Trong giai đoạn 2016-2020 (giai đoạn nâng chất), tiêu chí môi trường gồm 8 chỉ tiêu; trong đó có chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm. Kết quả trong năm 2017, có 12/56 xã xây dựng nông thôn mới đạt các tiêu chí về môi trường, chiếm 21,6%.
Trồng cây xanh tại quận 12, góp phần bảo vệ môi trường sống của người dân. Ảnh: CAO THĂNG
Để đạt mục tiêu 100% xã đạt các tiêu chí về môi trường theo kế hoạch, trong thời gian tới, TPHCM sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp cơ bản như khảo sát các hạng mục đầu tư; thẩm định các đề án nâng cao chất lượng, góp ý sổ tay hướng dẫn thực hiện một số tiêu chí môi trường; góp ý hướng dẫn xây dựng hộ gia đình, ấp, xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục tuyên truyền và phối hợp với UBND các huyện ngoại thành, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tổ chức mít tinh hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hàng năm để nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư. Hỗ trợ thực hiện xây dựng hầm biogas cho hộ dân ở các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi.
Ngoài ra, TPHCM cũng sẽ tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển diện tích rừng, cây xanh phân tán trên địa bàn thành phố với diện tích gần 36.000ha. Đồng thời, phối hợp với các sở liên ngành kiểm tra các nguồn xả thải gây ô nhiễm vào hệ thống thủy lợi.
Một số ý kiến cho rằng, những năm gần đây, các hoạt động nông nghiệp cùng với dịch vụ, sinh hoạt đã xuất hiện tình trạng ô nhiễm môi trường có tính chất nghiêm trọng ở khu vực ngoại thành của thành phố. Nguyên nhân do tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh và sự gia tăng dân số đã gây áp lực ngày càng nặng nề đối với tài nguyên nước trong vùng lãnh thổ.
Môi trường nước ở nhiều khu dân cư, khu công nghiệp và làng nghề ngày càng bị ô nhiễm bởi nước thải, khí thải và chất thải rắn. Trong sản xuất nông nghiệp, do lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nên nguồn nước ở sông, hồ, kênh, mương bị ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến môi trường nước và sức khỏe người dân.
Bảo vệ môi trường khu vực nông thôn vì thế cần phải được chú trọng và quan tâm nhiều hơn nữa. Để giảm thiểu những tác động xấu của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe của người dân nông thôn hiện nay, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ cơ chế, chính sách, nguồn tài chính hỗ trợ đến công tác tuyên truyền cho người dân về ý thức bảo vệ chính môi trường mình đang sinh sống.
Về lâu dài, cần có các giải pháp về kiểm tra, kiểm soát môi trường chặt chẽ; trong đó, quan tâm hơn đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý môi trường tại các khu vực nông thôn hiện nay.