Không đành lòng… bán ruộng!

Bà cố nội để lại cho ba tôi 50 cao ruộng (5.000m²) hương hỏa. Những năm 80 của thế kỷ trước, khi chưa có nước kênh Đông từ lòng hồ Dầu Tiếng chảy về, 50 cao ruộng ấy ba tôi chỉ làm được một vụ lúa tạm đủ đổ vào bồ để nuôi sáu đứa con (vừa trai, vừa gái) ăn học. Vụ lúa ở quê tôi diễn ra vào mùa hè nên lúc ấy tôi thường theo ba đi cày, đi đắp bờ ruộng, nhổ mạ, cấy lúa…

Quê tôi là vùng quê ngoại thành của TPHCM, ruộng không nhiều nên đa phần nhà nông làm ruộng chỉ cốt mong sao có đủ lúa để ăn chứ không phải làm ra lúa để bán hay xuất khẩu như người nông dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy, năm nào mưa thuận gió hòa, cả nhà tôi được ăn cơm trắng, còn thức ăn ở nhà quê có cái gì ăn cái nấy… mắm muối, con cá đồng, con tép, con cua, con gà, con vịt tự nuôi để cải thiện bữa ăn, năm nào mùa màng thất bát thì phải ăn cơm độn khoai.

Với 5.000m² ruộng hương hỏa của bà cố để lại cho ba, ba đã nuôi tôi và các em tôi lớn lên từng ngày, để có cánh cửa vào đời. Những lúc vào vụ lúa theo ba ra đồng ruộng, ba thường hay khuyên dạy chỉ duy nhất một điều: “Con gắng mà học chữ cho tốt! Có cái chữ, cái nghĩa rồi đi làm thầy, làm thợ chứ làm ông nông dân như ba cả cuộc đời vất vả lắm”.

Rồi sau những tháng năm vất vả với đồng ruộng, năm được mùa, ăn cơm trắng, năm mất mùa ăn cơm độn, 5.000m² ruộng của cố đã nuôi tôi bước chân vào ngôi Trường Cao đẳng Sư phạm TPHCM – nay là Trường Đại học Sài Gòn. Ba má tôi vui mừng bao nhiêu thì niềm vui của tôi được nhân lên gấp bấy nhiêu lần.

Tôi đã cởi bỏ được lớp bùn của đôi chân người nông dân đến giảng đường sư phạm để hướng tương lai đời mình trở thành thầy giáo như lời khuyên dạy của ba tôi. Nối gót theo đôi chân tôi, em trai kế tôi cũng vào được đại học… rồi thằng út vào trường trung cấp. Ba anh em trai tôi vào đời mỗi người mỗi nghề… để lại cho ba vẫn là mảnh ruộng ngày xưa…

Giờ thì cả sáu anh em tôi đều đã có gia đình, có nhà cửa riêng, có con trai, con gái. Còn ba má thì lên chức ông nội bà nội, ông ngoại bà ngoại cả rồi! Ba tôi đã ngoài 70 tuổi, 50 cao ruộng hương hỏa ba cho người ta thuê. Năm được mùa thì người thuê đong lúa vừa đủ cho ba má tôi ăn cả năm. Năm thất mùa thì ba má tôi xí xóa cho người thuê ruộng… Và cũng 50 cao ruộng ấy… đôi khi… ba cho tôi hoặc các em mượn bằng khoán thế chấp ngân hàng vay vốn sửa lại căn nhà, kinh doanh nhỏ…

Thửa ruộng ấy bây giờ cho thuê không ai thuê, vì nhà nông ở quê tôi hầu hết bán ruộng chuyển nghề khác, người còn ruộng bỏ ruộng đi làm thuê làm mướn lấy tiền mua gạo ăn chứ không ai dám làm ruộng! Người nông dân quê tôi giờ đây sợ làm ruộng lắm! Làm ruộng giá cả phân bón đắt đỏ, công cán nhiều, nhà nông thua lỗ… Nhớ hồi nhỏ theo ba ra ruộng cấy, ba mơ ước: “Giá có tiền ba mua thêm vài chục cao ruộng để làm thêm cho đủ cả nhà ăn, có dư ra lúa dự phòng năm thất mùa không phải ăn cơm độn khoai!”.

Giờ thì ba gọi tôi và hai đứa em trai về ông bảo: “Trong ba đứa, giờ đứa nào đứng ra nhận phần ruộng hương hỏa để làm đây? Ba muốn cho người thuê nhưng ai cũng lắc đầu… Ba bỏ ruộng hoang mấy năm nay rồi! Đường vô ruộng bây giờ nhà nước quy hoạch mở đường rải đá… Giá đất tăng nhiều… Không đứa nào về làm thì ba bán ruộng lấy tiền gửi ngân hàng để tao và má bây dưỡng già”.

Tôi và hai người em trai ngồi lặng thinh… Có lẽ nào người nông dân bao năm gắn bó với ruộng đồng như ba tôi lại dễ dàng bộc bạch một quyết định như vậy! Tôi hiểu ba trăn trở nhiều đêm và bản thân tôi cứ day dứt băn khoăn… “không đành lòng… bán ruộng!”. Còn hương hồn của bà cố nơi thế giới bên kia có đồng cảm với thời cuộc mà ba tôi và cả tôi đang sống? Đó là thời mở cửa, vùng quê tôi từng phút, từng ngày tiến lên đô thị hóa và người nông dân bán hết ruộng! Và rồi năm mươi năm nữa thôi, khi các con tôi trưởng thành… Nếu tôi có kể chuyện ngày xưa… tôi theo ông nội đi ra đồng cày ruộng, cày lúa… để có được bát cơm no cắp sách đến trường! Lũ trẻ có thể sẽ không tin… hoặc cho rằng đó chỉ là chuyện cổ tích!

Gia Lợi

Tin cùng chuyên mục