Không lãng phí sách giáo khoa

Sau 9 năm thực hiện, ngày 2-11, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa Luật Giá. Một trong các nội dung đáng chú ý là Chính phủ đề nghị bổ sung sách giáo khoa (SGK) vào danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá. Đây cũng là mong muốn, là sự quan tâm của đông đảo người dân trong suốt thời gian qua. 

Thẩm tra về đề xuất này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng tán thành khi cho rằng, đây là mặt hàng thiết yếu và giá SGK có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, cần thiết phải kiểm soát, khống chế mặt bằng giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng. Nhà nước định giá SGK là để tạo công cụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người nghèo. Theo đó, Nhà nước quy định giá bán tối đa; không ấn định giá, để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán cụ thể nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán, bảo đảm lợi ích của người dân. 

Giá SGK luôn là vấn đề “nóng”, nhất là khi giá SGK mới cao gấp 2-3 lần sách cũ. Vì vậy, thay vì cơ chế kê khai giá SGK, việc Nhà nước định giá SGK là cần thiết. Nhưng, vấn đề quan trọng không kém mà người dân cũng như các đại biểu Quốc hội đều mong muốn là không chỉ dừng ở việc khống chế mặt bằng giá sách mà Chính phủ, Bộ GD-ĐT cần tiếp tục triển khai các giải pháp để bảo đảm không lãng phí SGK.

SGK phải sử dụng được nhiều lần cũng như việc sử dụng SGK phải mang tính thống nhất cao để bảo đảm học sinh không phải mua sách nhiều lần. Việc sử dụng nhiều bộ SGK cùng một chương trình giáo dục phổ thông được xem là một lợi thế nhưng cũng có nhiều bất cập. Nhiều trường chọn cùng lúc nhiều đầu sách trong các bộ SGK khác nhau dẫn đến tình trạng phụ huynh khó khăn trong việc mua sách. Giáo viên, nhà trường cũng bị động, quá tải trong việc phải đọc, lựa chọn nhiều bộ sách khác nhau. Mỗi trường chọn bộ SGK khác nhau nên nếu học sinh chuyển trường, lại phải mua bộ sách khác… Đó là lý do mà nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị việc sử dụng SGK nên có tính thống nhất tương đối trong cả nước.

Quốc hội đã lựa chọn chuyên đề giám sát năm 2023 về việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Cử tri, nhân dân cả nước đều mong chờ kết quả giám sát sẽ chỉ rõ thực trạng của việc sử dụng SGK mới cũng như những chính sách, giải pháp mà Quốc hội, Chính phủ sẽ ban hành sau khi giám sát kết thúc.

Tin cùng chuyên mục