Khó quản lý giá sâm Ngọc Linh

Do nhu cầu mua của khách tăng cao trong khi nguồn sâm Ngọc Linh ngày càng ít đi đã dẫn đến giá sâm tăng đột biến, chính quyền cũng không thể can thiệp khiến thị trường sâm hỗn loạn.
Tư vấn về sâm Ngọc Linh cho khách
Tư vấn về sâm Ngọc Linh cho khách

Tự mặc cả giá

So với vài năm trước, hiện giá sâm Ngọc Linh tăng khoảng 30%. Theo ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), việc mua bán sâm Ngọc Linh chủ yếu diễn ra tại phiên chợ sâm mỗi tháng do UBND huyện Nam Trà My tổ chức, hoặc diễn ra giữa các doanh nghiệp, tiểu thương với khách hàng có mối quan hệ quen biết.

“Do chúng tôi mới phát triển sâm từ năm 2010 trở lại đây nên không thể đáp ứng được nhu cầu của khách, chuyện giá tăng cao cũng là điều dễ hiểu. Hầu như sâm được giao dịch theo kiểu thuận mua vừa bán giữa khách hàng với các cơ sở kinh doanh, bởi nhà nước hiện cũng chưa đưa ra quy định giá về cây sâm nên đa phần tự thỏa thuận, mặc cả giá với nhau dựa trên năm tuổi của sâm”, ông Trần Văn Mẫn nói.

Chị Vũ Thị Quỳnh Như (thôn 2, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My), tiểu thương kinh doanh tại phiên chợ sâm, chia sẻ, với sâm nhiều năm tuổi phải đi tìm mua của người đồng bào dân tộc thiểu số tận trong rừng sâu hoặc những doanh nghiệp đã trồng trước đó. “Sâm rừng hiện nay rất hiếm, sâm bán tại phiên chợ chủ yếu sâm trồng, chiếm hơn 90%”, chị Như cho biết. Cũng theo chị Như, giá sâm Ngọc Linh mua của người đồng bào dân tộc thiểu số cũng vô chừng, nếu họ lên giá thì tiểu thương cũng phải lên giá theo.

Tại phiên chợ sâm diễn ra đầu tháng 1-2020, hầu hết tiểu thương tham gia gian hàng chỉ bán vài củ hàng lớn (loại 1 củ 1 lạng), bởi sợ giá cao không bán được. “Ở đây người đồng bào dân tộc thiểu số có vườn sẽ bán tại vườn, tiểu thương biết thì vào tận vườn mua nhưng giá cũng không phải vì thế mà rẻ, do bà con nắm giá rất chắc. Thương lái mua tại vườn về lựa ra củ to bán giá cao hơn, xem như phần lời ở đó, chứ thực tế không lời bao nhiêu”, chị Như nói thêm.

Thật - giả chỉ biết dựa vào phiên chợ

Không chỉ khó quản lý về giá cả, việc kiểm tra chất lượng củ sâm cũng vô chừng, hầu hết bằng kinh nghiệm và quan sát mắt thường. Ông Trần Văn Mẫn thừa nhận, thời gian qua việc kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh chủ yếu bằng trực quan và kinh nghiệm. “Hiện tỉnh đã hỗ trợ đầu tư hệ thống máy nhưng chỉ mới tổ chức đấu thầu, chậm nhất quý 2-2020 mới có. Sau khi huyện xây dựng trung tâm sâm Ngọc Linh xong và thành lập trung tâm kiểm định chất lượng sẽ đưa hệ thống máy vào hoạt động”, ông Mẫn thông tin.

Hiện sâm Ngọc Linh mua bán tại phiên chợ được chính quyền huyện Nam Trà My đảm bảo sâm thật, nên nếu phát hiện sâm giả tại phiên chợ thì chính quyền huyện sẽ chịu trách nhiệm. Do đó, tại mỗi phiên chợ, tổ tư vấn thường xuyên có mặt để kiểm tra mặt hàng sâm Ngọc Linh, thẩm định, hướng dẫn, tư vấn giúp du khách về sâm thật, sâm giả.

Theo báo cáo của huyện Nam Trà My, đến thời điểm này, chưa phát hiện trường hợp nào liên quan đến sâm giả tại phiên chợ. Theo ông Hồ Văn Dang (công an viên xã Trà Linh, thuộc Tổ tư vấn kiểm định sâm Ngọc Linh) thì sâm thật và sâm giả có những đặc điểm khác nhau rõ rệt. Cụ thể, sâm Ngọc Linh thật có hình dáng, mùi vị đặc trưng của sâm, kể cả lá và thân cũng vậy, khi cắt ra sẽ có màu vàng mỡ gà. Ngoài ra, khi nhai thử đầu tiên có cảm giác đắng, sau đó ngọt. Bên cạnh đó, rễ sâm Ngọc Linh cũng mềm hơn, thân cây sâm đặc, khi bẻ không giòn, không gãy mà có độ dẻo. 

Ông Dang cũng cho biết thêm, hiện người dân không trao đổi mua bán giống sâm ra bên ngoài, chủ yếu hỗ trợ nhau để cùng phát triển. “Tự bà con trao đổi mua bán kể cả trao đổi về nhân công lao động. Một số hộ có sâm sẽ hỗ trợ cho những hộ không có sâm bằng cách gọi công đi làm nhưng thay vì trả tiền thì họ trả bằng cây sâm. Ví dụ, bình quân một cây sâm giống 1 năm tuổi giá khoảng 250.000 - 300.000 đồng nhưng khi đổi công thì họ tính hơn 100.000 đồng. Như vậy, mỗi ngày công sẽ được trả bằng 5-7 cây sâm tùy theo năng suất, điều đó tạo điều kiện nhân rộng các cây sâm trong nhân dân”, ông Dang cho hay,

Tin cùng chuyên mục