Ngày 1-11, Báo SGGP phối hợp với Thanh tra TPHCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến về thực hiện Luật Khiếu nại trên địa bàn TPHCM. Hàng loạt vấn đề bạn đọc quan tâm liên quan đến trình tự, hình thức khiếu nại, thời hiệu giải quyết một vụ việc khiếu nại; quyền, nghĩa vụ của người bị khiếu nại, của người giải quyết khiếu nại lần đầu, lần thứ hai, thẩm quyền của cơ quan giải quyết khiếu nại; việc tổ chức đối thoại, giải quyết khiếu nại lần đầu, lần hai, việc khởi kiện vụ án hành chính… đã được Phó Chánh Thanh tra TPHCM Lê Văn Hùng và luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, cùng các trưởng phòng thanh tra trên các lĩnh vực của Thanh tra TP trực tiếp trả lời.
Khi uất ức, có gặp được lãnh đạo Thanh tra TP?
Trước khi diễn ra buổi giao lưu, đã có hàng loạt câu hỏi từ bạn đọc chuyển về hộp thư Báo SGGP Online. Bạn đọc Huệ Hải (quận 10, TPHCM) hỏi, muốn nộp đơn khiếu nại, tố cáo cho Thanh tra TPHCM thì nộp tại đâu? Khi uất ức cần giãi bày, có được gặp trực tiếp lãnh đạo Thanh tra TP không? Trả lời vấn đề này, ông Lê Văn Hùng, Phó Chánh Thanh tra TP cho biết, cơ quan Thanh tra TP đặt tại số 2 Phạm Ngũ Lão, phường Phạm Ngũ Lão (quận 1), người dân có thể đến đây và liên hệ với Phòng Tiếp công dân và xử lý đơn để nộp đơn khiếu nại, tố cáo. Trường hợp có vấn đề oan ức, người dân thực hiện các thủ tục đăng ký gặp lãnh đạo để được xem xét theo quy định.
Ông Nguyễn Gia Cường (ngụ 51/45-47 Cao Thắng, phường 3, quận 3) phản ánh trường hợp cụ thể: “Tôi làm đơn tố cáo thanh tra viên Lê Văn Khấu. Thanh tra TP gửi ông Lâm Đình Chiến, Chánh Thanh tra TP ngày 25-5-2013. Ngày 4-6-2013 ông Chiến có mời tôi lên để làm rõ thông tin và yêu cầu làm tường trình vụ việc cũng như cung cấp bằng chứng tham nhũng của ông Lê Văn Khấu. Ngày 14-6-2013, tôi gửi đơn và bằng chứng cho trực tiếp ông Chánh Thanh tra TP nhưng đến nay đã 4 tháng ông Chiến vẫn chưa giải quyết cho tôi theo Luật Khiếu nại tố cáo”.
Trả lời nội dung này, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, theo quy định tại Điều 21 Luật Tố cáo thì thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo. Trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia hạn giải quyết một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày. Do đó, bạn đọc này có thể liên hệ với Phòng Tiếp dân và xử lý đơn của Thanh tra TP để được biết tiến độ giải quyết cụ thể. Tiếp theo, bạn đọc Phan Văn Hồng (ngụ quận 4) hỏi: “Tôi đã nộp đơn khiếu nại tại Thanh tra TPHCM về việc Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 7 thu hồi “quá lố” hàng trăm mét đất. Vậy cơ quan nào trả lời tôi về vấn đề này?”. LS Nguyễn Văn Hậu trả lời, trường hợp Chủ tịch UBND quận 7 ra quyết định chi trả tiền bồi thường mà ông không đồng ý với quyết định đó thì có thể gửi đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND quận 7 để được xem xét, giải quyết theo quy định của Luật Khiếu nại.
Người dân có quyền khởi kiện
Bạn đọc Cao Văn A (ngụ quận Tân Phú) nêu vấn đề: “Tôi bị xử phạt bằng quyết định hành chính do UBND phường ký, nếu không đồng ý với quyết định này thì khiếu nại ở UBND phường hay trực tiếp lên UBND quận?”. Theo Phó Chánh Thanh tra TP Lê Văn Hùng, trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết, có quyền khiếu nại lần hai đến thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. Như vậy, trường hợp bạn đọc trên phải làm đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND phường đã ban hành quyết định xử phạt hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Bạn đọc Nguyễn Thị Phương (ngụ quận 12) hỏi: Bà có miếng đất được UBND quận 12 cấp sổ đỏ năm 1999 và bị UBND quận 12 thu hồi 1.271m2 vào năm 2012. Cơ quan này cho rằng phần bị thu hồi là đường giao thông (theo bản đồ lập năm 2005). Bà có khiếu nại vì đất bà được cấp “sổ đỏ” năm 1999, sơ đồ do nhà nước vẽ 2005, đến 2012 lại thu hồi đất của tôi nhưng UBND quận 12 bác đơn bằng quyết định 27/QĐ-UBND. Do vậy, bà đề nghị cơ quan thanh tra xem xét. Trả lời trường hợp này, ông Lê Văn Hùng, Phó Chánh Thanh tra TP, cho rằng, khi đã được Chủ tịch UBND quận 12 giải quyết khiếu nại lần đầu (nội dung giải quyết là bác đơn, không công nhận nội dung khiếu nại), nếu không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu của Chủ tịch UBND quận 12 thì bạn đọc này có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính hoặc khiếu nại lần hai đến Chủ tịch UBND TP thông qua Văn phòng Tiếp công dân TP tại số 15 Nguyễn Gia Thiều, phường 6, quận 3.
Bạn đọc Trần Văn Em (huyện Bình Chánh) hỏi: “UBND huyện Bình Chánh ban hành quyết định bồi thường giải tỏa. Tuy nhiên, tôi không đồng ý và khởi kiện quyết định tại tòa án, nhưng để “chắc ăn”, tôi làm đơn khiếu nại thêm tại UBND huyện nhưng UBND huyện cho rằng đơn khiếu nại của tôi không đủ điều kiện để thụ lý và những trường hợp này sẽ bị quy vào không được thụ lý, xin được tư vấn”. LS Nguyễn Văn Hậu trả lời cụ thể: Trường hợp việc khiếu nại đã được tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của tòa án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của tòa án thì khiếu nại này sẽ không được UBND huyện Bình Chánh thụ lý giải quyết.
Bạn đọc Nguyễn Trung (quận 6), hỏi: “Tôi bị trù dập và kết tội oan ức để phải ra khỏi nơi làm việc. Tôi có quyền trình bày và gửi đến Thanh tra TPHCM được không vì vụ việc của tôi rất nổi cộm năm 2011. Nếu tôi được minh oan, tôi có thể được phục hồi quyền lợi bằng kết quả thanh tra không?”. LS Nguyễn Văn Hậu cho biết: Trường hợp của bạn, do bạn trình bày không rõ vụ việc của bạn là vấn đề cụ thể gì. Song về mặt nguyên tắc, nếu như bạn thấy quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì bạn có thể gửi đơn khiếu nại đến Thanh tra thành phố. Đây là một việc làm thường xuyên của cơ quan thanh tra, nếu xét thấy sai phạm thì cơ quan thanh tra cương quyết xử lý theo quy định pháp luật.
- Nhiều thắc mắc xoay quanh khiếu nại về nhà đất
| |
VÂN ANH - HOÀI NAM