Khóc Bác giữa chiến khu

Đầu tháng 9-1969, miền Đông đang mùa mưa dữ dội. Vào dịp này, bệnh sốt rét cũng phát triển mạnh. Các bệnh xá, bệnh viện khá đông bệnh binh, thương binh. Vào buổi sáng 3-9-1969, chúng tôi bỗng nghe đài phát thanh thông báo Bác bị bệnh nặng. Cả bệnh viện đều vây quanh chiếc ra-đi-ô đang đọc thông báo. Đã có nhiều người khóc.

Đầu tháng 9-1969, miền Đông đang mùa mưa dữ dội. Vào dịp này, bệnh sốt rét cũng phát triển mạnh. Các bệnh xá, bệnh viện khá đông bệnh binh, thương binh. Vào buổi sáng 3-9-1969, chúng tôi bỗng nghe đài phát thanh thông báo Bác bị bệnh nặng. Cả bệnh viện đều vây quanh chiếc ra-đi-ô đang đọc thông báo. Đã có nhiều người khóc.

Anh em cán bộ, bộ đội vây lấy tôi:

– Anh ở ngoài Bắc về anh biết ý trung ương. Có bao giờ dám thông báo với dân là Bác bệnh nặng không? Như vậy là Bác nguy kịch lắm phải không?

Tôi cúi đầu yên lặng. Thông thường không bao giờ lại dám thông báo Bác bị bệnh – nhất là Bác bị bệnh nặng - bởi tin tức ấy lan ra ngoài sẽ gây âu lo cho toàn dân, nhất là trong thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ đang gặp khó khăn sau cuộc Tổng tấn công Mậu thân 1968. Tôi nhớ vào tháng 3 năm 1968, khi chúng tôi từ các mặt trận kéo về căn cứ học tập, đồng chí lãnh đạo thông báo: Bác đang tập đeo đá, đeo gạch, tập đi bộ để sớm về miền Nam chỉ đạo cuộc kháng chiến. Bộ Chính trị xin Bác yên tâm, sẽ chỉ đạo cuộc kháng chiến mau giành thắng lợi để sớm đón Bác vào Nam ngày chiến thắng. Nghe nói vậy, chúng tôi tin là Bác vẫn khỏe, tin rằng cuộc kháng chiến sắp thành công. Thế mà bây giờ được thông báo Bác đau nặng. Tôi nói với những người vây quanh:

– Ý kiến riêng của tôi: như vậy là Bác đang hấp hối hoặc đã mất, bởi khi Bác chỉ mới đau nặng thì không ai dám thông báo. Bây giờ Trung ương đang chuẩn bị tinh thần cho nhân dân ta đón thông báo chính thức. Thế là có thể Bác đã qua đời.

Nhiều anh em bật khóc. Cả bệnh viện yên lặng không còn tiếng cười đùa, không còn tiếng hát như mọi ngày. Có anh em an ủi mình, nói lớn:

– Bác đau thì nói Bác đau, đã ai nói Bác mất đâu mà khóc!

Sáng mồng 4 tháng 9 khi cả bệnh viện đang trĩu nặng, chờ đợi, bỗng có tiếng thét lớn:

– Các đồng chí ơi! Bác mất rồi!

Cuối cùng đài đã thông báo: Bác mất, Bác đã đi xa.

Số đông anh em chúng tôi bệnh không nặng lắm đều bỏ bệnh viện trở về đơn vị - bởi bao nhiêu cán bộ chiến sĩ ở nhà đang chờ. Phải làm gì bây giờ?

Cơ quan chúng tôi ngập trong tiếng khóc nức nở - nhất là các cháu bé. Lòng kính trọng Bác đã tạo nên trong đời sống của các em một “ông tiên”, được nhắc nhở, được yêu quý hàng ngày. Những cán bộ lớn tuổi chúng tôi phải nuốt nước mắt vào trong, để cùng các cháu lập bàn thờ Bác, may băng tang và đặc biệt khuyên các cháu giữ vững sinh hoạt, ăn uống, ngủ đều đặn để có sức khỏe làm việc. Dù nói thế nào các cháu vẫn ôm nhau khóc nức nở, bỏ ăn uống, đêm nào cũng thức trắng nghe đài nói về Bác, kể cho nhau nghe tình cảm về Bác.

Tôi được phân công xuống ngay các đơn vị bộ đội để viết về tình cảm của Quân giải phóng với Bác và đặc biệt phỏng vấn chị Ba Định, Phó Tư lệnh quân giải phóng miền Nam. Tôi đã đạp xe cả ngày để tìm đến nơi làm việc của chị Ba Định. Chị Ba khóc suốt ngày từ khi nghe tin Bác mất. Chị là người con gái Nam bộ đã đi ghe ra Hà Nội năm 1946 để gặp Bác xin súng cho nhân dân Nam bộ đánh Tây. Chị đã đưa một số súng đạn về tận Bến Tre. Thấy tôi đến, chị vừa khóc vừa trách:

– Phải chi hồi đó văn phòng Chủ tịch có chụp ảnh chị với Bác Hồ thì nay chị còn có ảnh kỷ niệm về Bác…

Chị vừa khóc vừa kể rằng Bác rất quý chị, luôn động viên chị đánh giặc cứu nước. Chị đã nhờ các đại biểu miền Nam ra Bắc, tặng Bác một chiếc khăn rằn miền Nam để quàng cổ khi giá lạnh. Chị kể rằng, sau Đồng khởi 1960, chị lại cử một đoàn vượt biển ra Bắc báo cáo và xin súng cho miền Nam. Không thể nào mời chị trả lời các câu hỏi để viết bài, tôi phải giăng võng bên cạnh, nghe chị kể trong tiếng khóc nức nở để góp nhặt tài liệu viết bài đăng trên báo Giải phóng số đặc biệt về Bác Hồ.

