Khổ như diêm dân

Năm nay diêm dân miền Trung lại có thêm mùa muối bội thu. Nhưng cũng như mọi năm, họ không vui vì muối được mùa lại rớt giá. Làm gì để diêm dân có cuộc sống khá hơn vẫn là bài toán chưa có đáp số, và diêm dân vẫn tự bơi trong vô vọng.
Khổ như diêm dân

Năm nay diêm dân miền Trung lại có thêm mùa muối bội thu. Nhưng cũng như mọi năm, họ không vui vì muối được mùa lại rớt giá. Làm gì để diêm dân có cuộc sống khá hơn vẫn là bài toán chưa có đáp số, và diêm dân vẫn tự bơi trong vô vọng.

Giá muối giảm mạnh

Thời tiết miền Trung năm nay nắng nóng kéo dài. Đối với nhiều ngành nghề sản xuất khác thì bất lợi, nhưng riêng diêm dân thì ngược lại, vì nắng chừng nào muối được mùa chừng đó. Hòn Khói, thuộc thị xã Ninh Hòa, là cánh đồng muối lớn nhất tỉnh Khánh Hòa và một trong những cánh đồng muối lớn có hạng tại miền Trung. Những ụ muối chất cao chót vót, trắng lóa nằm san sát trên những bờ ruộng muối đang chờ chở đi tiêu thụ. Dưới những ruộng muối, diêm dân đang tiếp tục thu hoạch muối đã kết tinh. Đứng bên đống muối cả trăm tấn của gia đình, diêm dân Nguyễn Thành Sự (phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa) cho biết, thời tiết thuận lợi, sản lượng muối đạt khá cao, nhưng năm nay diêm dân Khánh Hòa không lấy làm vui vì giá muối gần đây liên tục giảm mạnh. Muối hiện được bán với giá từ 500-550 đồng/kg, giảm khoảng một nửa so với những tháng đầu năm. Với giá này, diêm dân không có lời, có khi lỗ công thu hoạch muối.

Tháng 6, đồng muối ở xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, nơi được coi là “thủ phủ muối” của tỉnh Ninh Thuận nhưng lại thưa thớt diêm dân. Chị Nguyễn Ngọc Hoa, một diêm dân cho biết, mấy năm qua muối liên tục rớt giá nên diêm dân không hào hứng để sản xuất. Hiện nay, nhiều diêm dân bỏ nghề đi tìm kế sinh nhai khác. Dù nghề nào cũng khổ, nhưng theo diêm dân thì vẫn sung sướng hơn làm muối. Những người còn lại do không tìm được công việc mới, đành bám víu hạt muối kiếm miếng ăn. “Nghề làm muối là nghề nhọc nhằn nhất trong các nghề nông nghiệp hiện nay, thế nhưng diêm dân không tự định đoạt được giá của sản phẩm mình làm ra. Chẳng khác gì người làm thuê giá rẻ trên chính tài sản của mình”, chị Hoa nói trong suy tư.

Toàn tỉnh Ninh Thuận có khoảng 1.500ha muối, những năm vừa qua, giá muối xuống thấp, có lúc chỉ còn 250.000 đồng/tấn, bằng 1/5 so với giá muối năm 2008 nên diêm dân không có điều kiện tái đầu tư. Vì thế, có không ít ruộng muối đang bị bỏ hoang.

Được mùa mất giá, được giá mất mùa

Theo phản ánh của diêm dân, ngoài làm muối thì rất ít người có nghề khác. Khi toàn bộ diện tích đất đã trở thành các ruộng muối, đất đã nhiễm mặn thì không thể chuyển đổi sang nghề khác, có chăng chỉ để nuôi tôm. Nhưng nghề nuôi tôm cũng bấp bênh, vốn đầu tư lớn, ngoài tầm với của diêm dân. Trước đây, sau nhiều vụ muối thất bát, nhiều diêm dân đã chuyển sang nuôi tôm, nhưng nuôi tôm càng thất bát, họ lại quay về nghề cũ. Cứ thế, vòng luẩn quẩn đó bám riết diêm dân và họ chưa có lối thoát khả thi.

Ông Trần Công Hoán, Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, đa số diêm dân Ninh Hòa còn sản xuất muối theo phương pháp thủ công nên chất lượng muối còn thấp, khó bán và thường bị ép giá. Nhưng nếu sản xuất muối theo công nghệ phủ bạt để nâng cao chất lượng muối thì diêm dân gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Trong khi đó, diêm dân không có sổ đỏ để thế chấp vay vốn ngân hàng. Trong các kênh vay vốn khác, diêm dân cũng là đối tượng ít được ưu tiên.

Nghề làm muối khổ cực, suốt ngày diêm dân dầm thân trên những đồng muối mặn chát để có những mẻ muối trắng, mong có bữa cơm đạm bạc, chứ làm giàu từ muối quả không ai nghĩ tới, vì cái nghề phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, vào giá muối do thương lái định đoạt... Điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” như “vòng kim cô” đeo bám diêm dân từ xưa đến nay. Diêm dân miền Trung cũng đã nghĩ đến chuyện vay vốn để chuyển đổi cách làm muối hiện đại hơn. Tuy nhiên, với họ chuyện tiếp cận với các nguồn vay khó như… lên trời. Bởi, bản thân các ngân hàng không muốn “mạo hiểm” đồng vốn trong thời điểm hiện nay. Mặt khác, sản xuất muối theo công nghệ phủ bạt đòi hỏi ruộng muối phải có diện tích lớn. Đây cũng là một cái khó cho diêm dân, khiến họ cứ rơi vào vòng luẩn quẩn, chưa thể ứng dụng sản xuất muối theo các phương pháp mới. Cứ đà này, khi hạt muối làm ra không bán được, hoặc bán với giá rẻ mạt, người làm muối lại rơi vào cảnh khốn đốn, không lối thoát.

Theo ông Trương Hữu Lan, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, nghề làm muối là đối tượng ưu tiên vay vốn, nhưng chỉ có doanh nghiệp làm muối tiếp cận được với vốn, còn diêm dân thì rất khó. Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khánh Hòa cho vay 55 tỷ đồng làm muối, nhưng chỉ 1 hộ dân được vay 150 triệu đồng, còn lại là doanh nghiệp.

Văn Ngọc

Tin cùng chuyên mục