Khen “cho chúng nó chết”

Vừa qua, nhà văn, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có buổi giao lưu với bạn đọc TPHCM. Xung quanh những câu chuyện về cuộc đời, về sáng tác, có một chi tiết được nhà văn kể lại, đó là danh hiệu “thần đồng thơ”.

Ông nói, mãi sau này khi ông đã lớn, người ta mới sử dụng cụm từ đó. Còn khi cậu bé Khoa ở cái tuổi lên 8 lên 10, người ta chỉ gọi là “cậu bé làm thơ”, “em bé làm thơ”. Cũng theo nhà thơ, ngày đó các bậc cha chú, những nhà thơ đi trước, các phụ trách trang thơ, mục thơ, đều rất chủ động bảo vệ các tác giả nhí. Họ không bao giờ khen các cô cậu bé làm thơ ngay trước mặt, mà chỉ bảo cần cố gắng, không tự kiêu. Sau này, ông mới cảm nhận được tình cảm của tiền bối đối với mình...

Nhắc lại chuyện xưa để liên hệ chuyện nay. Ngày nay việc quan tâm bảo vệ những tác giả trẻ hầu như ít còn được quan tâm. Thậm chí còn biến tướng theo hướng ngược lại. Một người viết trẻ nếu có tác phẩm được đánh giá cao, lập tức sẽ có vô số lời khen, hàng loạt những bài báo tâng bốc, nơi nơi tôn vinh thành hiện tượng. Thậm chí, có trường hợp khi khen ngợi tác giả của một cuốn sách về nghiên cứu, người ta tán dương rằng, đây là công trình mà trước đó chưa có nhà nghiên cứu nào làm được. Dù rằng ngay trong sách, tác giả ghi nhận là dựa trên các công trình nghiên cứu của các học giả đi trước.

Cố nhà văn Nguyễn Khải khi còn sống từng nhận xét, kiểu khen như thế là “khen cho chúng nó chết”. Bởi người được khen, nhất là người trẻ, rất dễ bị sa vào ánh hào quang của danh vọng. Nhẹ thì thui chột tài năng, nặng thì ảo tưởng. Cả hai đều đã và đang xảy ra trong đời sống sáng tác trong nước. 

Nhiều cây bút trẻ sau một vài tác phẩm thành công, được tung hô, được tán dương, đã lạc lối. Thay vì nâng cao năng lực sáng tác, họ cứ bám lấy danh vọng những tác phẩm trước đó. Kết quả là sự xuất hiện của những tác phẩm giống nhau, nhàm chán và dĩ nhiên dần dần bị bạn đọc đào thải. Có người vượt qua được, tự cải thiện, tìm hướng đi mới, nhưng phần lớn rơi vào chán nản, suy sụp và rời xa con đường sáng tác. 

Có trường hợp lại lao ngay vào những lĩnh vực, vấn đề quá sức, để rồi khi bị phê phán thì dùng danh tiếng cũ để chống chế, biện hộ. Như trường hợp nhà nghiên cứu trẻ kể trên, sau thành công đầu đã lao vào thực hiện một công trình đồ sộ mà trước đó rất nhiều học giả trong nước vẫn chưa thể hoàn thiện. Điều đáng nói là để thể hiện, anh đã không dựa vào bất cứ ai đi trước mà tự mình làm. Kết quả, tác phẩm ra đời bị đánh giá là sai nghiêm trọng, vi phạm nhiều nguyên tắc cơ bản của nghiên cứu. Trước những lời chê bai, tác giả đã cuốn mình vào một cuộc tranh cãi bất tận và vô nghĩa, bất chấp thực tế những người đầu tư làm sách cho anh đã chán nản, bỏ cuộc.

Tin cùng chuyên mục