Kiên định và tự hào về chủ nghĩa Mác sáng tạo

Kiên định và tự hào về chủ nghĩa Mác sáng tạo

Kỷ niệm 190 năm ngày sinh Các Mác (5-5-1818 – 5-5-2008), phóng viên Báo SGGP trao đổi với TS Hồ Bá Thâm, Trưởng ban Triết học và Khoa học chính trị Viện Nghiên cứu xã hội TPHCM.

“Vượt lên, khám phá”

* Phóng viên:
Sau khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch cho rằng chủ nghĩa cộng sản đã đến ngày “cáo chung” thì cũng rất nhiều vấn đề về lý luận của chủ nghĩa Mác được đặt ra như giai cấp và đấu tranh giai cấp, về cuộc cách mạng vô sản, về CNXH nhất định sẽ thay thế CNTB liệu có còn đúng hay không…? Phải chăng chủ nghĩa Mác đã lỗi thời? Số phận lịch sử của chủ nghĩa Mác sẽ như thế nào? Những câu hỏi ấy dường như không chỉ xuất hiện ở những người lạc hướng, dao động mà đã trở thành vấn đề lý luận và thực tiễn cần giải đáp. Là người có gần 40 năm nghiên cứu, giảng dạy về chủ nghĩa Mác, trong những ngày này, khi thế giới kỷ niệm 190 năm ngày sinh Các Mác, ông đang nghĩ gì?

* TS HỒ BÁ THÂM: Từ lịch sử cách mạng Việt Nam, trong kháng chiến, xây dựng và công cuộc đổi mới hiện nay, với việc vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta, tôi rất tự hào về chủ nghĩa Mác.

Kiên định và tự hào về chủ nghĩa Mác sáng tạo ảnh 1

Ăng-ghen và Mác.

Chủ nghĩa Mác ra đời không chỉ từ nhu cầu thực tiễn giải phóng những người lao động, những người vô sản, các dân tộc bị áp bức và tổng kết quá trình đấu tranh của họ, phê phán có kế thừa trí tuệ và văn hóa của loài người cho đến lúc ấy mà quan trọng hơn là Mác và Ăng-ghen đã vượt lên khám phá và vạch ra những nguyên lý mới. Dù thế giới đã thay đổi nhiều nhưng những nguyên lý cơ bản của nó vẫn có ý nghĩa và giá trị cho nhiều thế kỷ sau.

Chủ nghĩa Mác không phải là sự sai lầm về nhận thức lịch sử hay nó đã lỗi thời như có người cố tình xuyên tạc. Ngược lại, chúng ta nhận thấy ở chủ nghĩa Mác những giá trị bền vững của nó, từ phép biện chứng duy vật, chủ nghĩa duy vật lịch sử, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học… mà tinh thần của nó là thế giới quan và phương pháp luận đúng đắn nhất, không thể thay thế, để nhận thức và biến đổi thế giới, xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, nhân văn vượt qua trình độ cao nhất của CNTB.

Dưới ánh sáng thời đại ngày nay, việc nhận thức lại cho thật sự sâu sắc, đúng đắn về chủ nghĩa Mác trong tiến trình vận động của nó vẫn còn tiếp tục và còn nhiều điều phải hiểu lại, hiểu thêm và nhất là phát triển nó. Những vấn đề về giai cấp, cách mạng vẫn chưa hề lỗi thời, nhưng trong thế giới ngày nay, chúng ta còn phải xem xét các vấn đề xã hội, sinh thái, vấn đề toàn cầu, hội nhập, mà chủ đề chính, tiếng nói chung của tất cả các quốc gia là “hòa bình, hợp tác và phát triển”, không nên hiểu vấn đề giai cấp hay cách mạng một cách mơ hồ và cứng nhắc mà quên rằng, phân tích cụ thể tình hình cụ thể là linh hồn sống của chủ nghĩa Mác. Chính vì vậy, nhiều người không cộng sản vẫn đánh giá rất cao giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác. Mác vẫn là nhà triết học vĩ đại nhất trong 10 nhà triết học vĩ đại nhất mỗi thời đại.

