Phong Điền từ lâu đã nổi tiếng là nơi giao thương mua bán tấp nập của cư dân miệt vườn. Những năm qua huyện Phong Điền không ngừng phát triển để hướng tới là huyện đặc thù về du lịch sinh thái của TP Cần Thơ.
Yên ả một vùng quê
Từ Vàm Xáng, 2 chiếc ghe nối đuôi nhau chạy về hướng Giàn Gừa thuộc ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa. Những vệt nước trắng xóa đẩy đám lục bình xanh ngát dạt ra rồi tụ lại, ken đặc khi ghe vừa qua. Hơn chục chiếc máy ảnh bấm lia lịa chụp những hàng dừa nước cao vút mềm mại giao nhau, cây cầu khỉ vắt ngang đôi bờ kênh... “Cảnh vật ở đây lạ và thanh bình quá. Đúng là một vùng quê yên ả…” - anh Phong, một nhiếp ảnh gia tận Lâm Đồng, thốt lên đầy hứng khởi.
Ghe cặp Giàn Gừa. Một quần thể lạ kỳ với thân cây cao khoảng 12m, có nhiều thân phụ, nhánh đan xen cùng bộ rễ buông thõng, ngoằn ngoèo, quyện chặt vào nhau trên cả vùng đất rộng hàng ngàn mét vuông. “Giàn Gừa này có trên 160 năm rồi đó. Lúc tôi còn nhỏ, gừa đã che phủ cả một vùng rộng lớn. Hai mùa kháng chiến đều có bộ đội mình về trú đóng. Bom đạn của giặc thả hoài nhưng vẫn không phá nổi, gừa vẫn vươn ra, đầy sức sống” - má Tám, 85 tuổi, kể.
Cứ vào ngày cúng lệ 28-2 âm lịch hàng năm, dân đồng bằng đổ về hàng ngàn người. Gắn với nhiều huyền thoại, Giàn Gừa đã được công nhận “Di tích lịch sử” cấp thành phố. Trong khuôn viên khu di tích còn có đền thờ Bác Hồ và 12 cô gái hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Cụm di tích Giàn Gừa vừa được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao “bằng công nhận cây Di sản Việt Nam” đầu tiên ở ĐBSCL.
Anh Đỗ Khuê, Giám đốc Công ty Truyền thông Phù Sa, đơn vị tổ chức phototour cho đoàn nhiếp ảnh miền Trung, miền Đông về ĐBSCL sáng tác, nói ở Phong Điền còn nhiều cảnh đẹp lắm. “Phong Điền chợ nổi ven sông/Bồng bềnh mặt nước chợ đông sớm chiều”. Nằm ngay ngã ba sông Cần Thơ và Cầu Nhiếm, những vườn cây trái trĩu quả, những con đường làng quang đãng rợp bóng tre, khu di tích quốc gia mộ nhà thơ Phan Văn Trị…
Điểm nhấn du lịch
“Nội cây trái quanh năm du khách đã mê rồi” - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Phong Điền Phạm Văn Thành vui vẻ. Chỉ riêng chuyện cây dâu đã đầy mê hoặc. Đứng đầu bảng, nổi tiếng nhất là dâu Hạ Châu với 150ha, đã được đăng ký độc quyền thương hiệu, một giống dâu được tuyển chọn, nhân giống từ năm 1960 có ruột màu trắng sữa, ngọt thanh, pha chút chua dịu, phẩm chất vượt trội, thường xuất sang Campuchia. Dâu bòn bon vỏ mỏng, múi tròn đầy, mùi vị thơm, ngọt dịu, chua nhẹ. Dâu xanh khi chín trái vẫn xanh, múi to, mùi thơm ngon và ngọt hơn dâu bòn bon vỏ vàng. Dâu xanh cũng có hai loại, một loại trái tròn, không núm, màu xanh đậm gọi là dâu gia bảo; một loại có núm, trái nhọn, ngọt đậm đà gọi dâu đường. Rồi cam, quýt, vú sữa, chôm chôm, sầu riêng, nhãn…
Phong Điền nổi lên trở thành điểm nhấn du lịch của Cần Thơ. Cứ nhìn những lão nông 60 - 70 tuổi đêm đêm cọ rọ dắt cả cháu con vô lớp ngọng nghịu: “Yes - No” mới thấy quyết tâm đổi đời của họ mạnh lắm. Bà Trương Kim Khuyên, Phó chủ tịch UBND huyện Phong Điền, tâm sự, việc HTX Du lịch sinh thái Mỹ Long ra đời đánh dấu sự chuyển đổi nhận thức và phương cách làm ăn mới từ chính những nông dân. Chỉ một thời gian ngắn, có hộ thu về 60 - 70 triệu đồng/tháng. Các khu du lịch và di tích đón tiếp khoảng 33.845 lượt khách, trong đó có khoảng 12.550 lượt khách quốc tế mỗi năm. Trong tương lai huyện sẽ trở thành đô thị sinh thái, với thế mạnh là thương mại, dịch vụ và du lịch sinh thái. Nếu được đầu tư đúng mức, Phong Điền sẽ là điểm du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp đậm nét miệt vườn sông nước.
