Không thể ra khỏi nhà mà không có smartphone

Không thể ra khỏi nhà mà không có smartphone

Việc chúng ta phụ thuộc smartphone hay một thiết bị công nghệ nào đó (laptop, iPad…) dường như đang tiếp tục tăng. Có phải điều quan trọng là cần biết những giới hạn và điều chỉnh trước khi chúng ảnh hưởng quá mức làm chúng ta không biết cuộc sống sẽ như thế nào nếu thiếu nó? Không ít người cho rằng công nghệ, các thiết bị kéo theo và internet sinh ra để phục vụ con người, chẳng có lý do gì phải ghi nhớ hàng ngàn thông tin khi đã có chúng là công cụ hỗ trợ đắc lực. Tuy nhiên, có một thực tế rằng một bộ phận lớn trong chúng ta đang dần trở thành nô lệ của công nghệ, dù chúng ta có phủ nhận đi chăng nữa.

SGGP thứ bảy đã thực hiện một khảo sát nhỏ về những vấn đề liên quan xu hướng sống phụ thuộc thiết bị công nghệ. Khảo sát thực hiện trên 100 người (49 nam, 51 nữ) tuổi 18-65 sống tại TPHCM.

Kết quả cho thấy hầu như mọi người đều đã sử dụng smartphone và thiết bị công nghệ khác thay thế các loại điện thoại lỗi thời. Trong 100 người, có 25 người dùng smartphone với mục đích chính để liên lạc (nghe, gọi điện thoại), 15 người dùng để giải trí (xem phim, chơi game, nghe nhạc, đọc báo…), 24 người sử dụng phục vụ công việc (check mail, đánh văn bản, tìm kiếm thông tin…) và nhiều nhất là 36 người chủ yếu dùng vào mạng xã hội (Facebook, Twitter, Zalo, Skype…). Trong đó, có 64 người vài phút lại lướt điện thoại một lần đến mức không thể ngừng nhìn vào màn hình smartphone. Về tần suất lướt điện thoại, có 36 người lướt 5-10 phút/lần, 16 người 10-30 phút/lần, 8 người 30-60 phút/lần, 19 người 1-5 tiếng/lần, 2 người trên 5 tiếng/lần, 15 người sử dụng khi có việc cần, và 4 người chọn phương án khác.

Khi smartphone, máy tính bảng hết pin, có đến 52 người có tâm trạng lo lắng, 18 người hơi lo lắng, 5 người bị stress nặng phải tìm mọi cách để sạc pin và chỉ có 25 người cảm thấy bình thường, không vấn đề gì. Theo đó, 65 người có sử dụng pin sạc dự phòng, 34 người thấy không cần thiết phải sử dụng loại pin này, 71 người cho rằng mình bị phụ thuộc smartphone, 28 người cho rằng đó là công cụ mang lại tự do. Đặc biệt, 73 người không thể ra khỏi nhà mà không có smartphone trong tay, họ thấy rất bứt rứt, khó chịu khi lỡ để quên nó ở nhà hay ở đâu đó.

Việc “lạm dụng” smartphone ảnh hưởng rất nhiều đến chúng ta. Kết quả khảo sát cho thấy hầu như mọi người đều nhận biết rõ tác hại của việc lạm dụng đó. Chỉ có 5 người cho rằng smartphone không ảnh hưởng gì cả vì nó là công cụ hỗ trợ, còn lại 42 người cho rằng rất mất thời gian; 26 người đánh giá là smartphone khiến tư duy chậm chạp, tạo tâm lý ỷ lại; 25 người nghĩ rằng smartphone khiến chúng ta lười suy nghĩ, lười ghi nhớ; 93 người cho rằng các thiết bị công nghệ chi phối nhiều mối quan hệ công việc, bạn bè kể cả gia đình, 7 người cho biết không vấn đề gì.

Theo thống kê mới nhất của Facebook, tại Việt Nam hiện có khoảng 30 triệu người dùng mạng xã hội này (trong đó 27 triệu người dùng trên thiết bị di động). Tính riêng mỗi ngày có đến 20 triệu người dùng (17 triệu người dùng trên thiết bị di động) thường xuyên truy cập Facebook. Khảo sát của chúng tôi ghi nhận có trên 68% số người sử dụng Facebook từ 2,5 tiếng/ngày trở lên.

