Kiểm tra độ tuổi khán giả xem phim: Giải pháp mềm dẻo, hài hòa lợi ích

Ông Phạm Văn Dũng - Chánh Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) TPHCM nhấn mạnh, việc kiểm tra các hoạt động ở lĩnh vực văn hóa thể thao nói chung và điện ảnh nói riêng diễn ra thường xuyên, căn cứ theo đúng quy định của pháp luật và cần có những cách thức phù hợp.

Khán giả mua vé xem phim tại cụm rạp Cinestar
Khán giả mua vé xem phim tại cụm rạp Cinestar

Đủ chứng cứ mới xử lý

Trong cuộc gặp gỡ với các cơ quan báo chí sáng 1-3, ông Phạm Văn Dũng thông tin, Thanh tra Sở VH-TT TPHCM đã kiểm tra 7 cơ sở, phát hiện 4 nơi cho người chưa đủ 18 tuổi vào xem phim Mai, có hành vi “Không bảo đảm người xem phim đúng độ tuổi theo phân loại phim” quy định tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 129/2021/NĐ-CP ngày 30-12-2021 và Nghị định 128/2022/NĐ-CP ngày 30-12-2022.

Ông Dũng thông tin, hiện Thanh tra Sở VH-TT đang tham mưu quyết định xử phạt vi phạm hành chính trình Chủ tịch UBND TPHCM ban hành theo quy định. Thanh tra Sở VH-TT hiện vẫn tiếp tục tổng hợp kết quả kiểm tra của các quận, huyện để báo cáo Thanh tra Bộ VH-TT-DL theo quy định.

Đối với việc xử lý 4 trường hợp vi phạm nêu trên, ông Dũng cho biết, theo quy định của pháp luật, các cụm rạp và người đứng đầu cụm rạp phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý. Còn mời khán giả vi phạm đi ra hay không là việc của rạp. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, thông qua kiểm tra, phát hiện vi phạm tới đâu sẽ xử lý tới đó. Hiện chưa có quy định pháp luật về chế tài đối với người vào rạp phim khi chưa đủ tuổi theo quy định.

Tại TPHCM, thời gian qua, việc kiểm tra có sự tham gia của các lực lượng khác nhau từ Thanh tra Sở VH-TT, Phòng VH-TT các quận, huyện, TP Thủ Đức, các phường, xã, thị trấn… Sở VH-TT TPHCM cũng phản hồi: hình ảnh kiểm tra trong rạp phim đang lan truyền trên mạng là cuộc kiểm tra của tổ kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội phường Nguyễn Cư Trinh (quận 1), trong đó có công an phường là thành viên. Cuộc kiểm tra được thực hiện đúng quy định và hoàn toàn không có việc kiểm tra nhắm riêng vào phim Mai. Tuy nhiên, qua rà soát, chỉ phát hiện vi phạm xảy ra với phim Mai, do đây là phim được dán nhãn T18.

Ông Dũng thông tin, về nguyên tắc, khi muốn kiểm tra xác định độ tuổi phải dựa vào CCCD. Trường hợp người xem phim quên mang theo CCCD thì sẽ kiểm tra trên ứng dụng VNeID. “Phải có sự bàn bạc phương pháp phù hợp để xác định đúng người đó đang xem phim. Đồng thời, muốn phát hiện vi phạm để xử lý hành chính phải có chứng minh và xác lập đủ chứng cứ mới xử lý được”, ông Dũng nói.

Đảm bảo lợi ích các bên

Theo ông Phạm Văn Dũng, các cụm rạp phải phổ biến đúng và tuân thủ thực hiện các quy định về phân loại phim. Đặc biệt, sau khi Luật Điện ảnh cùng các văn bản có liên quan ra đời, Bộ VH-TT-DL cho đến các địa phương đều đã tổ chức tuyên truyền thường xuyên, trong đó có việc giám sát, kiểm tra phổ biến phim phải đúng quy định.

Ông Nguyễn Ngọc Thành Trung, Trưởng phòng Marketing và quản lý cụm rạp Cinestar Quốc Thanh TPHCM, cho biết, ngoài hiển thị thông báo rộng rãi về phân loại phim, trong 7 bước bán vé, phía đơn vị này có 3 lần xác nhận với khách hàng về việc đảm bảo xem phim đúng độ tuổi theo quy định. Với các chính sách bán vé dành cho học sinh, sinh viên, khách hàng U22 tuổi hay người bản địa, ông Trung cho biết hầu hết khán giả đều phải xuất trình thẻ học sinh, sinh viên hay CCCD khi mua vé.

Về việc làm thế nào để có cách thức kiểm tra, giám sát phù hợp, ông Phạm Văn Dũng nêu ý kiến: “Cách thức kiểm tra như thế nào cần phải tính thêm, cần có cách thức mềm dẻo để không ảnh hưởng đến người xem, rạp chiếu và đảm bảo cho người dân, đặc biệt là bảo vệ trẻ em và người tuổi vị thành niên”. Theo ông, do hiện nay việc mua vé xem phim có cả hình thức trực tiếp và trực tuyến (online) nên với những bộ phim có giới hạn độ tuổi, nhất là phim dán nhãn T18, trách nhiệm kiểm soát độ tuổi khán giả phụ thuộc hoàn toàn vào các rạp.

Từ phía các cụm rạp, ông Thành Trung cho biết, việc thông tin rộng rãi trên mạng xã hội thời gian gần đây đã góp phần giảm tải rất lớn cho rạp, nhiều khán giả đã ý thức được hậu quả việc vào xem phim không đúng độ tuổi. Tuy nhiên, ông cho rằng, việc yêu cầu xuất trình CCCD hay các giấy tờ bắt buộc khi vào rạp chắc chắn sẽ khiến khán giả không hài lòng.

Ông Trung chia sẻ, không ít trường hợp nhân viên rạp còn bị khách hàng phản ứng mạnh, thậm chí là xô xát (cứ 1, 2 tháng lại xảy ra 1 vụ việc) khi được yêu cầu xuất trình giấy tờ và không cho phép vào rạp vì không đúng độ tuổi, dù đã được đề nghị hoàn vé, trả tiền. “Thời gian tới, chúng tôi vẫn sẽ áp dụng các quy định như trước đây, có điều mọi thứ sẽ gắt gao, được thực hiện chặt chẽ và kiểm tra nghiêm ngặt hơn”, ông Trung khẳng định.

Theo quy định tại Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL ban hành ngày 5-4-2023, có 6 mức phân loại phim gồm: P (Phim được phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi), K (Người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ), T13, T16 và T18 (Phim phổ biến đến người xem từ đủ 13, 16 và 18 tuổi trở lên) và C (Phim không được phép phổ biến). Phim được gắn nhãn T18 có nội dung đề cập đến các vấn đề của người trưởng thành như bạo lực, tình dục, khỏa thân, kinh dị, rùng rợn... với mức độ trung bình, không kéo dài, không đặc tả, phải phù hợp với nội dung phim...

Điểm c, khoản 5, Điều 10 của Nghị định 128/2022 quy định đối với hành vi không bảo đảm người xem phim đúng độ tuổi theo NĐ - CP phân loại phim thì người vi phạm bị phạt tiền từ 60-80 triệu đồng. Hiện chưa có quy định chế tài nào đối với người vào rạp phim khi chưa đủ tuổi theo quy định, nên trách nhiệm chính vẫn là ở các rạp phim. Tuy nhiên, việc xem phim không đúng với lứa tuổi sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm sinh lý của trẻ. Vì thế, các phụ huynh cần lưu ý và nên kiểm soát con em khi đi xem phim tại rạp.

Tin cùng chuyên mục