Hàng hóa có truy xuất nguồn gốc được tín nhiệm

Trước loạt thông tin về hàng kém chất lượng liên tục bị cơ quan chức năng phát hiện, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, nhiều người tiêu dùng (NTD) lựa chọn những điểm bán hàng có uy tín, truy xuất được nguồn gốc hàng hóa rõ ràng

Hàng hóa trong hệ thống siêu thị Saigon Co.op được kiểm soát chặt ngay từ đầu vào
Hàng hóa trong hệ thống siêu thị Saigon Co.op được kiểm soát chặt ngay từ đầu vào

Hàng kém chất lượng bủa vây

Gần đây, các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn liên tục được cơ quan chức năng phát hiện ở nhiều địa phương trên cả nước. Điển hình như vụ việc Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thái Nguyên phát hiện 1 hộ kinh doanh hàng chục ngàn sản phẩm chân gà, cánh gà, xúc xích… không rõ xuất xứ vào ngày 27-4. Hay tại Hà Nội, đêm 28-4, lực lượng chức năng phát hiện gần 11 tấn sản phẩm là thịt bò, lòng bò, gân bò, bì bò, họng bò, lá xách bò đông lạnh..., trong đó phần lớn có dấu hiệu bị hư hỏng, bốc mùi. Mới đây, ngày 29-4, Chi cục QLTT tỉnh Hải Dương phát hiện và thu giữ 3.700 sản phẩm là thực phẩm chế biến sẵn như bít tết BBQ, bò ướt, cá cay… không rõ xuất xứ.

Trước việc cơ quan chức năng liên tục phát hiện thực phẩm mất an toàn, không ít NTD có tâm lý bất an, bởi không chỉ bày bán ở các cửa hàng, mạng xã hội, nhiều sản phẩm giả, kém chất lượng còn bán trong các bệnh viện, trường học. Trong bối cảnh đó, NTD ngày càng thận trọng hơn trong lựa chọn thực phẩm hàng ngày, đặc biệt là thực phẩm cho trẻ em. Nhiều gia đình “chọn mặt gửi vàng” vào các hệ thống siêu thị lớn - nơi hàng hóa được kiểm soát chặt từ đầu vào. Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, đánh giá, thương mại điện tử đang phát triển bùng nổ, kéo theo sự thuận tiện trong mua sắm nhưng nền tảng pháp lý liên quan cho hoạt động này lại đang có nhiều kẽ hở. Vì vậy, một số thành phần lợi dụng để tuyên truyền, bán hàng kém chất lượng, không đúng như quảng cáo. Tuy nhiên, các trường hợp vi phạm chỉ là cá nhân đơn lẻ, liên quan đến mạng xã hội; còn các nhà bán lẻ lớn đầu mối đều có hệ thống kiểm soát chặt chẽ, dưới sự giám sát của cơ quan chức năng.

Theo ông Trần Giang Khuê, Trưởng văn phòng đại diện phía Nam, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN), hiện nay hàng giả, hàng nhái, sản phẩm kém chất lượng không chỉ là vấn đề ở thị trường Việt Nam, mà còn là bài toán của toàn cầu. Một sản phẩm lỗi hoặc gian lận nguồn gốc có thể khiến cả thị trường bị ảnh hưởng. Vì vậy, ông cho rằng, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng giải pháp công nghệ để tăng cường truy xuất nguồn gốc. Đây là biện pháp thiết thực giúp đảm bảo minh bạch, nâng cao giá trị hàng hóa và tạo niềm tin cho NTD.

Kiểm soát chặt bằng truy xuất

Trên thực tế, tại Việt Nam, một số doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai truy xuất nguồn gốc theo hướng số hóa nhưng còn nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết vùng, liên kết ngành. Để giải bài toán này, thể hiện cam kết mang đến những sản phẩm chất lượng đến NTD, năm 2024, nhà bán lẻ Saigon Co.op - đơn vị sở hữu hơn 800 điểm bán lẻ trải dài trên khắp cả nước - đã thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm gắn với mã số vùng trồng. Theo Saigon Co.op, việc này không chỉ giúp đảm bảo sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và an toàn thực phẩm, mà còn giúp nhà sản xuất ổn định đầu ra.

Trước thời điểm công bố quy hoạch vùng nguyên liệu, hàng hóa được bán trong hệ thống của nhà bán lẻ này đã được kiểm soát rất chặt chẽ. Theo đó, quy trình kiểm soát hàng hóa trải qua 3 tầng giám sát. Tầng đầu tiên là kiểm định tại nguồn - nơi sản phẩm được yêu cầu cung cấp đầy đủ chứng từ kiểm nghiệm, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Tầng thứ hai là kiểm tra đầu vào tại kho siêu thị. Tầng thứ ba là giám sát ngẫu nhiên trực tiếp tại điểm bán. Ngoài ra, Saigon Co.op còn thực hiện kiểm định ngẫu nhiên sản phẩm tại các điểm bán thông qua các trung tâm kiểm nghiệm được cơ quan Nhà nước chỉ định. Đồng thời, Saigon Co.op cũng triển khai hoạt động xe kiểm nghiệm lưu động để giám sát chất lượng hàng hóa định kỳ, đảm bảo hàng hóa được kiểm soát chất lượng, an toàn trước khi phân phối đến các đơn vị kinh doanh trong hệ thống… “Ngoài yếu tố an toàn, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến tính minh bạch trong xuất xứ sản phẩm. Khách hàng có thể dễ dàng tra cứu nguồn gốc thịt, cá, rau củ bằng mã QR dán trên bao bì”, đại diện Saigon Co.op cho biết.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh thúc đẩy chuyển đổi số từ Nghị quyết số 57/ NQ-TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đặt ra bài toán chuyển đổi số cho sản phẩm, hàng hóa. Bám sát theo nghị quyết này, Saigon Co.op đề ra các dự án nền tảng, cải cách quyết liệt trong năm 2025. Đó là đẩy mạnh kinh doanh hiệu quả, nâng chuẩn môi trường mua sắm, chuyển đổi thương mại điện tử, hoàn thiện các dự án công nghệ thông tin, hệ thống kho bãi, logistics, cải tổ hàng hóa… Tất cả nhằm mang đến những sản phẩm hàng hóa chất lượng, an toàn và đảm bảo truy xuất rõ ràng để NTD có trải nghiệm tốt nhất khi mua sắm tại các điểm bán của Saigon Co.op.

Ông DƯƠNG MINH QUANG, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op:

Saigon Co.op đảm bảo hàng hóa kinh doanh trong hệ thống chất lượng, đầy đủ và rõ ràng về nguồn gốc, tuyệt đối không kinh doanh hàng hóa không đảm bảo nguồn gốc, không đạt chất lượng. Chúng tôi cũng tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát và phòng ngừa các phát sinh liên quan đến chất lượng hàng hóa, tuyệt đối không để phát sinh trường hợp ngộ độc thực phẩm tại các đơn vị, mô hình kinh doanh trong hệ thống.

Tin cùng chuyên mục