Kho kỷ vật của những người đi B

Kho kỷ vật của những người đi B

Chương trình “Kỷ vật của những người đi B” do báo Sài Gòn Giải Phóng khởi xướng đã nhận được một hồi âm bất ngờ. Từ tỉnh Hải Dương, phóng viên báo SGGP nhận được thông tin: từ cách đây 35 năm, có một người ở mảnh đất này đã miệt mài, âm thầm đi khắp các tỉnh phía Bắc sưu tầm kỷ vật của những người lính Cụ Hồ thời chống Pháp và chống Mỹ, đặc biệt là kỷ vật của những người từng “đi B” để trưng bày.

Và bây giờ, kho kỷ vật của anh đã trở thành một bảo tàng “mini” với nhiều đoàn khách gần xa kéo về tham quan mỗi tuần. Anh là Phạm Chí Thiện, 54 tuổi, hiện sống tại thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

  • Mỗi kỷ vật, một câu chuyện

Mới đặt chân vào ngôi nhà chật chội, thiếu ánh sáng và ẩm thấp của anh, tôi đã sững sờ trước những ngăn tủ chất đầy kỷ vật đi B của những người lính chống Mỹ tại chiến trường miền Nam nói riêng và của người lính chống Pháp, chống Mỹ nói chung.

Kho kỷ vật của những người đi B ảnh 1

Để giới thiệu về một ý tưởng lớn lao, đẹp đẽ của mình- sưu tầm những hiện vật của 2 cuộc chiến thần kỳ của dân tộc suốt 30 năm- anh bắt đầu mang ra 3 kỷ vật: 1 áo trấn thủ, 1 ca uống nước và 1 cái mũ của lính cao xạ, đưa tôi xem.

Sờ lên chúng, tôi cảm nhận được hơi ấm của từng nếp áo, mùi khói cay xè, khét lẹt của những viên đạn và tưởng tượng như tiếng bom vẫn rền vang ở quanh mình khi nâng lên những cái ca uống nước được gò uốn từ vỏ bom bi, xác máy bay Mỹ bị bắn rơi…

Anh chỉ vào cả một dãy tủ đầy ắp kỷ vật chiến tranh, bảo: “Tôi còn có những kỷ vật đáng ngạc nhiên hơn”.

Sau đó, anh lại lụi cụi mở cánh tủ, lôi ra một loạt túi đựng cơm của lính, balô, giày bộ đội, bi-đông đựng nước, dù pháo sáng, áo rằn ri trinh sát của ta, võng bạt, màn bằng vải dù, hòm thông tin, hộp đạn, thắt lưng, la bàn, bút máy, dao găm… Suốt nhiều năm liền, cả trong chiến tranh và trong thời bình, họ luôn giữ những kỷ vật ấy bên mình như một cách để ôn lại quá khứ hào hùng.

Nhưng đến bây giờ, họ lại giao cho anh Thiện giữ hộ khi biết từ lâu anh có ý tưởng thật đáng trân trọng: sưu tầm để trưng bày các kỷ vật chiến tranh ngay tại ngôi làng của mình.

Anh Thiện bảo, cảm động nhất là khi anh tìm sang gặp cựu chiến binh Nguyễn Xuân Lĩnh, 62 tuổi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bình Xuyên, cách nhà anh 20km. Năm 1971, ông vào chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Trong một trận đánh, đơn vị của anh đã tiêu diệt được một tiểu đội Mỹ. Những chiến lợi phẩm thu được gồm: 1 thắt lưng US, 1 hộp đạn, 1 cờ-lê sửa chữa pháo và đặc biệt là 1 chiếc bút máy hiệu Pilot.

Năm 1975, sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, trở ra Bắc, ông cho tất cả kỷ vật chiến tranh trên vào một hòm tôn, trân trọng đặt sau bài vị thờ cha mẹ ở quê nhà. Mỗi năm đến ngày 8-9, ngày ông được kết nạp Đảng, ông lại đem xuống soi ngắm để ôn lại những ngày tháng hào hùng của đời mình, dân tộc mình! Khi anh Thiện đến ngỏ lời, ông Lĩnh cẩn thận thắp 3 nén hương rồi mới giao hòm kỷ vật cho anh giữ.

Tương tự, cái bi-đông đựng nước của ông Nguyễn Văn Thành (60 tuổi, ở thôn Mòi, xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang) cũng chứa đầy kỷ niệm. Ông kể lại, năm 1972, trong một trận càn của Mỹ, rất nhiều đồng đội của ông bị thương. Trời nắng nóng, máu ra nhiều, càng khát nước. Nước cần cho những người đang cầm cự từng giây với địch. Cần cho cả người bị thương. Nhưng cả tiểu đội chỉ duy nhất ông còn nước uống. Và chính cái bi-đông của ông (mà bây giờ anh Thiện đang giữ) đã trở thành sự cứu vãn cuối cùng cho tiểu đội trước nguy cơ bị địch xóa sổ. Họ đã chia nhau đến giọt nước cuối cùng.

