
1. Ba mươi lăm năm sau ngày bác sĩ Đặng Thùy Trâm hy sinh, có một Đặng Thùy Trâm được những người lính Mỹ lương thiện che chở, trân trọng, tìm mọi cách để chị có thể được về lại với mái ấm gia đình, với đồng bào mình.
Đó là một Đặng Thùy Trâm ẩn mình trong những trang nhật ký mỏng mảnh nhưng thật nồng nàn, mãnh liệt vượt qua mọi thứ rào cản như một cây cầu bắc qua dòng sông chất chứa bao sự vô tình, bao cay đắng, bao nỗi buồn, bao lòng tin lầm lạc... từng chia cắt những con người ở hai chiến tuyến trong cuộc đối đầu tàn khốc một mất một còn.

Đặng Thùy Trâm (trái) cùng bạn gái trong Hội diễn sinh viên Đại học Y khoa Hà Nội năm 1963.
Thông dịch viên Nguyễn Trung Hiếu nhận ra cuốn nhật ký lính Mỹ thu được khi tập kích vào một trạm phẫu có sức cuốn hút lạ thường. Cuốn nhật ký mở ra một thế giới tinh thần rộng lớn, đẹp đẽ lạ lùng mà trước đó hãy còn xa lạ khi hình dung về những con người được gọi là Việt Cộng. Nó đã gây ra những chấn động ở người thông dịch viên.
Khi trao cuốn nhật ký cho Fred, sĩ quan tình báo quân đội Mỹ, người thông dịch viên đã không ngần ngại nói lên cảm nhận của mình: cuốn nhật ký có lửa và anh khuyên Fred giữ lại. Đến lượt viên sĩ quan tình báo Mỹ bị cuốn nhật ký của người nữ bác sĩ Việt Cộng chinh phục. Viên sĩ quan tình báo Fred mơ hồ cảm thấy có một sứ mạng nào đó đặt vào tay mình. Và điều kỳ lạ đã xảy ra.
Cuốn nhật ký thứ hai lính Mỹ thu được sau khi sát hại nữ bác sĩ Thùy Trâm cũng lại được đặt vào tay thông dịch viên Nguyễn Trung Hiếu. Anh lại trao cho Fred. Những trang nhật ký mặc dù được dịch tóm lược vẫn có sức ám ảnh đối với viên sĩ quan tình báo quân đội Mỹ. Fred không rời được cuốn nhật ký.
Những trang viết của người nữ bác sĩ Việt Cộng mở ra cho viên sĩ quan tình báo Mỹ một góc nhìn khác về cuộc chiến tranh: Một góc nhìn chân thực. Fred nhận ra chính phủ Mỹ đã lừa dối dư luận, đẩy nước Mỹ vào một cuộc chiến tranh tàn bạo chống lại những con người Việt Nam yêu hòa bình, nhân hậu, chiến đấu cho nền độc lập của Tổ quốc mình.
Rời Việt Nam trở về Mỹ, viên sĩ quan tình báo đã mang theo bên mình cuốn nhật ký của người nữ bác sĩ Việt Cộng. Fred tích cực tham gia phong trào phản chiến ngày càng rộng lớn và quyết liệt. Lần đầu tiên khi được người thông dịch viên trao cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm, Fred đang là sĩ quan tình báo quân đội Mỹ có nhiệm vụ thu thập thông tin chiến trường để tiêu diệt Việt Cộng.
Fred đã trở lại đất nước mà ông từng tham chiến với tư cách những người bạn của Việt Nam. ông gìn giữ cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm suốt những năm tháng dằng dặc, dài hơn cả cuộc sống của Thùy Trâm, và giờ đây sau những nỗ lực ông đã có thể tận tay trao lại cho gia đình Thùy Trâm dù bước đầu là một đĩa CD, bản gốc cuốn nhật ký được bảo quản tại Trung tâm Việt Nam thuộc Trường Đại học Texas.
Ông thỉnh cầu được làm một người con trong gia đình Thùy Trâm và lời thỉnh cầu đã được chấp thuận. Một kết thúc thật có hậu.
2. Bạn đọc hôm nay, khi đối diện những trang viết chân thực, đầy sức truyền cảm của Thùy Trâm khó ai kềm nén được lòng mình, thậm chí không ngăn được đòng nước mắt như được tuôn ra từ những suối nguồn thiêng liêng, sâu thẳm. Vì yêu mến. Vì thương xót. Có thể. Nhưng dường như có một cái gì còn hơn thế. Mỗi người như vừa gặp lại mình trong những giấc mơ ẩn thăm thẳm trong tiềm thức, giấc mơ về một cõi người đẹp đẽ, thanh bình, đầy lòng nhân ái...
