Khủng hoảng chính trị ở Ukraine chưa đến hồi kết

Khủng hoảng chính trị ở Ukraine chưa đến hồi kết

“Nếu bạn đang ở thủ đô Kiev mà không tắt tivi, cứ theo dõi bản tin thời sự, thì sẽ có cảm giác rằng giới cầm quyền nước này đang đả kích nhau một cách thẳng thừng, các quan chức thì mỗi người nói một phách: Bộ trưởng Quốc phòng thề trung thành với Tổng thống, một phút sau Bộ trưởng Tư pháp nguyền rủa Tổng thống.

Chủ tịch Ủy ban bầu cử hứa thực hiện lệnh của Tổng thống về bầu cử trước thời hạn, lát sau Bộ trưởng Tài chính nói là sẽ không cấp kinh phí cho việc đó. Còn người đứng đầu Tòa án Hiến pháp thay vì cần trả lời ai sai trong tình hình rối ren này, thì lại xin từ chức. Bên cạnh đó, cứ dăm phút, lại có một vị tướng nói bằng giọng run run, rằng “quân đội vẫn đang kiểm soát tình hình”.

Khủng hoảng chính trị ở Ukraine chưa đến hồi kết ảnh 1

Người Ukraine biểu tình chống Tổng thống ở thủ đô Kiev.

Tổng thống V.Yushchenko hay Thủ tướng V.Yanukovych, ai sẽ thắng trong cuộc tranh giành quyền lực lần này? Tất cả đang chờ quyết định của Tòa án Hiến pháp về vấn đề quyết định giải tán Quốc hội của Tổng thống V.Yushchenko có hợp hiến hay không.

Các cuộc tranh cãi đang xoay quanh Tòa án Hiến pháp. Tòa án này trở thành một thứ con tin chính trị. Nếu tòa thừa nhận việc Tổng thống giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử trước thời hạn là hợp hiến, thì các khu vực miền Đông sẽ buộc tội Tòa dung túng cho Tổng thống. Còn nếu Tòa ủng hộ Thủ tướng V.Yanukovych, thì “phái da cam” sẽ la lên rằng các quan tòa đã bị mua chuộc. Sớm nhất là chừng 5 ngày nữa, Tòa án Hiến pháp sẽ đưa ra phán quyết.

Thủ tướng V.Yanukovych ngày 4-4 bất ngờ tuyên bố rằng Chánh án Ivan Dombrovsky “là một người đứng đắn, được chúng tôi tin cậy”, dường như dưới sức ép của phe đối lập đã xin từ chức. Ông chánh án quả đang “ở giữa hai làn đạn”, nên tính chuyện từ chức là phải, song tối ngày 4 có tin tòa không chấp nhận đơn từ chức của ông.

Các chuyên gia khẳng định: Đa số trong 18 vị thẩm phán Tòa án Hiến pháp ủng hộ Thủ tướng V.Yanukovych. Nếu không, những người ủng hộ Thủ tướng đã chẳng dám kiện ra tòa, vì còn cách khác chứng minh lẽ phải của mình, như biểu tình chẳng hạn. Các cuộc biểu tình vẫn đang tiếp diễn trên đường phố Kiev và một số thành phố khác, song không quy mô lớn như người ta tưởng.

Và có một điều trái khoáy là nhiều người ủng hộ Tổng thống lại rất bất bình về việc Tổng thống quyết định tổ chức bầu cử vào ngày 27-5, đúng vào cao điểm của vụ thu hoạch khoai tây. Phe đối lập của bà Yulia Timoshenko không trông đợi nhiều vào kiểu cách mạng đường phố nữa. Bà này kêu gọi những người ủng hộ mình đừng biểu tình.

V.Yanukovych bề ngoài tỏ vẻ bình thản. Ông kêu gọi Tổng thống nhượng bộ, một là bãi bỏ lệnh giải tán Quốc hội; hai, nếu không bãi bỏ, và Tòa án Hiến pháp đứng về phía Tổng thống, thì Thủ tướng “sẵn sàng thực hiện quyết định của Tòa, như từng làm thế năm 2004 khi tiến hành bầu Tổng thống”.

Nhưng tốt nhất, V.Yanukovych nói, hãy đồng thời bãi bỏ tất cả, cả các lệnh của Tổng thống lẫn nghị quyết của Quốc hội; cùng nhau đi đến “một giải pháp chính trị tích cực” chuyển các nghị viên từ các phe phái đối lập thành một liên minh (nghĩa là hứa ngừng lôi kéo những người ủng hộ Tổng thống để tạo nên đa số có thể sửa đổi hiến pháp).

Tổng thống V.Yushchenko đã không còn thực quyền từ tháng 1-2007, khi chiến hữu của ông là bà Timoshenko ngả sang phe Thủ tướng V.Yanukovych. Tương lai của bà Timoshenko như thế nào? Bà Timoshenko là một hiện tượng lạ lùng, từng ngồi tù vì biển thủ cả triệu đô la. Song có đến một nửa dân chúng Ukraine sẵn sàng bỏ phiếu cho bà ta. Timoshenko khôn khéo lợi dụng tư tưởng “hướng sang châu Âu” (chứ không hướng sang nước Nga như bao lâu nay) như một đường lối mới cho đất nước. Bà tạo dựng cho mình hình ảnh một phụ nữ sôi động, hăng hái.

V.Chernomyrdin, cựu Thủ tướng Nga, hiện làm đại sứ Nga tại Ukraine, cho biết thái độ của nước Nga là “người Ukraine phải tự thu xếp ổn thỏa với nhau. Nhưng nước Nga hơn ai hết mong sao láng giềng của mình vượt qua khủng hoảng”. Tổng thống V.Yushchenko trong buổi trả lời phỏng vấn đầu tiên sau khi ra lệnh giải tán Quốc hội, nói rằng tình hình Ukraine gần giống sự kiện năm 1993 ở Moskva. Nhưng khác với Boris Yeltsin là người ra lệnh bắn phá Tòa nhà Quốc hội, Tổng thống Ukraine hứa sẽ không sử dụng vũ lực.

LÊ THIẾU HUYỀN
(Tổng hợp báo chí Nga)

- Ngày 2-4, 53 nghị sĩ thuộc Liên minh của Thủ tướng V.Yanukovych gửi đơn đến Tòa án Hiến pháp đề nghị kiểm tra tính hợp hiến của lệnh Tổng thống giải tán Quốc hội;

- Ngày 4-4 Tổng thống V.Yushchenko cũng đề nghị Tòa án Hiến pháp kiểm tra xem Nghị định của Chính phủ từ chối tuân lệnh Tổng thống giải tán Quốc hội có phù hợp hiến pháp hay không. Không chờ quyết định của Tòa án Hiến pháp, Tổng thống ra sắc lệnh bãi bỏ Nghị định của Chính phủ;

- Thế là với 257 phiếu thuận, Quốc hội tuyên bố rằng đất nước đã xảy ra đảo chính, rằng Tổng thống “đã vượt qua hiến pháp và đặt mình ra ngoài ra pháp luật”; Trong khi đó, Tòa án Hiến pháp chưa thể làm việc, vì Chánh án Ivan Dombrovsky xin từ chức vì chịu nhiều sức ép, theo lời Thủ tướng V.Yanukovych.

- Ngày 5-4, Tổng thống V.Yushchenko có cuộc họp bất thường với Hội đồng phòng thủ quốc gia.

Tin cùng chuyên mục