Lỗ SGK nhưng lãi sách tham khảo
Giải trình về vấn đề độc quyền in ấn SGK, Bộ GD-ĐT cho rằng, trước năm 2017, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGD) là đơn vị duy nhất có chức năng, nhiệm vụ xuất bản SGK. Từ cuối năm 2017 đến nay, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ TT-TT cấp phép thêm một số nhà xuất bản được tham gia xuất bản SGK và xem xét cấp phép các NXB đủ điều kiện được xuất bản SGK theo quy định của pháp luật (ngoài NXBGD và 5 NXB được cấp phép), xây dựng phương án xuất bản, in ấn, phát hành SGK đảm bảo đủ sách cho các cơ sở giáo dục, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và tiết kiệm chi phí cho học sinh, phụ huynh học sinh. Như vậy tới đây sẽ không còn tình trạng độc quyền xuất bản SGK.
Về việc SGK ít được sử dụng lại, Bộ GD-ĐT cho hay, khi biên soạn SGK để thực hiện trên phạm vi cả nước từ năm học 2002-2003, các tác giả đã tiếp thu các kinh nghiệm về SGK của quốc tế để thể hiện các phương pháp dạy học tích cực, tăng tính tương tác giữa người học và sách. Theo đó, trong SGK có thiết kế các thí nghiệm kèm theo bảng các đại lượng cần đo (chưa có số liệu) nhằm hướng dẫn học sinh cách tiến hành thí nghiệm; các bài tập đa dạng về hình thức (trắc nghiệm, điền khuyết, nối đôi) nhằm rèn luyện cho học sinh các thao tác tư duy, hướng dẫn học sinh tự học, làm quen với các dạng bài tập khác nhau (vào thời điểm đó nước ta mới bước đầu tiếp cận với các dạng bài tập trắc nghiệm). Đây là xu thế đổi mới phương pháp dạy học ở các nước tiên tiến trên thế giới. Việc thiết kế nội dung sách như trên có ưu điểm là tăng cường tính tương tác và sự tích cực, hứng thú của học sinh; đồng thời tạo thuận lợi cho giáo viên trong việc đổi mới phương pháp dạy học. Tuy nhiên, nếu học sinh viết, vẽ vào SGK thì có thể không sử dụng lại được cho những năm sau.
Về vấn đề lãi - lỗ xuất bản SGK, Bộ GD-ĐT cho biết, toàn bộ các chi phí in ấn và phát hành SGK, NXBGD phải tự hạch toán, tự cân đối; hoàn toàn không có trợ giá hoặc hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Việc phát hành SGK không có lãi mà bị lỗ trên dưới 40 tỷ đồng mỗi năm. Nội dung này đã được các cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra của Tổng cục Thuế kiểm tra và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) xác nhận. Tuy lĩnh vực xuất bản và phát hành SGK có lỗ nhưng hoạt động của các lĩnh vực khác có lãi (sách tham khảo, hoạt động xuất bản, khai thác cơ sở vật chất...), nên tổng hợp lại hoạt động kinh doanh của NXBGD là có lãi. Vì vậy, NXBGD vẫn duy trì chính sách chiết khấu thấp cho các đại lý đảm bảo SGK có thể đến được với học sinh ở tất cả mọi vùng, miền trên toàn quốc, đó là lý do mà hàng năm mức chiết khấu phát hành SGK lên tới 250 tỷ đồng. Mức chiết khấu SGK hiện nay khoảng 18%-20%, là thấp so với chiết khấu sách tham khảo và sách của các NXB khác.
Buộc học sinh phải mua “SGK bài tập”?
Giải trình lại ý kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc xuất bản, phát hành SGK chỉ có NXBGD thực hiện như hiện nay tạo ra nghi ngại về sự độc quyền khép kín trong tất cả các khâu của quy trình từ biên soạn đến phát hành, không thúc đẩy cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng SGK, Bộ GD-ĐT thừa nhận trong danh mục SGK do NXBGD phát hành cho học sinh còn nhiều tài liệu không phải là SGK bán kèm theo. Những tài liệu này thực chất là sách bổ trợ, tham khảo hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Tuy nhiên, do NXBGD phát hành SGK không có hướng dẫn rõ ràng dẫn đến việc các cơ sở giáo dục hiểu rằng đây là “SGK bài tập” bắt buộc học sinh phải mua như SGK.
Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT cho hay để thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội (thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học), Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo chuẩn bị tài liệu hướng dẫn và kế hoạch tập huấn cho các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK. Theo quy định của Quốc hội, Bộ GD-ĐT chủ trì biên soạn một bộ SGK. Sau khi biên soạn, bộ SGK do Bộ GD-ĐT chủ trì sẽ được công bố công khai, bao gồm phiên bản sách điện tử để giáo viên, học sinh sử dụng rộng rãi, bình đẳng. Mặt khác, để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa SGK do Bộ GD-ĐT chủ trì biên soạn với các SGK khác, Bộ GD-ĐT sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án cụ thể về giá SGK. Khi biên soạn SGK mới, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các NXB tham gia làm SGK và các sở GD-ĐT hướng dẫn, tập huấn giáo viên về việc sử dụng sách để học sinh có ý thức giữ gìn, bảo quản, đảm bảo SGK được sử dụng nhiều lần, tránh lãng phí.
Về lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông, để bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng độc quyền khi có nhiều SGK, Bộ GD-ĐT đang xây dựng Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông theo hướng giao quyền lựa chọn cho cơ sở giáo dục phổ thông trên cơ sở nguyện vọng của học sinh, cha mẹ học sinh; có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền lựa chọn của học sinh, cha mẹ học sinh.