Kích cầu tiêu dùng “hậu Covid-19”: Ưu tiên khai thác, khơi thông sức mua nội địa

Tác động nặng nề của dịch Covid-19 đã kéo giảm doanh thu bán lẻ hàng hóa của TPHCM xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Để tạo sức bật cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh xuất khẩu sang nhiều quốc gia bị đình trệ, một trong những giải pháp quan trọng là ưu tiên phát triển nội địa, tiếp tục phát động đợt cao điểm đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo mối liên kết giữa các doanh nghiệp (DN), các địa phương hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. 

Doanh thu tháng 4-2020 sụt giảm mạnh

Theo báo cáo của Cục Thống kê TPHCM, trong tháng 4-2020, TP thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ về cách ly toàn xã hội nhằm phòng chống dịch Covid-19, doanh thu hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn sụt giảm mạnh. Các hoạt động xã hội gần như bị gián đoạn, mọi người dân hạn chế đi lại, chỉ di chuyển ra ngoài trong những trường hợp thật sự cần thiết. Cơ cấu tiêu dùng của người dân thay đổi, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm. Điều này khiến hầu hết nhà bán lẻ, kinh doanh những mặt hàng không thiết yếu trong tháng qua gần như không có doanh thu (như nhóm hàng thời trang, đồ lưu niệm...).

Kích cầu tiêu dùng “hậu Covid-19”: Ưu tiên khai thác, khơi thông sức mua nội địa ảnh 1 Mua rau tại siêu thị Big C trên đường Tô Hiến Thành, quận 10, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Cũng theo Cục Thống kê, dù trong tháng có các ngày nghỉ lễ, nhưng doanh thu từ thương mại và dịch vụ của TP vẫn không có sự thay đổi đáng kể như các năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4 chỉ đạt 68.457 tỷ đồng, giảm 22,8% so với tháng trước và giảm 34,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là ngành du lịch lữ hành, không phát sinh doanh thu trong tháng. Các ngành khác cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch bệnh. 

Nếu như tháng 3-2020, doanh thu từ hoạt động bán lẻ vẫn duy trì tăng trưởng ổn định thì sang tháng 4 đã giảm mạnh, chỉ đạt 56.039 tỷ đồng, giảm 7,3% so với tháng trước và giảm 4,8% so với cùng kỳ. Hầu như các trung tâm thương mại có lượng khách đến mua sắm rất ít. Lưu lượng khách đến mua sắm bắt đầu giảm từ tháng 2 và đến cuối tháng 3 đã giảm xấp xỉ 80% tại các điểm bán. Bước sang tháng 4, hoạt động tại các trung tâm thương mại gần như bị đóng băng.

Không chỉ các ngành hàng không thiết yếu bị ảnh hưởng, theo số liệu của Cục Thống kê TPHCM, dịch vụ lưu trú và ăn uống của TP trong tháng 4 đã giảm 47,7% so với tháng trước và giảm 85,8% so với cùng kỳ năm 2019, chỉ đạt đạt 1.306 tỷ đồng. Trong đó, ngành ăn uống giảm 46,7% so với tháng trước và giảm 85,5% so với cùng kỳ. Ngoài ra, doanh thu lưu trú trong tháng 4 giảm 57% so với tháng trước và giảm 88,2% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay lượng khách chủ yếu là khách thuê theo giờ, hoặc những trường hợp lưu trú nhằm chữa bệnh, khách quốc tế đến và chưa thể về nước. Dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 11.112 tỷ đồng, giảm lần lượt là 56,4% so với tháng trước và giảm 66,7% so với cùng kỳ. 

Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của TPHCM đạt khoảng 387.568 tỷ đồng, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước.

Chủ động nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng 

Bên cạnh việc sụt giảm doanh thu, điểm sáng của thị trường bán lẻ tại TPHCM trong thời gian gần đây là sự phát triển của các hoạt động giao dịch thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt. Các trung tâm thương mại, siêu thị, dịch vụ ăn uống triển khai hàng loạt các chương trình khuyến mãi, kích cầu mua bán qua các kênh như điện thoại, đặt hàng qua website, ứng dụng, đồng thời hỗ trợ các chính sách giao hàng. Sự thay đổi kịp thời về phương thức bán hàng góp phần giúp các đơn vị kinh doanh cải thiện được doanh thu trong tình hình thị trường ảm đạm do bị ảnh hưởng dịch bệnh. 

