Không để xảy ra dịch chồng dịch

Trong khi dịch Covid-19 còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thì các bệnh sốt xuất huyết (SXH) và bạch hầu cũng đang có xu hướng gia tăng số ca mắc. Việc phòng chống SXH và bạch hầu đang đối mặt với không ít khó khăn, nhất là ý thức phòng chống dịch trong cộng đồng chưa cao; việc phối hợp giữa các ngành, các cấp, đoàn thể, người dân còn hạn chế và tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Cán bộ y tế phường Tân Quý, quận Tân Phú kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại hộ dân trên địa bàn. Ảnh: THÀNH AN
Cán bộ y tế phường Tân Quý, quận Tân Phú kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại hộ dân trên địa bàn. Ảnh: THÀNH AN

Gia tăng số tăng mắc

Tại Hội nghị trực tuyến về tăng cường phòng chống dịch bệnh và công tác tiêm chủng, an toàn tiêm chủng do Bộ Y tế tổ chức ngày 21-9 với các điểm cầu tại 62 tỉnh, thành phố, TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết, so với cùng kỳ năm 2019, số ca mắc SXH trong 9 tháng qua giảm tới hơn 64%, nhưng trong 3 tuần gần đây, số mắc đang có xu hướng tăng cao gần với ngưỡng cảnh báo dịch, tập trung chủ yếu ở một số tỉnh miền Trung, miền Nam. Đặc biệt, chỉ số giám sát véctơ ghi nhận cao nhất tại khu vực miền Nam và miền Trung khi các chỉ số bắt đầu tăng từ tháng 6-7, trước thời điểm số mắc SXH tăng khoảng 3-4 tuần. Tuy nhiên, giám sát huyết thanh không có sự khác biệt về phân bố tuýp virus lưu hành tại các khu vực so với giai đoạn 5 năm gần đây, tuýp virus gây bệnh vẫn chủ yếu là D1 và D2, chiếm 90%. 

Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cũng chỉ rõ, mặc dù số ca mắc SXH giảm mạnh nhưng hiện vẫn ở mức cao với nguyên nhân chủ yếu là ý thức phòng chống dịch trong cộng đồng còn hạn chế; chưa huy động được sự phối hợp, chủ động của các ban ngành, đoàn thể trong phòng chống SXH; các chiến dịch diệt lăng quăng mang tính hình thức và không được duy trì lâu dài, bền vững; chế tài xử phạt chưa được áp dụng tại các địa phương. Cùng với đó, việc phòng chống dịch SXH cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: hiện đang vào mùa mưa, dịch bắt đầu gia tăng, đạt đến đỉnh vào khoảng tháng 10-11; tốc độ đô thị hóa nhanh, di biến động dân cư làm gia tăng nguy cơ lan rộng và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh; hoạt động của mạng lưới cộng tác viên bị gián đoạn do kinh phí bị cắt giảm… 

Liên quan tới diễn biến của dịch bạch hầu, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho biết, từ đầu năm 2020 tới nay, cả nước đã có 198 người mắc bạch hầu, với 4 ca tử vong. Trong đó, khu vực Tây Nguyên có số mắc nhiều nhất với 172 người. Qua giám sát, phần lớn các trường hợp mắc bạch hầu là từ 3-78 tuổi, nhưng tập trung nhiều nhất là từ 10-14 tuổi; đặc biệt có tới 81,3% không rõ tiền sử tiêm chủng, hoặc không được tiêm phòng vaccine bạch hầu. 

TS Đặng Quang Tấn chỉ rõ, các xã là ổ dịch bạch hầu chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số nên tỷ lệ tiêm chủng vaccine thấp do người dân không hợp tác. Cùng với đó, một số khu vực đã lâu không ghi nhận ca bệnh nên có hiện tượng cán bộ y tế cơ sở thiếu kinh nghiệm trong chẩn đoán, giám sát phát hiện sớm. Nhiều trường hợp mắc bạch hầu ở nhóm lớn tuổi khi thời điểm tiêm chủng mở rộng chưa triển khai đầy đủ, còn xã trắng về tiêm chủng. Bên cạnh đó, đầu tư cho công tác phòng chống dịch từ nguồn kinh phí của địa phương còn hạn chế, không đảm bảo đủ nhu cầu phòng chống dịch. 

Không được chủ quan

Trước tình hình nhiều dịch bệnh cùng diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu, cần tiếp tục tập trung vào các biện pháp phòng dịch, tuyệt đối không để dịch chồng dịch, đặc biệt thời tiết mùa đông và mùa xuân tới rất thuận lợi cho dịch bệnh phát triển. Ông cũng nhận định, nguy cơ bùng phát dịch tại mỗi khu vực, vùng miền là khác nhau nên cần đánh giá kỹ lưỡng tình hình, yếu tố nguy cơ bùng phát dịch tại từng khu vực, từng thành phố và làm rõ những tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân tiềm ẩn bùng phát dịch trong thời gian qua. Trên cơ sở phân tích này sẽ đề xuất các hoạt động, biện pháp trọng tâm trong phòng dịch để nâng cao hiệu quả chống dịch. 

Đối với các dịch bệnh có vaccine, công tác tiêm chủng là yếu tố hàng đầu để phòng bệnh. Dịch bạch hầu xảy ra ở một số tỉnh Tây Nguyên, đa số các ca bệnh xuất hiện ở “vùng lõm tiêm chủng” nên cần có các biện pháp duy trì tỷ lệ tiêm chủng và nâng cao tỷ lệ này tại đây. 

Đề cập tới công tác tiêm chủng, PGS-TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, khẳng định, đối với dịch bạch hầu, công tác tiêm chủng vaccine là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Cần phải đảm bảo tỷ lệ tiêm vaccine trên 95% ở tất cả các xã phường trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Với trẻ em dưới 1 tuổi và người lớn chưa tiêm chủng hay không nhớ tiền sử tiêm chủng, cần phải tiêm 3 mũi vaccine bạch hầu cơ bản.

Phó Viện trưởng Trần Như Dương cũng lưu ý, để đảm bảo an toàn tiêm chủng vaccine ngừa bạch hầu, đối với nhóm trẻ từ 19-48 tháng tuổi, nếu không nhớ hoặc không có bằng chứng về tiêm chủng thì “coi như chưa tiêm” và sẽ phải tiêm 2 mũi vaccine DPT cách nhau 1 tháng trong chiến dịch. Tiếp tục tiêm mũi 3 cách mũi 2 là 6 tháng trong tiêm chủng thường xuyên, nếu ở thời điểm tiêm mũi 3 trẻ vẫn dưới 48 tháng tuổi. “Không được tiêm vaccine DPT cho trẻ từ 48 tháng tuổi trở lên, vì những tác dụng phụ nghiêm trọng, đặc biệt có thể gây co giật”, TS Trần Như Dương lưu ý.

Từ đầu năm 2020 tới nay, cả nước đã có 70.585 người mắc SXH, tập trung nhiều nhất là khu vực phía Nam với hơn 40.100 ca (chiếm 57%). Trong đó, TPHCM có số ca mắc SXH cao nhất cả nước với 13.322 ca, nhưng tỉnh Phú Yên lại là địa phương có tỷ lệ mắc/100.000 cao nhất cả nước (504,5/100.000 dân). Đối với khu vực miền Bắc, tới nay chỉ có 2.952 ca mắc SXH, trong đó tập trung chủ yếu tại Hà Nội là 1.993 ca mắc. 

Tin cùng chuyên mục