
Việc dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1 đang là vấn đề bức xúc của nhiều bậc phụ huynh, các nhà giáo dục. Đây là một hiện tượng đang có xu hướng trở thành phong trào của một bộ phận phụ huynh.

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (Q.1, TPHCM) đang học Toán. Ảnh: ĐỨC TRÍ
Xét về góc độ tâm lý, trẻ 5 – 6 tuổi đang là độ tuổi chơi đùa không nên tạo áp lực nặng nề trong việc học hành, thi cử. Việc nôn nóng sợ thua kém bạn bè của một số ít phụ huynh vô tình tạo cho trẻ sự lo lắng thái quá ngay từ nhỏ, trẻ sẽ sớm đánh mất tuổi thơ vô tư, hồn nhiên để lao vào cuộc đua tranh với bạn bè. Nhân việc này, tôi chợt nhớ đến chuyện ở quê tôi cách đây gần 20 năm.
Khi đó có một số phụ huynh thấy con ham học nên cho vào học lớp 1 trước tuổi. Đúng là ở bậc tiểu học, các em này học từ khá đến giỏi. Tuy nhiên khi chuyển từ lớp 9 sang lớp 10, do áp lực thi cử, học hành cũng như kỳ vọng của cha mẹ muốn con vào trường chuyên đã đưa đến tình trạng một số em không vượt qua được, từ cú sốc đầu đời đã dẫn đến bị tâm thần, cuối cùng phải bỏ dở chuyện học.
Việc học sớm đã không nên thì chuyện khảo sát tiếng Anh ở đầu vào lớp 1 lại càng… kỳ cục. Tiếng Việt trẻ còn nói bập bẹ thì tiếng Anh làm sao sõi được. Hai tiếng “khảo sát” nghe có vẻ nhẹ nhàng nhưng thực chất không thua gì một kỳ thi tuyển. Muốn đạt được có lẽ phải cho các em học từ… 4 tuổi!
Trẻ con không phải là cái máy mà người lớn có thể “tăng ga” để vận hành nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn theo ý muốn của mình. Người dân quê tôi thường ví von như thế này: khả năng của con chỉ vác được bao lúa 20kg, vậy mà cứ chất 30 – 40kg trở lên thì chuyện ngã quỵ chỉ là thời gian. Theo tôi, ở tuổi chuẩn bị vào lớp 1 cũng là giai đoạn hình thành nhân cách.
Thay vì học chữ, “khảo sát” tiếng Anh thì sao không tổ chức cho trẻ học cách ứng xử với bạn bè, người xung quanh. Những mẩu chuyện học làm người, giáo dục cho các em lòng nhân ái từ nhỏ, bước đầu xây dựng văn hóa học đường. Những bài học vỡ lòng này sẽ luôn khắc ghi vào trong tâm trí các em đến suốt cuộc đời, giúp các em hình thành kỹ năng sống – điều mà giới trẻ ngày nay đang thiếu.
Lê Quang Huy (GV Trường THCS Trừ Văn Thố,
huyện Cai Lậy, Tiền Giang)