Ông Thành và nhiều người đã từng nghĩ đến cái chết vì khát nước. Nhưng sau chiến tranh, họ đã được trở về nguyên vẹn. Nhiều năm qua, ông Thành đã treo cái bi-đông ấy ở một vị trí trang trọng trong nhà. Song bây giờ, ông lại nghĩ rằng nó cần phải đứng trong một tập hợp hiện vật để những câu chuyện của ông có dịp được thể hiện nhiều giá trị, ý nghĩa hơn. Bởi vậy, ông đã gửi nó cho anh Thiện.

Mỗi lần nâng những kỷ vật sưu tầm được, anh Thiện thường trầm ngâm. Bởi anh hiểu, bên cạnh kỷ vật của những người còn sống đến hôm nay thì cũng có không ít kỷ vật của những người đã mãi mãi nằm lại ngay trong 2 cuộc chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc.

  • Ước mơ có một nhà trưng bày kỷ vật

“Hơn 30 năm qua, tôi đã đi khắp các vùng Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hòa Bình, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, TPHCM… để sưu tầm các hiện vật chiến tranh. Kỷ vật đầu tiên mà tôi sưu tầm được lại là chiếc hòm phát điện của lính quân y những năm chống Mỹ” - anh lại bắt đầu câu chuyện.

Dẫn tôi leo lên cái cầu thang gỗ ọp ẹp sau nhà, bước vào căn gác dùng làm nơi thờ cúng gia tiên, anh lôi ra chiếc hòm phát điện nhỏ như một chiếc ắc-qui, đặt lên ghế rồi lùa cần vào ổ quay. Vừa quay xoành xoạch cho đèn phát sáng, anh vừa kể: “Trong chiến trường không có điện. Để có ánh sáng cho những ca mổ cứu thương binh, các chiến sĩ quân y phải sử dụng loại máy này và phải liên tục quay tay để tạo ánh sáng. Năm 1970, một sĩ quan ở xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) cả đời đi chiến trường B, khi ra chỉ có duy nhất kỷ vật này làm kỷ niệm. Nhưng nghe ý tưởng của tôi, anh ấy đã chuyển cho tôi”.

Leo xuống căn gác bên dưới, tôi hỏi tại sao anh lại nảy ra ý tưởng sưu tầm những kỷ vật chiến tranh? Anh bảo, nhiều năm qua, rất nhiều cựu chiến binh và cán bộ đến thăm kỷ vật của anh cũng hỏi như vậy?

Rồi anh kể, cả bố và chú ruột anh đều là liệt sĩ. Bố anh là Phạm Thế Lương, mất năm 1952 trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Anh là con duy nhất của liệt sĩ. Lớn lên, sức khỏe lại yếu nên không được đi bộ đội. Trong thời gian học Đại học Tổng hợp Hà Nội, anh đã nghĩ chuyện phải sưu tầm các hiện vật chiến tranh như một cách để tưởng nhớ những người hy sinh và cống hiến cho dân tộc. Đồng thời, giúp cho lớp trẻ hình dung được về chiến tranh qua một phần các hiện vật.

Đến những năm 1990, vì đời sống quá khó khăn, anh phải bỏ cả biên chế giáo viên môn Văn ở Trường THPT huyện Bình Giang để chuyển sang buôn bán thịt lợn và sưu tầm sách, kỷ vật. “Đến nay, tôi đã sưu tầm được khoảng vài trăm kỷ vật. Bây giờ, tôi chỉ ước mơ có được một nhà trưng bày nho nhỏ trong làng để đem toàn bộ kỷ vật ra đó cho nhân dân cả vùng về xem. Nhưng ngặt nỗi, tôi còn nghèo quá, mặt bằng thì tôi đã có, còn tiền thì chịu” - anh giãi bày.

Ngày ngày, để tăng thu nhập, ngoài mấy sào lúa ngoài đồng, anh còn phụ giúp vợ bán thịt lợn ở chợ làng. Rỗi việc, anh lại lấy xe phóng đi các huyện, các tỉnh lân la sưu tầm kỷ vật chiến trường.

Khi tôi trở lại thành phố, anh gọi điện lên khoe rằng mới đây, gia đình thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ ở xã Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) đã ngỏ ý muốn mời anh sang để tặng một số kỷ vật của vị tình báo rất nổi tiếng ở nước ta. Vậy là anh lại sắp có thêm kỷ vật, sắp có thêm niềm vui cho ước nguyện của mình. 

VĂN PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục