Từ tình yêu với đất
Bà Bảy Nga tên thật là Bùi Thị Kim Nga, quê ở Vĩnh Long, khoảng năm 1985-1986, khi lên Tây Ninh chơi thăm người quen, bà bị mê hoặc bởi đất đai bạt ngàn nên sau đó đã cùng gia đình quyết định lập nghiệp ở mảnh đất vùng biên này. Với diện tích 30ha đất nhận khoán, bà trồng đủ thứ cây màu như mè, đậu phộng, mì, sau chuyển sang trồng cả cà phê. Bà thường mặc bộ bà ba trắng, cả ngày miệt mài trên đồng từ sáng sớm đến cả khi chiều tối nên “đã có lúc bị người ta đồn bà là con ma”.
Và như nhiều doanh nhân khác trong nước, bà cũng trải qua quá trình lập nghiệp đầy gian khó trong thời gian làm lò gạch ở huyện biên giới Châu Thành. Nhưng rồi, như có sự sắp đặt của số phận, khi lĩnh vực mang lại thành công cho bà Bảy chính là trà thảo dược Hoàn Ngọc. Năm 2001, bà cùng chồng đứng ra lập Doanh nghiệp tư nhân Hoàn Ngọc 7 Nga Tây Ninh, chuyên sản xuất trà thảo dược, do bà làm giám đốc.
Bà chậm rãi kể: “Thời gian đó, ông già bị ung thư, tôi sử dụng cây Hoàn Ngọc để cho ổng uống, thấy có tác dụng nhất định nên bắt tay làm trà thảo dược, mở điểm uống trà miễn phí cho người dân và du khách đến tham quan Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh. Vì người ta chưa biết được tác dụng kháng chuẩn, đa năng về dược liệu, trong đó rễ cây Hoàn Ngọc có hoạt chất điều trị bệnh ung thư, nên có thời gian bà bị đồn thổi là trong trà Hoàn Ngọc có ma túy, làm điêu đứng một thời gian. Nhưng điều đó càng thôi thúc bà đi sâu nghiên cứu - ứng dụng và mới biết, cây Hoàn Ngọc vốn xuất xứ ở một số tỉnh phía Bắc, trong đó có Vườn quốc gia Cúc Phương và được các chuyên gia chỉ ra có thể chữa được đến 25 loại bệnh. Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quốc tế về nông nghiệp Fuchu (Nhật Bản) phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ năm 2001: Cây Hoàn Ngọc có tác dụng hỗ trợ điều trị các chứng bệnh về gan (gan nhiễm mỡ, u xơ), huyết áp, tiểu đường, nhiễm khuẩn và rối loạn chức năng…
Đến thương hiệu trà thảo dược quốc tế
Không nản lòng, từ vốn kiến thức, thực tế về cây Hoàn Ngọc, bà Bảy Nga đã thuyết phục được Bộ Khoa học - Công nghệ ủng hộ và được Bộ Công thương tài trợ kinh phí (từ 800 triệu đồng, sau lên hơn 2 tỷ đồng) trong 8 năm, để chứng minh sản phẩm trà làm từ cây Hoàn Ngọc có chất kháng HIV và ung thư. Công sức của bà cùng nhóm cộng sự đã không uổng công khi vào ngày 18-8-2014, sản phẩm trà thảo dược Hoàn Ngọc đã được Tổ chức Khoa học và Công nghệ thực phẩm thế giới trao giải thưởng đạt tiêu chuẩn Công nghiệp thực phẩm toàn cầu (The Global Food Industry Award) trong một buổi lễ được tổ chức ở Montreal, Quebec (Canada).
Thông qua quá trình tự nghiên cứu nhiều năm, bà Bảy Nga biết thêm được dược tính đặc biệt có trong rễ, lá cây Hoàn Ngọc. Năm 2007, rễ cây Hoàn Ngọc thu hái tại Tây Ninh cũng được các nhà khoa học nghiên cứu về thành phần hóa học, hoạt tính sinh học; đã tìm ra và phân lập được từ rễ cây Hoàn Ngọc các hợp chất tritecpen, trong đó, lupeol chiếm khoảng 60,6% và betulin chiếm khoảng 39,0%; hàm lượng các chất khác chỉ chiếm 1%. Đây cũng là những hoạt chất có tính ứng dụng cao trong phòng và trị nhiều bệnh, như chất betulin có tác động ức chế hoạt động virus HIV, có tác dụng tốt trên gan, bảo vệ tế bào gan khỏi bị tổn thương bởi những tác nhân hóa học. Và các chuyên gia cũng khuyến khích dùng thuốc hoặc các sản phẩm chứa betulin cho những bệnh nhân đang hóa trị, xạ trị.
Bà Bảy Nga còn rút ra được kinh nghiệm cho việc khai thác cây thuốc, đó là cây Hoàn Ngọc trồng năm thứ 7 ở Tây Ninh thì cho hoạt dược có trong rễ và lá tốt nhất để tối ưu hóa khai thác. Từ đó, bà đã sản xuất một bộ trà thảo dược gồm túi lọc, hòa tan, viên nang cung ứng ra thị trường.