“Khai phóng và phát triển” hay “là một tiến trình”

* Một nhà khoa học Trung Quốc đã khẳng định: chủ nghĩa Mác là môn khoa học “khai phóng và phát triển”. Ý kiến của ông thế nào?

* Đúng thế! Chủ nghĩa Mác là một học thuyết hoàn bị (cả triết học, kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, sinh thái), triệt để (vừa duy vật vừa biện chứng, cả thế giới quan, hệ tư tưởng cách mạng, cả hệ giá trị và cả tri thức khoa học) có tính đại diện, phổ quát phản ánh xu hướng vận động, phát triển toàn thế giới xã hội và trong quan hệ với cả thế giới tự nhiên.

Nó là vũ khí lý luận của giai cấp công nhân và cho toàn thế giới tiến bộ. Đó là học thuyết đã mở ra bước ngoặt vĩ đại, mở đầu một thời đại lịch sử mới của loài người, vượt qua thời đại TBCN, nó có ảnh hưởng sâu rộng trong các khoa học xã hội và thực tiễn, lịch sử thế giới từ đó về sau. Chủ nghĩa Mác không phải là chân lý vĩnh cửu trừu tượng, chung chung mà là chân lý cụ thể đầy sức sống và có tính bền vững. Chính Lênin với Cách mạng Tháng Mười Nga và sau đó với chính sách kinh tế mới - NEP là bằng chứng sinh động bậc nhất về chủ nghĩa Mác sáng tạo ấy.

Có thể khẳng định rằng: Không có chủ nghĩa Mác sẽ không có những ảnh hưởng sâu sắc, rộng khắp và những thay đổi tích cực theo hướng cách mạng trên phạm vi thế giới trong thế kỷ XX và ở thế kỷ XXI. Chủ nghĩa Mác đã dựng lên cả một thế giới quan lý luận và đã thúc đẩy hoạt động thực tiễn hướng về tương lai của thời đại chuyển biến cách mạng đi tới xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.

Nhưng cần nhấn mạnh rằng: Chủ nghĩa Mác không chỉ là cấu trúc bởi những bộ phận cơ bản cấu thành chúng mà chủ nghĩa Mác là một tiến trình, một quá trình tiếp tục tìm kiếm chân lý, lẽ phải và giá trị cuộc sống cho toàn nhân loại, trước hết là giai cấp công nhân, những người bị bóc lột và các dân tộc bị áp bức, trong đó từng cá nhân và cộng đồng đang sống ngày càng được tự do và hạnh phúc.

Cần nhận thấy một vấn đề có tính quy luật trong nhận thức luận là các lý thuyết khoa học khi đã được sáng tạo ra nó trở thành một thực tế khách quan. Còn nhận thức nó, vận dụng nó hay phát triển nó đúng - sai như thế nào lại phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử, nhu cầu thực tế cụ thể lúc đó; vào quan niệm chính trị, đường lối của đảng cầm quyền; vào trình độ hiểu biết, vào lợi ích và cả tâm thế, thói quen của chủ thể nhận thức cũng như phụ thuộc vào đối tượng nhận thức đang bộc lộ những mặt nào trong hiện thực là chính… Chính từ lịch sử vận dụng chủ nghĩa Mác, những thành công và thất bại của phong trào xã hội chủ nghĩa trong thế kỷ XX mà rút ra bài học đó.

Chủ nghĩa Mác như vậy cũng là một mâu thuẫn lớn phản ánh quá trình tiến hóa của thời đại cả về nhận thức và thực tiễn đang tự tìm cho mình những lời giải trong sự nghiệp giải phóng xã hội và con người. Chủ nghĩa Mác là một học thuyết khoa học, cách mạng và nhân văn mang tính mở và sáng tạo không ngừng, tự khắc phục những hạn chế của mình, tự khám phá để soi đường cho sự tiến hóa của những xã hội. Chủ nghĩa Mác không phải là một giáo điều mà là đặt ra tiền đề cơ bản cho một sự phát triển như chính những nhà sáng lập ra nó từng khẳng định.

* Một nhà triết học ngoài mácxít ở Pháp có nói một câu nổi tiếng: Loài người sẽ không có tương lai nếu không có Mác. Tại sao ông ta lại khẳng định mạnh mẽ như vậy? Theo ông, chủ nghĩa Mác ở thế kỷ XXI sẽ như thế nào?

