Kiểm soát hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử

Hiện nay, quần áo, giày dép, mỹ phẩm; đồ dùng gia đình; đồ công nghệ và điện tử; sách, hoa, quà tặng và thực phẩm… là những loại hàng hóa dịch vụ được người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều nhất. Các đối tượng kinh doanh hàng giả, kém chất lượng cũng lợi dụng điều này để buôn bán trên môi trường mạng nhằm trục lợi.

Theo lực lượng quản lý thị trường, dù cơ quan này thường xuyên mở các đợt truy quét hàng giả, song việc quản lý hàng giả, hàng kém chất lượng trên môi trường mạng rất khó bởi nhiều đối tượng không có kho hàng/cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online; phân tán hàng hóa nhiều nơi; giao hàng với số lượng nhỏ lẻ, khó xác định được kho hàng.

Không những thế, đối tượng chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian; website đăng nhiều sản phẩm nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng rồi đặt đơn vị khác làm trung gian kiếm lời… Đặc biệt, việc lập website và các trang mạng xã hội khá dễ dàng cũng khiến lực lượng chức năng khó kiểm soát.

Nhằm lành mạnh hóa môi trường thương mại điện tử (TMĐT), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) sẽ tập trung tuyên truyền và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của các sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội trong việc sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm.

Cùng đó, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tăng cường quản lý hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài và hoạt động TMĐT trên mạng xã hội; tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách để có sự điều chỉnh phù hợp thực tế nhằm quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh trên môi trường TMĐT. Đặc biệt, năm 2023, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ hoàn thiện và trình phê duyệt Đề án Chuyển đổi số ngành công thương, phát triển Chính phủ điện tử của Bộ Công thương; tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trong TMĐT

Tin cùng chuyên mục