Sự lượng hóa trên một mẫu khảo sát tuy không lớn nhưng cũng đủ cho chúng ta thấy rằng có quá nhiều người dành rất nhiều thời gian vào smartphone và các thiết bị công nghệ khác. Chưa thể khẳng định sự phụ thuộc đó có thể làm giảm khả năng tư duy, phân tích... Tuy nhiên, ngoài những ưu điểm, tiện ích smartphone mang lại thì thực tế đã cho thấy rằng smartphone điều khiển chúng ta một cách vô hình, dù chúng ta biết những tác hại của chúng vẫn không dứt ra được. Và không ít trường hợp phải đi “cai nghiện”. Điều này có lẽ mỗi người trong chúng ta đều hiểu rõ.

VÕ THẮM


Không thể ra khỏi nhà mà không có smartphone ảnh 2

TRƯƠNG THỊ THÙY TRANG (phiên dịch viên Công ty TNHH Phần mềm FPT, Khu công nghệ cao TPHCM): Hãy để smartphone là thiết bị cung cấp dịch vụ cho con người

Tôi đã thử làm một phép so sánh mặt lợi và hại đến từ smartphone, đơn giản từ chính tôi. Hằng ngày, ngoài việc thao tác trực tiếp trên máy tính để phục vụ công việc, những lúc họp hành, những lúc ra khỏi phòng mà không mang laptop theo thì sử dụng smartphone để kiểm tra email, tin nhắn, giao dịch từ khách hàng, đồng nghiệp nếu không sẽ ảnh hưởng chất lượng công việc. Tuy nhiên, không phải ai cũng sử dụng smartphone cho công việc. Rõ ràng chúng ta quá lệ thuộc vào nó, công việc sẽ bị chi phối khi làm việc mà lại chơi game trên điện thoại, bạn bè gọi nhau, hay đơn giản chỉ là “nghiện”, sợ mình bỏ lỡ một cuộc vui, một dòng status của ai đó. Mối quan hệ bạn bè có thể xấu đi khi một ai đó suốt ngày khoe mẽ, kênh kiệu mà không quan tâm suy nghĩ của bạn bè. Đồng nghiệp, cấp trên sẽ giảm sự tin tưởng và kỳ vọng khi một nhân viên, đồng nghiệp vừa làm việc vừa chơi game, lướt Facebook. Đi xa hơn, việc lạm dụng thiết bị công nghệ làm sức khỏe chúng ta giảm sút.

Suy cho cùng, cái gì cũng có mặt lợi và hại của nó, nhưng nếu chúng ta là người dùng thông minh, biết cách “thu phục” thiết bị công nghệ thì khi không có nó 1, 2 ngày chúng ta vẫn dễ dàng nắm bắt cuộc sống và kiểm soát tốt nó! Hãy để thiết bị công nghệ phục vụ chúng ta như ý nghĩa ban đầu là thiết bị cung cấp dịch vụ cho con người.

LÊ QUANG LÂM (học viên Cao học Thể dục Thể thao khóa 18, Trường ĐH Thể dục Thể thao 2 TPHCM): Smartphone, mạnh ai nấy chơi, hồn ai nấy giữ

Không thể ra khỏi nhà mà không có smartphone ảnh 3

Có lần tôi vào quán ăn nhanh tại quận Bình Thạnh để gặp giáo viên của tôi hàn huyên tâm sự và trao đổi công việc. Trong lúc chờ đợi, nhìn quanh tôi thấy rất nhiều cặp trai xinh gái đẹp dắt nhau vào quán ăn vui vẻ. Sau khi họ gọi món, tôi thấy họ rút trong túi và cặp ra những chiếc điện thoại và máy tính bảng. Và rồi cuộc nói chuyện của họ ngoài đời chấm dứt. Toàn bộ cuộc nói chuyện về sau là với những chiếc smartphone.

Rồi tôi thấy một gia đình nhỏ, rất sang trọng và hạnh phúc, cũng vào bàn ngồi ăn. Và cuộc nói chuyện ngoài đời cũng chấm dứt. Mẹ Facebook, con chơi game, cha điện thoại. Tôi thấy cuộc sống ngày càng khoa học. Với công nghệ họ đã thể hiện được sự tự do của chính họ với những thiết bị đó.

Ngay cả bạn gái tôi cũng thế, chỉ không quá 5 phút ngồi trên xe với tôi, cô ấy cũng lôi smartphone ra để kiểm tra Facebook, và hầu như câu chuyện của chúng tôi kết thúc trên đó.