Tôi đạp xe đến Trường huấn luyện quân sự H12, nơi đào tạo cán bộ trung đội cho toàn miền Nam. Phần lớn học viên còn rất trẻ, hàng ngày ca hát ầm ĩ, thế mà hôm nay cả khu rừng yên lặng đến dễ sợ. Vào từng căn nhà lá trung quân đều gặp tiếng khóc thút thít. Riêng các nhà nữ thì vang tiếng khóc nức nở, tiếng gọi “Bác ơi” và từng tốp ôm chặt nhau bỏ ăn uống, sinh hoạt.

Anh em đã lập bàn thờ Bác trong hội trường lớn. Có đủ bát nhang, đèn cầy, hoa rừng và một tấm hình Bác vẽ vội. Anh em thay nhau từng tốp đến thắp nhang, lạy Bác và khóc nức nở.

– Bác bịnh lâu rồi mà chúng cháu đâu có hay biết! Mới nghe nói Bác đau nặng hôm qua, mà nay Bác đã mất rồi.

Lữ Hoàng Phước, người chiến sĩ quê ở Cà Mau, đã gục đầu trước bàn thờ Bác:

– Bác ơi! Thế là cháu không được gặp Bác… Cháu ráng đánh giặc giỏi để được Bác khen, để được ra Bắc gặp Bác một lần. Bây giờ Bác đi xa rồi, làm sao cháu còn mong có dịp gặp Bác?

Hồ Thị Ngọc Điệp, y sĩ của đại đội, là đảng viên “lớp Hồ Chí Minh”. Cô bước đến bàn thờ, thưa với Bác:

– Ông ngoại cháu là du kích hồi chống Pháp, có giữ được một tờ tín phiếu có hình Bác. Ông cháu bị giặc bắt, trước khi hy sinh đã kịp trao cho cậu cháu tấm hình Bác. Cậu cháu lại bị địch bắt đánh đập dã man, nhưng hình Bác vẫn được giữ gìn trong tay má cháu cho đến giờ này. Cháu muốn có dịp khoe với Bác. Cả nhà cháu đều kính yêu Bác, đều gìn giữ hình Bác dù đã qua bao năm tháng bị địch kềm kẹp, giết chóc…

Có một chiến sĩ mới nhập ngũ, con một ngoại kiều ở Sài Gòn, được đơn vị đặt tên là Mai. Gia đình Mai buôn bán ở Sài Gòn, lại có hai người anh là sĩ quan quân đội Sài Gòn. Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, cô theo bè bạn tham gia Quân giải phóng. Đến đơn vị cô mới lo ngại bởi có thể bị đuổi về vì là con em gia đình không tốt. Thế rồi, cô được Ban chỉ huy động viên: Bác Hồ nói, năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Gia đình cô cũng có người tham gia quân đội Sài Gòn, có người tham gia cách mạng. Đơn vị rất yêu quý Mai bởi Mai đã dám từ bỏ cuộc sống đầy đủ để tham gia kháng chiến. Các anh còn kể: Bác Hồ có nói, cây sen mọc trong bùn lầy, nhưng khi vượt lên mặt nước đã nở hoa đẹp và thơm. Các chú động viên Mai: Hãy ráng làm cây sen vươn lên để thoát khỏi ảnh hưởng của gia đình và có thể trở thành người tốt. Từ đó, Mai nhớ lại lời dạy của Bác Hồ, làm việc hăng say để có thể “trở thành bông hoa đẹp”. Cô khóc trước bàn thờ Bác:

– Gia đình cháu có tội với cách mạng. Xin Bác phù hộ cho cháu trở thành người tốt, chuộc tội cho gia đình.

Chúng tôi động viên cán bộ, nhân viên cơ quan, ráng bình tĩnh để ra báo và cùng cả nước kết thúc những ngày để tang đau buồn. Mãi đến lúc này, tôi mới có thì giờ nhớ đến Bác. Ra một góc rừng sâu, tôi ngồi yên lặng nhớ những lần được gặp Người. Tôi đã mấy lần được đi công tác theo Bác. Tôi đã có dịp nghe điện thoại Bác gọi. Tôi đã được đón Bác đến thăm cơ quan năm 1957 và có mấy tấm hình chụp với Bác. Năm 1960 khi đi làm phóng viên ở Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3, tôi đã được gặp Bác, chụp hình chung với Bác…

Rồi không kềm được nữa, tôi òa khóc nức nở như các cháu nhỏ, mặc cho nước mắt tuôn chảy, ướt đẫm hai vai áo. Ngày rời miền Bắc vượt Trường Sơn về Nam năm 1964, chúng tôi đều hứa sẽ ra sức chiến đấu để góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ sớm thắng lợi. Ngày đó hy vọng được gặp lại Bác Hồ.

Thế mà bây giờ Bác đã đi xa…

ĐINH PHONG

Tin cùng chuyên mục