“Back to the Bridge” là cái tít mà tờ Guardian Sport đưa ra trang nhất. Nó nói về cuộc trở về (Back) với sân Stamford Bridge của Mourinho, và chúng ta có thể hiểu theo cách của mình, những người Việt: Quay lại với những nhịp cầu (Bridge).
Chelsea từng là nhịp cầu đưa Mourinho lên đến vị trí đỉnh cao trong làng huấn luyện. Và Chelsea cũng là nhịp cầu từng hai lần định nghĩa cho ông thế nào là sự thất bại, nhất là những thất bại mà nguyên nhân khách quan hay chủ quan cũng khó ai có thể minh định được.
20 tháng 9 năm 2007, tin Mourinho sẽ rời khỏi Chelsea loang ra nhanh như một thứ nấm mốc sau mưa. Robert Beasley, một nhà báo thể thao khá thân với Mourinho hốt hoảng gọi điện thoại cho tất cả những đầu mối của mình để kiểm chứng. Không ai bắt máy cả. Mãi đến khi ông gọi được chủ tịch CLB, Bruce Buck, ông cũng chỉ nhận được câu trả lời “Tôi đang bận”. Beasley cáu kỉnh: “Bận sa thải Mourinho chứ gì” để rồi nhận được cái cúp máy phũ phàng của Buck. Sau đó không lâu, website của Chelsea chính thức đưa tin, CLB và Mourinho đã đạt thỏa thuận chấm dứt hợp đồng.
Hôm 20 tháng 9 ấy, những người không trả lời điện thoại Beasley là bởi họ tắt máy, hoặc tắt chuông. Họ ở trong rạp Fulham Broadway, trong lễ ra mắt bộ phim của Chelsea mang tên “Cuộc cách mạng màu xanh” (Blue Revolution). Cuộc cách mạng đó không còn Mourinho nữa.
Trong buổi họp báo ngày ấy, Mourinho có nói, đại ý ông rất tổn thương, và đây là lần tổn thương lớn nhất trong sự nghiệp của ông. Nhưng ông cũng khẳng định ông không mang theo nỗi oán giận nào cả. “Tôi có khóc không? Có nước mắt không?”, Mourinho đã hỏi những ký giả như vậy. Buồn nhưng không khóc, vì ông coi đó chỉ là chuyện bình thường của nghề nghiệp. Và ông chia sẻ, chỉ với 1 người, là Beasley: “Tôi sẽ quay lại”.
Sau này, Beasley và Mourinho có gặp lại nhau, và Mourinho tiết lộ rằng Abramovich và ông vẫn duy trì mối quan hệ bạn bè, vẫn giữ liên lạc thường xuyên. Ông nói ông cảm thấy nhớ Stamford Bridge, với ông nó như mái nhà và ông mong có ngày trở lại vì ông đã xa nó quá lâu. Nhưng ông cũng nói ông không muốn làm rối thêm tình hình ở CLB, khi tình trạng thay HLV diễn ra quá nhanh và quá đều. “Tôi không muốn mình thành nguyên nhân để người ta đổ lỗi”, Mourinho chia sẻ với Beasley, một chia sẻ mà chẳng lâu sau đó, ông quay lại Stamford Bridge thật, để nói rằng “tôi là người hạnh phúc”.
Hạnh phúc, như chúng ta đều biết, không kéo dài. Mối quan hệ giữa lãnh đạo CLB và Mourinho không còn êm đẹp nữa. Ông muốn tăng cường cầu thủ vào tháng 1, họ thủng thẳng “hãy bán đi rồi hẵng mua” và ông chỉ có thể vớt vát: “Được thôi, nhưng không thể bán những cầu thủ tốt”. Mùa giải đó, Chelsea vô địch và sóng gió chưa nổi lên. Nhưng nó đã nổi lên ngay trong mùa hè, khi Abramovich không coi có sự tồn tại của Mourinho và bán Cech cho Arsenal. Đồng thời, những cái tên Mourinho muốn như Pogba, Griezmann, Goetze, Douglas Costa, John Stones, không ai được lựa chọn thành mục tiêu mua sắm của Chelsea cả. Và Mourinho cũng khám phá ra rằng Abramovich có thể trả lời phỏng vấn bất kỳ ai, trừ Beasley, bạn thân của ông, điều khiến Beasley bị tòa soạn gỡ khỏi vai trò theo sát Chelsea.
Và khi chiến dịch sa thải chuẩn bị xảy ra, Beasley liên lạc ngay với Mourinho. Ông trả lời ngắn gọn “Không email nhé. Nguy hiểm đấy”. Chỉ một câu nói ấy của Mourinho, Beasley hiểu, sẽ có một cuộc chia tay.
Hôm nay, Mourinho cầm Man United đối diện Chelsea và nhiều người dùng từ “trở về” cho ngày đặc biệt ấy. Nhưng khi Mourinho tuyên bố rằng, mối quan hệ giữa ông và Abramovich chỉ đơn thuần ông chủ - người làm thuê chứ không phải bạn bè gì. Giữa họ có sự tôn trọng nhưng không có sự thân thiết, chúng ta hiểu rằng cây cầu trở lại đã gãy. Sẽ không bao giờ có ngày trở về Chelsea nữa, khi ở 2 lần qua cầu là 2 lần kết thúc không êm đẹp. Mà thay vào đó, chỉ có những cuộc ghé thăm, trong màu áo CLB khác, những lần ghé thăm mà Mourinho vẫn sẽ khẳng định rằng “tôi sẽ không ăn mừng nếu chúng tôi ghi bàn”…
Hà Quang Minh