Những trang nhật ký hé lộ tính cách Thùy Trâm, một người con gái có trái tim ướt đẫm tình cảm và một bộ óc không hề biết mềm yếu (nhật ký 6-3-1969). Sống - với chị là dám đối diện với mình mà không hổ thẹn. Sống đẹp, cao thượng ngay trong hoàn cảnh khắc nghiệt, thậm chí đối mặt với cái chết. Giữa khoảng lặng của những trận mưa bom chị còn kịp nhận ra vẻ tinh khiết của những chiếc lá xanh trong trước ánh nắng tràn ngập rừng chiều sau cơn mưa, vẻ đẹp mỏng mảnh của những dải mây trắng vương nhẹ bên sườn núi.
Cả khi bao nỗi lo âu đè nặng con tim vì bệnh xá đang trong tình thế cực kỳ nguy hiểm, cánh rừng che chở bệnh xá trơ trụi vì bom, mảnh bom xé nát mái tăng lợp láng trại, cột kèo đổ gãy ngổn ngang, phần lớn bệnh xá đã sơ tán, còn lại các thương binh nặng... Tình thế hiểm nghèo ấy vẫn không khuất phục được Thùy Trâm.
Trong khoảnh khắc im ắng của buổi sớm mai chị vẫn nghe vang lên Dòng Danube xanh... cuồn cuộn tươi tắn. Có điều nó chỉ vang lên trong ký ức. Thực tại là cánh rừng bị bom hoang tàn, tai họa, cái chết có thể bất thần ập tới. Thùy Trâm cùng hai y tá lại tất tả chăm sóc, lo cái ăn, lo cả mạng sống cho thương binh.
Hơn một nghìn ngày có mặt tại mặt trận Đức Phổ nóng bỏng những năm 1967-1970, bàn chân bác sĩ Đặng Thùy Trâm in dấu khắp mọi nơi từ làng chài ven biển tới những cánh rừng miền Tây. Chị từng bị lính ngụy bắt, phải giả câm để thoát. Chị đối mặt với lính Mỹ khi đang rửa vết thương cho du kích. Bọn lính Mỹ ập tới quá bất ngờ, chĩa súng vào người du kích đang bị thương, chị đã cầm nòng súng giặc đẩy lên trời, ra hiệu dân làng bị thương do pháo Mỹ bắn cần được băng bó.
Thời gian bác sĩ Đặng Thùy Trâm phụ trách bệnh xá là những năm mặt trận Đức Phổ hết sức khốc liệt. Hàng nghìn thương binh, dân thường đã được cứu chữa, chăm sóc ân cần từ bàn tay bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Chứng kiến cảnh tử vong hầu như từng ngày lòng người bác sĩ trẻ trào dâng một thương xót đến tê tái. Chẳng lẽ cuộc chiến tranh tàn khốc tới mức vậy sao? Chẳng lẽ bom đạn có thể thu ngắn vòng đời một con người đến như vậy sao?
Tới lượt, chị cũng đã không tránh khỏi cái chết trong khi đối mặt với hiểm nguy để cứu mạng sống cho thương binh.
Cụ bà Doãn Ngọc Trâm - mẹ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm - khi tìm lại hài cốt con gái mình đã rất xúc động nhận ra chiếc đồng hồ nữ Liên Xô, chiếc nhẫn... những kỷ vật Thùy Trâm mang theo bên mình. Bà còn nhận ra đôi dép lốp lội rừng và một vết đạn xuyên qua trán lưu lại khoảnh khắc cuối cùng của con gái. Chị trút hơi thở cuối cùng trong tư thế của một người lính can đảm, cao thượng.
Sự kiện Thùy Trâm thu hút sự quan tâm của hàng triệu người ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Hàng trăm nghìn bản sách Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã được phát hành trong một thời gian ngắn. Sách đang được dịch ra các thứ tiếng Anh, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Romania... Thùy Trâm trở thành một nhân vật với tầm vóc ngày một lớn.
Chị trở thành biểu tượng của tâm hồn Việt Nam mà vẻ đẹp và ánh sáng của nó làm xúc động mọi con tim. Không ít tấm lòng yêu mến, ngưỡng mộ Thùy Trâm muốn làm một điều gì đó như một nghĩa cử đối với người nữ anh hùng và mảnh đất kiên cường nơi chị đã ngã xuống. Trước mắt một tour Thùy Trâm đang được cựu binh Mỹ và Công ty Lữ hành Dream Land Travel khẩn trương thiết kế để có thể sớm đón khách thăm lại những nơi ghi dấu bác sĩ Thùy Trâm, trong đó có Bệnh xá dã chiến và nơi chị trút hơi thở cuối cùng...
Một bệnh xá Thùy Trâm, một tour Thùy Trâm, phim về bác sĩ Thùy Trâm, ca khúc về Thùy Trâm, rồi có thể một phòng lưu niệm Thùy Trâm... ở đấy có cả những sản phẩm du lịch mang dấu ấn của người nữ bác sĩ mà cuộc đời cao đẹp của chị được coi như một thông điệp hòa bình. Đấy không chỉ sự tôn vinh đối với một con người, mà điều lớn lao hơn là qua một con người tôn vinh một thế hệ, một đất nước, một dân tộc.
Từ Quốc Hoài