Trò chuyện với giáo viên về cuộc sống và công việc sẽ làm trong thời gian sắp tới, tôi thấy cô tôi cười, cau mặt, có khi còn nói chuyện đầy phấn khích vì câu chuyện rất lôi cuốn. Tôi thấy thích thú khi cô kể những câu chuyện chân thật và đặt hết tình cảm vào đó. Trên Facebook cũng có những biểu tượng cảm xúc đó, nhiều khi tôi sử dụng nhưng khuôn mặt tôi chẳng có biểu hiện gì. Tôi thấy lạ.

Khi du lịch cùng nhóm bạn, những tưởng chúng tôi sẽ được chơi thể thao với nhau và có những bữa cơm vui vẻ. Thay vào đó là những chuyến đi chụp hình để đăng “status”, “check in”. Mạnh ai nấy chơi, hồn ai nấy giữ. Tôi không phản đối việc chơi Facebook, Zalo... nhưng tôi thiết nghĩ chơi với nhau ngoài đời nhiều hơn, đối thoại với nhau nhiều sẽ tốt hơn trên mạng ảo. Hay biến mình thành người ảo và chơi với nhau cũng ảo mới là hiện đại?

BÙI NGỌC DUYÊN (Q.Tân Bình, TPHCM): Đừng làm tù nhân của công nghệ!

Nhu cầu sử dụng các thiết bị hiện đại như iPad, iPhone là nhu cầu chính đáng của mọi người nhằm phục vụ công việc cũng như các hoạt động khác. Chúng ta có thể tiếp cận thông tin nhanh hơn, giải quyết công việc hiệu quả hơn nhưng đồng thời nó làm con người bận rộn hơn và nhịp sống nhanh hơn. Chúng ta chứng kiến cảnh nhiều người ngồi trong quán cà phê dán mắt vào iPad, iPhone. Nhiều đôi bạn trẻ hẹn hò nhau rồi mỗi người mỗi điện thoại, cuối tuần thư giãn ở những quán cà phê wi-fi ngày càng phổ biến. Không chỉ người lớn mà cả trẻ em, nhiều đứa trẻ chỉ biết đến những nhân vật hoạt hình, game, không còn cơ hội chơi những trò chơi truyền thống nữa. Cả một thế hệ trẻ sáng Facebook, chiều Facebook, tối trước khi ngủ cũng Facebook, sống trong một thế giới mà email, tin nhắn... vây bủa và tự cho mình sống phụ thuộc nó một cách vô tư. Sống mà không cần quan tâm những tương tác bằng ánh mắt và lời nói, mọi thứ chỉ cần click qua bàn tay xinh. Sống kiểu tận hưởng mọi thứ qua màn hình phẳng, mà quên cảm thụ những vẻ đẹp tự nhiên xung quanh. Hưởng thụ là cho phép sau giờ làm việc về nhà tiếp tục ôm laptop xem phim…

Bạn nghĩ sao nếu cả một thế hệ lớn lên trong công nghệ, không quan tâm những giao tiếp giữa người với người mà chỉ có sự kết hợp giữa máy móc và con người. Với mình, đó có lẽ là thế hệ nhàm chán nhất từ trước đến nay, vì họ quên rằng sự tương tác giữa người với người tạo nên nhiều điều thú vị hơn gấp nhiều lần. Chính con người mới khiến con người khóc, khiến con người cười, khiến con người có nhiều cảm xúc, khiến con người hiểu được những giá trị cần đạt được trong đời... những điều máy móc chỉ có thể chuyển tải qua hình ảnh. Vì thế, đừng lạm dụng công nghệ và bị nó khống chế như một tù nhân, phải biết đặt ra những giới hạn với sự hấp dẫn của mạng xã hội, đọc sách in nhiều hơn, gặp gỡ nhiều con người thú vị, quan tâm hơn đến người thân, bạn bè, đồng nghiệp thông qua đối thoại trưc tiếp… Chính những điều này sẽ khiến bạn hiểu những người xung quanh bạn hơn, phát triển hơn khả năng giao tiếp và có một cuộc sống phong phú, ý nghĩa. Cuộc đời ngắn lắm, chớ để đôi mắt mình chỉ biết nhìn một mảng kiếng, nhìn xung quanh và cảm nhận đời sống thực nhiều hơn.

Tin cùng chuyên mục