Đây cũng là quyết tâm từ cấp Trung ương, khi các nhóm chuyên gia tham vấn chính sách đang thúc đẩy các bộ ngành thực hiện việc cắt giảm 20% quy định và chi phí tuân thủ quy định kinh doanh theo Nghị quyết của Chính phủ một cách thực chất để doanh nghiệp, người dân cảm nhận được hiệu quả của việc cắt giảm. Cùng đó là tiếp tục cắt giảm quy định, thủ tục hành chính để đẩy nhanh giải ngân vốn ODA và vốn đầu tư công.
Liên quan đến yếu tố “nguồn ngoại lực”, một bài toán hóc búa nhất quyết phải được giải cho ra đáp số thực tiễn, đó là: TPHCM phải cấp thiết xây dựng chuỗi chính sách thu hút khu vực kinh tế FDI chủ động và tương thích với các định hướng tăng trưởng mới của thành phố.
Một thực tế báo động - như báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) đã chỉ ra: Trong 6 tháng đầu năm, thu hút vốn FDI giảm mạnh, các dự án thu hút mới vẫn ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Mặc dù số lượng dự án FDI thu hút tăng lên nhưng vốn FDI vào TPHCM giảm liên tiếp từ năm 2021 và giảm sâu hơn trong 6 tháng đầu năm 2022.
Sự sụt giảm dòng vốn FDI vào thành phố đã tác động lên nhiều mặt như giảm khối lượng công việc, lao động trong ngành xây dựng; giảm nguồn thu ngân sách thành phố do lượng đóng góp kim ngạch xuất - nhập khẩu (vốn chiếm tỷ trọng cao với 65% kim ngạch xuất khẩu và trên dưới 30% kim ngạch nhập khẩu) đều giảm.
Một gợi ý cho thành phố được nêu ra: Trước mắt, trong bối cảnh địa kinh tế toàn cầu và khu vực đang có nhiều chuyển biến, TPHCM cần tập trung xúc tiến thu hút đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia (MNEs) đang đầu tư tại Trung Quốc để tận dụng được lợi thế từ sự chuyển dịch sản xuất sang các nước khác, nhưng vẫn không quá xa thị trường và chuỗi cung ứng tại Trung Quốc.
Với mục tiêu cụ thể đó, cần tạo được nhiều kênh thu hút đầu tư khác nhau và các cơ chế thuận lợi nhanh nhất về thủ tục để đầu tư vào TPHCM. Nỗ lực gia tăng tính thực thi hành động này song hành với việc thành phố triển khai thành lập các “tổ công tác đặc biệt” để tăng chỉ số cải cách hành chính, hiệu quả cải cách hành chính, quản trị hiệu quả thực thi; gắn các chỉ số cải cách với việc gỡ rối cho các dự án theo thứ tự ưu tiên; là lựa chọn tối ưu, đường dẫn đi đến hành động đạt hiệu quả.
Các kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam đã đặt ra nhiều tham số biến động. Trong đó, kịch bản cơ sở tăng trưởng GDP của cả nước năm 2022 sẽ đạt 7,1% trở lên, lạm phát bình quân năm 2022 sẽ vào khoảng 3,8%. Dựa vào đó, tăng trưởng của TPHCM dự kiến đạt trên 7% trong năm 2022, đặc biệt tăng trưởng nhanh chóng ở khu vực công nghiệp - dịch vụ - thương mại của “đầu tàu kinh tế” sẽ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của cả vùng Đông Nam bộ.
Do vậy, mục tiêu cốt lõi, cũng là ưu tiên trong chính sách kinh tế vĩ mô, đó là gia cố tính ổn định thay vì thúc đẩy nhanh tăng trưởng bằng mọi giá, tập trung kiến tạo nền tảng tăng trưởng mới cho TPHCM trong giai đoạn kế tiếp. Nửa năm còn lại của 2022 không phải là lặp lại cơ học cái cũ, mà ngược lại: những nền tảng được tích lũy, bồi đắp để vươn lên một vị thế vững chãi và sâu sắc, không những về kinh tế, mà cả an sinh, môi trường và sự đồng lòng, tiếp sức của toàn xã hội.