Theo số liệu từ các công ty nghiên cứu thị trường, những tên tuổi lớn ở lĩnh vực thương mại điện tử như Tiki phát triển với tốc độ nhanh và đạt kỷ lục 4.000 đơn hàng/phút; SpeedL và Saigon Co.op có sự gia tăng theo cấp số nhân trong kênh bán hàng trực tuyến.

Theo thống kê gần đây nhất của Saigon Co.op, dịch vụ đặt hàng qua điện thoại, online đã góp phần giúp doanh số bán hàng của hệ thống siêu thị dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tăng hơn 30% so với thời điểm trước khi thực hiện cách ly toàn xã hội. Tương tự, chuỗi bán lẻ Big C cũng tăng cường bán hàng qua điện thoại, đi chợ giúp khách hàng... cũng mang lại sự tăng trưởng cao.

Tuy vậy, việc gia tăng doanh số bán hàng online không đồng nghĩa với việc thúc đẩy sức mua thị trường một cách toàn diện mà chỉ tập trung vào một số nhóm hàng tiêu dùng cơ bản. Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, cho biết, để kích cầu tiêu dùng, tạo đà cho hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển, Saigon Co.op đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp. Trước mắt, Saigon Co.op sẽ thực hiện các chương trình khuyến mãi để giảm giá bán nhiều mặt hàng dành cho đối tượng là các em thiếu nhi. Tiến tới sẽ bàn bạc với các nhà cung cấp giảm giá bán đối với các mặt hàng thiết yếu, hàng phi thực phẩm để giúp các DN giải phóng nhanh lượng hàng tồn, thu hồi vốn để tái đầu tư, cơ cấu lại sản xuất. 

Trong mảng bán hàng online, Saigon Co.op sẽ thiết kế thêm nhiều ứng dụng mới, tạo nhiều sự tiện lợi cho khách hàng. Đây cũng là cách giúp nhà bán lẻ gia tăng doanh thu nhưng vẫn đảm bảo tiêu chí kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. 

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TPHCM, mong muốn TP cần nghiên cứu hỗ trợ DN phát triển thị trường nội địa, đặc biệt là đối với các sản phẩm trong ngành luơng thực, thực phẩm vì đây là nhóm hàng hóa chủ yếu sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước. Hơn lúc nào hết, các DN cần vững vàng, khai thác và phát triển tốt thị trường nội địa, xem đây là giải pháp hỗ trợ DN và là gói kích cầu kinh tế lớn nhất, có hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện nay.

Việc triển khai nhanh các dự án đầu tư công, có thêm tiêu chí ưu tiên cho DN trong nước tham gia đấu thầu, xét chọn nhà thầu đối với các dự án đầu tư công. Các gói “mua sắm Chính phủ” quan tâm nhiều hơn việc sử dụng sản phẩm trong nước; công khai thông tin, tạo cơ hội cho DN trong nước hoàn thiện chất lượng sản phẩm để phục vụ.

Đối với DN tham gia các lĩnh vực sản phẩm mới, đặc biệt là sản phẩm phục vụ phòng chống dịch, các cấp các ngành tập trung giải quyết nhanh các thủ tục xác nhận điều kiện hợp quy sản phẩm, giải quyết nhanh thủ tục để xuất khẩu sang các nước có nhu cầu (khẩu trang, bảo hộ y tế, máy thở…). Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tạo ra ý thức hệ và nề nếp của người dân tự nguyện ủng hộ hàng Việt Nam.

Tổ chức nhiều chương trình kết nối cung - cầu, kết nối doanh nghiệp, kết nối sản xuất với các kênh tiêu thụ truyền thống, hiện đại. Cho phép các hiệp hội DN cũng được tổ chức chương trình riêng (TP hỗ trợ kinh phí) để chia sẻ sự quá tải của các sở ngành và tăng thêm hiệu quả xúc tiến thương mại của TP. Hỗ trợ DN hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng, liên kết nội địa chuyển đổi nguồn cung cấp nguyên liệu; hỗ trợ các DN đầu tư tăng mạnh quy mô các nhà máy chế biến nông sản thay cho xuất khẩu thô nông sản; hỗ trợ mạnh cho các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước…

          Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM

Tin cùng chuyên mục