Khi nhà không còn là gia đình

Hạnh phúc gia đình chỉ bền vững khi các thành viên cùng yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ, đồng cảm, tha thứ cho nhau. Những gút mắc, sai lầm, bất công, ẩn ức… sẽ được giải tỏa khi hòa khí luôn được gìn giữ, còn ngược lại, sẽ là một vách ngăn khiến các mối thâm tình nhanh chóng rời rã.

Bức tường giữa nhà

Sáng cuối tuần, chị Vân chở con gái nhỏ đi ăn sáng. Chị chạy vòng vèo một lúc rồi tấp vào quán hủ tiếu trên con đường đến chỗ làm quen thuộc. Đây là quán quen, nhưng dạo gần đây chị ít đến vì bận nhiều việc, vậy nên sáng nào chị cũng vội vàng lúc ổ bánh mì, khi gói xôi cho xong bữa. Quán ăn nằm trong hẻm, khá nhỏ, chỉ có 3 cái bàn cùng vài cái ghế nhựa. Trong khi đợi món ăn ra bàn, con gái khều tay chị hỏi: “Mẹ ơi, sao căn nhà kia có bức tường ngăn giữa vậy mẹ, làm con nhìn thấy cái nhà nhỏ xíu”.

cn4a-6786.jpg
Một gia đình nhỏ ghi lại khoảnh khắc hạnh phúc trong đêm Giáng sinh. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Chị Vân nhìn theo hướng mắt của con, đó là ngôi nhà nhỏ có cây đu đủ kiểng sai trái và cái ghế đá cũ. Chị nhớ, lúc trước căn nhà chỉ có một cửa sắt màu vàng nhạt. Ngay ghế đá thường có cô chú lớn tuổi hay ngồi uống trà, nói chuyện, nhìn ra phía đường ngắm người xe qua lại. Nay căn nhà có thêm một bức tường gạch thô ngăn giữa.

Hai cửa sắt nhỏ cũng mới được làm. Dù nhà vẫn là một căn, một địa chỉ. Chị chủ quán đứng tuổi bưng 2 tô hủ tiếu ra bàn, nghe câu hỏi của con trẻ, chị nhanh miệng kể: “Cách nay hơn một tuần, vợ chồng chú Trung - cô Minh nhà bên đó gây nhau một trận tưng bừng khói lửa, rồi thấy thầy thợ đem một đống gạch, cát, đá… đến xây bức tường giữa nhà. Hai vợ chồng già rồi mà cắn đắng hoài, giờ nhịn nhau không được, không muốn nhìn mặt nhau nên xây cái tường chia ranh giới đó. Tuổi già vẫn còn khổ, cũng vì chuyện chia của cho mấy đứa con thôi”. Ở ngưỡng tuổi 60, bà Minh muốn chia phần tài sản cho con trai nhiều hơn 2 con gái.

Trong khi ông Trung lại muốn giữ tài sản y nguyên vậy, để còn lo cho tuổi già. Ông sợ, khi chia hết, lúc ông bà ốm đau, không đứa nào dòm ngó tới thì khổ thân. Có vậy thôi mà ông bà tranh cãi miết. Con trai của ông Trung cũng tệ, ba hôm bốn bữa lại rủ rỉ kêu bà Minh chia của sớm để còn gom vốn làm ăn. Bà thì cưng chiều con...

Thương nhau chín bỏ làm mười

Chuyện nhà chú Trung làm chị Vân nhớ đến cha mẹ! Nhà chị Vân cũng từng rơi vào tình cảnh tương tự. Một thời, mẹ chị kiên quyết đòi ngăn nhà làm đôi sau nhiều ngày tranh cãi và chiến tranh lạnh với cha. Chung quy cũng vì mẹ bênh con trai. Con trai hư, năm lần bảy lượt bỏ nhà đi bụi, kết thân bạn xấu rủ nhau đi cướp giật, bị bắt đến mấy lần.

Ở tuổi 40, anh vẫn không làm nổi một công việc nào cho tử tế. Mẹ thương anh tuổi thơ không được chăm sóc tốt, vì khi ấy nhà còn nghèo, không đủ kinh tế để lo cho anh ăn học đàng hoàng, đến nơi đến chốn. Cha tuy thương con, nhưng tánh ông khẳng khái, đâu ra đó. Con cái, đứa nào ngoan thì thương nhiều hơn. Đứa hư, ông du di vài lần nhưng cứ mãi hư thì không thể dung túng. Quyết định của mẹ, khi nói thẳng với cha, ông im lặng, không đồng ý cũng không phản đối. Chị Vân ở phía sau bếp, nghe mà đau lòng, rưng rưng. Sau đó, chị đã vận dụng tối đa vai trò đứa con ngoan trong gia đình, lúc thủ thỉ khuyên mẹ, khi thì tâm sự và chia sẻ với cha, bày tỏ khát vọng nhà là một khối rubik gắn kết, khi có vách ngăn giữa, liệu các mảnh tách rời của rubik có còn tạo nên một khối nguyên vẹn? Vách ngăn là bức tường hiện hữu khi xây dựng xong, nó sẽ chia ngôi nhà thành 2 phần, đó cũng sẽ là vách ngăn to lớn sẽ hình thành trong tim cha mẹ. Như vậy, gia đình có còn là gia đình, nhà có còn là nhà?...

Trong thực tế, “vách ngăn” tình cảm hay bức tường gạch dựng giữa ngôi nhà, sẽ dễ thấy trong cuộc sống, trong tâm thức mỗi người, khi người trong gia đình thiếu sự sẻ chia, cảm thông, khi sự yêu thương dành cho nhau chưa đủ trọn vẹn. Ông bà xưa có câu: “Thương nhau chín bỏ làm mười”, đã thương nhau thì luôn sẵn sàng bỏ qua, châm chước cho những lỗi lầm của người còn lại; thay vì hờn giận, trách móc, thì có thể tìm hiểu cặn kẽ, vun vén, tha thứ cho nhau, để cuộc sống tồn tại nhiều hơn những yêu thương, đồng cảm. Trong gia đình, bên cạnh sự gắn kết, sẻ chia, yêu thương của cha mẹ, con cái cũng là động lực, nhân tố dễ tác động đến tâm tư, tình cảm, cách suy nghĩ và ứng xử của cha mẹ trong cuộc sống.

Vậy nên, trong gia đình, cần lắm sự yêu thương của con cái dành cho cha mẹ, sự thấu hiểu, sẻ chia và cảm thông của các thành viên trong gia đình dành cho cha mẹ khi già yếu. Chính sự quan tâm không chỉ bằng kinh tế mà còn về tinh thần sẽ giúp cha mẹ và các mối quan hệ tình thân trong gia đình thêm khắng khít, bền chặt, mang lại cho mỗi người, mỗi nhà những niềm vui, tiếng cười hạnh phúc của cha mẹ, con cháu.

Tin cùng chuyên mục