ô nhiễm nhưng vẫn phải dùng vì không còn sự lựa chọn nào khác.
- Mơ về... nước sạch
Đứng trên cầu sông Ba, phóng tầm mắt ra xa, đập vào mắt chúng tôi là dòng nước đục ngầu, đặc quánh một màu đỏ. Cách bờ sông chừng vài mét, nơi trước đây những đứa trẻ thường tụ tập tắm rửa, bơi lội, giờ đọng lại những vũng nước tù, lập lờ rêu xanh, mùi hôi khó chịu xộc thẳng vào mũi. Thế mà trong quá khứ, dòng sông Ba từng là nguồn cảm hứng trong thi ca, nguồn sống của hàng trăm ngàn người dân hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên. Có cám cảnh như bây giờ bởi sự xuất hiện của các nhà máy, công ty hoạt động tại vùng Đông Gia Lai như Nhà máy đường An Khê, Nhà máy ván sợi ép MDF Gia Lai, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Ve Yu, Nhà máy tuyển quặng Kbang… xả thẳng nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý cho có rồi đổ ra dòng sông Ba, gây ô nhiễm nguồn nước. Mặc dù nhiều đơn vị đã bị xử phạt, nhưng tình hình không khả quan hơn.
Đáng chú ý, trong năm 2010, Ban quản lý Dự án thủy điện 7 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam), chủ đầu tư công trình thủy điện An Khê - Ka Nak, đã ngăn sông, đắp đập thủy điện và chuyển nước sông Ba cho đổ về tỉnh Bình Định. Từ đây nước sông Ba không còn chảy về hạ du như trước và rác thải từ các nhà máy, xí nghiệp đổ xuống ngập lòng sông. Dòng sông Ba hiền hòa, thơ mộng ngày nào nay đã trở thành sông “chết”, kéo theo cuộc sống của những con người ở đây cũng dần “chết” theo.
Làm việc với chúng tôi, ông Lê Đình Đương, Trưởng ban quản lý Nhà máy nước An Khê cho biết: “Nhà máy nước An Khê sử dụng nước sông Ba cung cấp nước sinh hoạt cho gần 2.700 hộ dân trên địa bàn. Tuy nhiên, thời gian gần đây nguồn nước này bị ô nhiễm trầm trọng. Mặc dù nhà máy đã tăng chi phí lên gấp đôi để mua vật tư lọc nước nhưng vẫn không thể lọc hết được bùn và tạp chất, nhiều hộ dân đã chấm dứt hợp đồng sử dụng nước máy”. Cũng theo ông Đương, một trong những nguyên nhân làm nước sông Ba đỏ như hiện nay là do Nhà máy tuyển quặng Kbang thuộc Công ty TNHH MTV chế biến khoáng sản Kbang (gọi tắt là Công ty Khoáng sản Kbang) thường xuyên xả bùn xuống sông.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2010, UBND tỉnh Gia Lai đã xử phạt và buộc Công ty Khoáng sản Kbang tạm dừng hoạt động nhưng sau đó, nhà máy tuyển quặng vẫn tiếp tục hoạt động và lại xả thải ra nguồn nước. Gần đây nhất, ngày 23-8-2011, Sở TN-MT tỉnh Gia Lai phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện Công ty Khoáng sản Kbang cho lắp đặt 3 cống ngầm bê tông xi măng đúc sẵn (đường kính 50cm) từ hồ chứa bùn số 10 và số 13 tại nhà máy để xả trực tiếp ra sông Ba vào ban đêm.
Ông Nguyễn Hùng Vỹ, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê cho biết: “Nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân về nguồn nước sạch, chúng tôi đang trình UBND tỉnh phương án đầu tư nâng cấp công suất lọc nước của Nhà máy nước An Khê. Theo đó, sẽ lấy nước trực tiếp từ lòng hồ thủy điện An Khê - Ka Nak (đoạn đập tràn phường An Phước, thị xã An Khê) để cung cấp cho người dân. Một phương án khác chúng tôi cũng đang cân nhắc là khả năng chuyển giao Nhà máy nước An Khê cho Công ty TNHH MTV cấp thoát nước Gia Lai, nơi có nguồn tài chính nhiều hơn để giúp dân có nguồn nước sạch hơn. Nhưng quan trọng hơn hết, lãnh đạo tỉnh Gia Lai phải có biện pháp chế tài đủ mạnh để các nhà máy không gây ô nhiễm dòng sông Ba”.
Sở TN-MT tỉnh Gia Lai vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Gia Lai phạt 137,5 triệu đồng đối với Công ty Khoáng sản Kbang (thuộc Công ty cổ phần Khoáng sản Gia Lai). Theo đó, công ty này đã xây dựng, vận hành không đúng quy trình đối với công trình xử lý môi trường đã cam kết. Ngoài ra, nhà máy tuyển quặng của công ty còn xả nước thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, làm ô nhiễm trầm trọng dòng sông Ba chảy qua các tỉnh Gia Lai, Phú Yên. Cùng với việc xử phạt hành chính, sở còn đề nghị UBND tỉnh Gia Lai buộc công ty khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra, đồng thời buộc tạm dừng hoạt động của Nhà máy tuyển quặng Kbang".
|
ĐỨC TRUNG - GIA ĐỊNH