Quy hoạch đất đai

Không nên bỏ cơ chế tự thỏa thuận

Vừa qua, Bộ Tài nguyên-Môi trường vừa đề xuất với Quốc hội nên bỏ cơ chế chủ đầu tư tự thỏa thuận với người dân trong quy hoạch, giải tỏa đất. Theo tôi, dù làm thế nào cũng không nên bỏ đi cơ chế này vì những lý do sau:

Một khi nhà nước đã công nhận quyền sử dụng đất cho người dân và quyền chuyển nhượng kèm theo QSD đất đó (theo ghi nhận của Luật Đất đai và Luật Dân sự) thì nhà nước cũng nên tôn trọng và đảm bảo cho người dân nguyên tắc “thuận mua vừa bán” trong mọi trường họp, ngay cả khi nhà nước quy hoạch, trừ trường hợp nhà nước thu hồi đất vì mục đích an ninh, quốc phòng hay mang tính chất công cộng khác. Đặc biệt, “thuận mua vừa bán” càng phải được tôn trọng, đảm bảo đối với những dự án quy hoạch đơn thuần vì lợi ích kinh tế dù là cho nhà nước hay tư nhân.

Các chủ đầu tư thường than phiền rằng họ rơi vào thế “bất bình đẳng” khi thực hiện cơ chế tự thỏa thuận với người dân, thế nhưng nếu để nhà nước đứng ra đền bù thì lấy gì để đảm bảo rằng không hề có sự áp đặt giá đền bù với quyền lực cưỡng chế mà nhà nước nắm trong tay. Hơn nữa, kinh nghiệm thực tiễn cũng cho thấy, nhà nước khó đưa ra được mức bồi thường thỏa đáng dù rằng nguyên tắc đền bù, tái định cư đã được Luật Đất đai xác định rất rõ là phải bảo đảm cho người dân có đất bị thu hồi “bằng hoặc hơn nơi ở cũ”.

Đền bù là công đoạn “khó nuốt” nhất trong quy trình giải tỏa quy hoạch. Sở dĩ các chủ đầu tư than phiền “bất bình đẳng” và không muốn gánh trách nhiệm này phải chăng vì suy cho cùng, đại diện cho quyền lực nhà nước vẫn “nhẹ nhàng” hơn so với việc thỏa thuận, thương lượng với người dân. Hơn nữa, dầu than phiền là “bất bình đẳng” trong cơ chế tự thỏa thuận nhưng từ trước đến nay đã có chủ đầu tư nào phải chịu lỗ đâu. Chính vì vậy, không ít người đã ví von kinh doanh bất động sản như “ngồi mát ăn bát vàng” và xin hãy nhớ rằng sự kêu ca của các chủ đầu tư cũng chỉ đại diện cho lợi ích cục bộ của bản thân nhóm người kinh doanh về lĩnh vực này mà thôi.

Và cuối cùng, nhà nước không nên đồng nghĩa phát triển kinh tế với việc phát triển bề mặt đô thị. Chính quyền các địa phương ra sức “tô điểm” cho địa phương của mình bằng những khu nhà sang trọng, những cao ốc hiện đại là yêu cầu chính đáng. Song, nếu chỉ chú trọng xây dựng bề nổi như vậy là cái nhìn hết sức phiến diện về phát triển kinh tế trong hoàn cảnh Việt Nam vẫn còn là một trong những nước nghèo trên thế giới, và chúng ta còn quá nhiều vấn đề nan giải cấp bách chưa giải quyết: kẹt xe, đường ngập... Nếu tập trung khoản tiền của quá lớn chỉ để xây dựng “mặt tiền” đô thị mà không hề chú trọng đầu tư chiều sâu vào những hạng mục đem đến hiệu quả thiết thực và lâu dài cho kinh tế đất nước: trình độ công nghệ, quản lý, giáo dục... thì thật hết sức lãng phí và nông cạn.  

LS NGUYÊN HỒNG HÂN

Tin cùng chuyên mục