Gia đình bà Bảy Nga hiện có một nhà máy sản xuất trà thảo dược đặt tại xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu và là nhà máy duy nhất ở tỉnh Tây Ninh được Bộ Y tế công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế GMP (đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt và thực phẩm bảo vệ sức khỏe) vào tháng 9-2019. Trước đó, nhà máy cũng đạt tiêu chuẩn ISO của Đức từ năm 2000. Trang trại dược liệu và nhà máy khép kín đã giúp giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 100 lao động, trong đó, có 40 lao động thường xuyên được bao ăn ở, chi phí điện nước, với mức thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/tháng.
Gần đây, bà Bảy Nga lặn lội tìm thêm các cây thuốc quý Việt Nam như cây mật nhân, sâm đại quang và cũng tận dụng luôn cây thuốc quý của Thái Lan là cây nghệ đắng. Ngoài việc nhân giống trồng được hơn 3ha nghệ đắng thì thành công mới nhất trong năm 2020 là đã kết hợp với “đông trùng hạ thảo” được nuôi cấy vô trùng để tạo ra sản phẩm chống lão hóa, làm săn chắc da và cải thiện khả năng sinh lý - cải thiện cơ vòng cho nữ giới, được bà đặt tên là Mỹ vệ nữ. Ngoài ra, bà còn đầu tư một dây chuyền sản xuất các loại rượu thảo dược an toàn cho sức khỏe bằng công nghệ rượu lạnh của Nhật để tách Etanol, Aldehyt.
Để tạo nguồn dược liệu ổn định, trên diện tích 40ha, ngoài cây Hoàn Ngọc là chủ lực, bà trồng xen luân canh thêm cây nghệ đắng và sắp tới sẽ trồng xen thêm ba kích, cựa gà. Toàn bộ quá trình sản xuất cây thuốc được thực hiện theo quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ - không dùng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học.
Bà Bảy Nga chia sẻ: “Đầu tiên là phải chọn giống phù hợp với đất, rồi phải ưu tiên sử dụng vi sinh hữu cơ trong quá trình canh tác để cải tạo đất; dùng chất vi sinh hữu cơ để diệt sâu rầy - công ty chúng tôi đã dùng ớt phơi khô, xay thành bột, đem ngâm với cồn được chiết tách ra từ quá trình nấu rượu, khoảng từ 15 - 30 ngày rồi xịt lên cây, lên đất là diệt trừ được rệp sáp và các loại sâu bệnh một cách bền vững”. Bằng cách làm đó, nông dân không cần phải phun, xịt thường xuyên vừa tiết kiệm được chi phí thuốc, phân bón hóa học, vừa tăng độ an toàn cho sản phẩm dược liệu. Qua đó, giúp đất trở nên màu mỡ khi không dùng phân bón hóa học.
Nâng giá trị dược liệu Việt
Từ thành công của trà thảo dược, bà Bảy Nga đang có kế hoạch sản xuất “đông trùng hạ thảo” đi dự thi quốc tế một lần nữa, với tiêu chí sản phẩm phải có hàm lượng cao được thế giới công nhận.
Nhưng ước muốn lớn nhất của bà lúc này, là muốn làm ra sản phẩm thảo dược từ chính các cây thuốc có trong sách của danh y Tuệ Tĩnh để cung cấp cho người dùng các sản phẩm như Hoàn Ngọc mắt, Hoàn Ngọc tim, Hoàn Ngọc phổi… Bà Bảy Nga dự định hết dịch Covid-19, sẽ cùng với chuyên gia giỏi về thuốc nam rong ruổi ở miệt Tây Bắc để sưu tầm, chọn giống, ươm trồng, sản xuất thuốc điều trị ung thư gan với giá cả phù hợp túi tiền của người Việt.
Bà quả quyết: “Tôi có nhà máy, có phương thức điều chế rồi nên muốn đi thật sâu, phát triển các loại trà thảo dược, cũng như các loại dược phẩm tốt, sạch đạt tiêu chuẩn quốc tế nhưng giá cả phải rẻ, để phục vụ cho người Việt chúng ta. Nước ta có những cây dược liệu quý không thua gì thế giới, nên phải làm thế nào để phát huy được vốn quý ấy, bớt phụ thuộc vào nguồn dược liệu từ nước ngoài…”.
Ngoài trăn trở là sản xuất thêm nhiều loại thảo dược Made in Việt Nam đạt chuẩn quốc tế nhưng giá thành vừa túi tiền người dân trong nước, bà Bảy Nga còn tâm niệm phải làm việc thiện. Theo bà, tiền nhiều cũng không mang theo được khi chết, nên có điều kiện cần giúp người nghèo để cuộc sống này có thêm ý nghĩa. Tính đến nay, bà đã giúp xây hàng trăm căn nhà tình thương cho người nghèo trong tỉnh. Với bà, sống là để cho và nhận… |