Thông báo này thực sự gây sốc cho hàng ngàn chủ đầu tư, doanh nghiệp, hộ gia đình đã, đang và sắp đầu tư vào ĐMTMN; làm nản lòng nhà đầu tư, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp đã trót rót tiền vào ĐMTMN khi điện làm ra không bán được cho EVN.
Bên cạnh mục tiêu đầu tư vào ĐMTMN để chủ động nguồn điện, giảm bớt một phần chi phí tiền điện, nhiều chủ trang trại, doanh nghiệp đầu tư vào ĐMTMN là để kinh doanh, kỳ vọng mang lại lợi nhuận nhờ bán phần điện dôi dư cho EVN. Ngay sau khi có chủ trương, điện mặt trời nói chung và ĐMTMN nói riêng phát triển nhanh. Theo tính toán, ở quy mô hộ gia đình, suất đầu tư cho ĐMTMN trung bình khoảng 90-150 triệu đồng cho công trình 3-5KWp; còn với các chủ trang trại, doanh nghiệp lớn, mức đầu tư lên tới hàng tỷ, hàng chục tỷ đồng.
Theo EVN, dự kiến đến hết năm 2020, tổng công suất điện mặt trời ở Việt Nam là 9.000MW (chiếm khoảng 15% công suất toàn hệ thống điện Việt Nam), trong đó ĐMTMN với công suất hiện là 4.700MWp chiếm khoảng 52%. Điện mặt trời nói chung, ĐMTMN nói riêng không chỉ tạo nguồn năng lượng sạch mà còn góp phần đảm bảo cung cấp đủ điện cho hệ thống điện quốc gia, giảm nguy cơ quá tải. Vì lẽ này, Chính phủ đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 cần có 100.000 hệ thống ĐMTMN. Đến thời điểm này, cả nước có 83.000 công trình ĐMTMN được đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Tổng sản lượng phát điện lên lưới từ ĐMTMN lũy kế đến nay đạt hơn 1,13 tỷ kWh.
Con số 83.000 công trình có được đến thời điểm này là lớn nhưng so với mục tiêu đề ra đến năm 2025 vẫn chưa hoàn thành. Do đó, Nhà nước cần tiếp tục có chính sách thu hút và hỗ trợ người dân, chủ đầu tư yên tâm khi đầu tư vào ĐMTMN. Không thể lúc thiếu điện thì vận động, kêu gọi tham gia đầu tư nhưng khi đạt mục đích thì đột ngột cắt hợp đồng, dừng tiếp nhận mới. Bởi cách làm như vậy giống như “đem con bỏ chợ”, gây thiệt hại và khó khăn cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư; đồng thời phát đi tín hiệu không tốt về sự thiếu thống nhất trong chủ trương, chính sách về phát triển ĐMTMN.
Trước thông báo đột ngột dừng tiếp nhận ĐMTMN sát thời điểm quyết định cũ hết hiệu lực, dư luận quan ngại việc này sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp, nhà đầu tư “chạy chọt”, lo lót chính sách để dự án của mình được vào danh mục công trình hoặc hạng mục đã hoàn thành trước ngày 1-1-2021. Mặc dù Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẳng định sẽ báo cáo Bộ Công thương xem xét, trình Thủ tướng ngay trong quý 1-2021 về chính sách khuyến khích ĐMTMN nhưng chỉ cần chậm trễ, dù một tuần, là doanh nghiệp bị thiệt hại rất nhiều do điện không được lên lưới, không được ghi nhận. Vì vậy, Bộ Công thương cần khẩn trương xây dựng chính sách mới về ĐMTMN trình Thủ tướng xem xét ban hành sớm; đồng thời sớm có giải pháp xóa bỏ hàng loạt bất cập lâu nay giữa điện mặt trời lắp trên mặt đất và ĐMTMN, xác định rõ giá mua - bán của từng loại hình, minh bạch và nỗ lực hơn trong giải tỏa công suất cho các dự án điện mặt trời để doanh nghiệp và người dân yên tâm đầu tư.