Tiếng tăm “làng du lịch Mỹ Khánh” đã vươn xa ra ngoài vùng, và vừa ra mắt “Mô hình dịch vụ du lịch làng nghề văn hóa truyền thống, homestay”. Địa điểm du lịch này đang được xét bình chọn trong 100 điểm đến hấp dẫn của cả nước… PGS-TS Lưu Thanh Đức Hải, Khoa Kinh tế (Trường Đại học Cần Thơ), cho biết, đã chọn huyện Phong Điền để đưa một đề tài phát triển du lịch ứng dụng vào thực tế.
Sức sống mới
Hôm đó nắng đẹp. Đoàn công tác của Bộ Tư pháp kính cẩn dâng hương dưới chân tượng đài Khu di tích chiến thắng Ông Hào (xã Trường Long). Tại đây (ngày 8-6-1965), Tiểu đoàn Tây Đô đã có trận chống càn vang dội, đánh bại cuộc càn quét cấp sư đoàn, tiêu diệt gọn tiểu đoàn “Cọp đen” khét tiếng của địch. Khu di tích này nằm trên tuyến lộ Vòng Cung “Đạn chen đầu đạn, bom cày hố bom”, biểu tượng của sự ác liệt và kiên cường của quân dân Cần Thơ và của miền Tây Nam bộ thời chống Mỹ. Dự án di tích lịch sử Lộ Vòng Cung (xã Mỹ Khánh), một công trình tổ hợp đa chức năng (di tích lịch sử, văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái) có quy mô hơn 370ha, với tổng kinh phí trên 449 tỷ đồng đã được triển khai. “Hồi đó dữ dội lắm. Nhiều anh em đã nằm xuống. Một tượng đài cho xứng đáng là điều nên làm để con cháu mai này vẫn nhớ”, ông Năm Liền, chủ Khu du lịch Vàm Xáng, nói vậy.
Màu xanh đã lan tỏa khắp tuyến lửa khi xưa. Lộ Vòng Cung trở thành tuyến du lịch sinh thái. Xã Mỹ Khánh đã hoàn thành 19/20 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tất cả tuyến đường chính của các xã dọc lộ Vòng Cung đều được nhựa hóa. Thu nhập bình quân đầu người của người dân trên tuyến lộ Vòng Cung (năm 2012) cao hơn mức bình quân chung của huyện khoảng 24 triệu đồng/người/năm.
Từ thị tứ nhỏ với “mặt tiền” là một tuyến đường, hai dãy phố xưa cũ (2004) nay Phong Điền đã có trung tâm thương mại sầm uất, từng dãy phố đua nhau mọc lên. Ban đêm ánh điện rực sáng, hàng quán bán đến tận khuya. Dự án đại lộ Nguyễn Văn Cừ nối dài, công trình mang tính bước ngoặt, rút ngắn khoảng cách từ Phong Điền về trung tâm TP Cần Thơ đã kết thúc giai đoạn 1 và đưa vào sử dụng. Giai đoạn 2 (từ xã Mỹ Khánh về thị trấn Phong Điền) đã hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng. Phong Điền sẽ càng đổi khác với dự án tỉnh lộ 923 (nối quận Ninh Kiều với trung tâm Phong Điền), đường T2 - 926 (nối với Hậu Giang), đường Tân Thới - Trường Thành (nối với huyện Thới Lai), xây bờ kè Trà Niền cùng cây xanh hai bên bờ, bệnh viện đa khoa trung tâm… Phong Điền đang đi lên từ truyền thống.
| |
VŨ THỐNG NHẤT