* Thế kỷ XXI, có thể dự báo rằng, các nước theo con đường XHCN sẽ nhiều hơn theo tinh thần đổi mới và được cũng cố, phát triển lên trình độ cao, tự khẳng định một chế độ xã hội hiện thực làm chỗ dựa cho những đột phá mới trong phát triển. CNTB, đế quốc cũng sẽ có những phiên bản, hình thức mới, nhưng chắc chắn sẽ là ở giai đoạn tận cùng của sự phát triển. CNTB phiên bản 1.0 đã hết thời và 2.0 hiện cũng đang lỗi thời. Do vậy, mà người ta đang đề xuất chuyển sang CNTB 3.0 (với hệ điều hành được bổ sung động cơ từ “khu vực công ty và khu vực công sản”. Thực ra chỉ có hình thái kinh tế - xã hội khác, cao hơn nó, tức CNXH phiên bản 2.0, và 3.0 mới khắc phục được nan giải cơ bản ấy của CNTB hiện nay.

Dù chủ nghĩa Mác là thống nhất trên nền tảng của nó, nhưng ngay trong hệ thống mácxít cũng đa dạng hóa về lý thuyết và đang đặc thù hóa, dân tộc hóa, hiện đại hóa trong vận động về phía trước. Chủ nghĩa Mác đa dạng nhiều trường phái khoa học, triết học; chủ nghĩa Mác tái cấu trúc lại, làm nổi bật những vấn đề cơ bản, mới; chủ nghĩa Mác ngày càng hiểu đúng hơn bản thân mình và phát triển lên nấc thang mới; được thực tiễn hóa với nhiều con đường, mô hình tiến lên CNXH…

Phương pháp luận kế thừa, phương pháp luận phát triển

* Như vậy, trong nghiên cứu và vận dụng chủ nghĩa Mác, bài học cần rút ra là gì?

* Cần chuyển từ chủ nghĩa phê phán sang chủ nghĩa kế thừa, từ phương pháp loại trừ sang phương pháp bổ sung. Chúng ta kiên định và tự hào về chủ nghĩa Mác sáng tạo, nhưng phải phát triển hơn nữa. Ví dụ, trong chủ nghĩa Mác đã có phương pháp cấu trúc hệ thống, nhưng rõ ràng cần phải phát triển lý luận và phương pháp này như người ta đã từng thực hiện. Với vấn đề kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự cũng vậy. Chính Hồ Chí Minh cũng đã từng kế thừa chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, đạo đức phương Đông trong việc bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác...

Thực tiễn và hiện thực xã hội luôn đổi mới, đặt ra nhiều câu hỏi phải trả lời, từ đó mà phát triển lý luận. Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta đã và đang xây dựng hệ thống lý luận, quan điểm về quá trình phát triển quá độ và rút ngắn lên CNXH, thực sự có hiệu quả xã hội thực tế được nhân dân đồng tình ủng hộ và bạn bè quốc tế đánh giá cao, là một minh chứùng cho chủ nghĩa Mác đầy sức sống, khoa học và sáng tạo, khai phóng và phát triển như một tiến trình. Chúng ta, không chỉ cần xây dựng Chủ thuyết phát triển ngày nay mà còn phải xây dựng một triết học phát triển để soi sáng cho những vấn đề lý luận và thực tiễn ngày càng sâu sắc hơn và làm cho chủ nghĩa Mác gần với cuộc sống đương đại hơn. 

HỒNG QUÂN thực hiện

Long trọng kỷ niệm 190 năm ngày sinh Các Mác

Hôm qua 4-5, tại Hà Nội, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Thành ủy Hà Nội đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 190 năm ngày sinh Các Mác (5-5-1818 – 5-5-2008).

Tham dự buổi lễ có các đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Đảng CSVN; Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư. Trong lời phát biểu khai mạc, đồng chí Lê Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh, chủ nghĩa Mác - Lênin đã soi sáng các nhiệm vụ lịch sử chín muồi của nhân loại, đó là giải phóng con người khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột, khỏi mọi sự tha hóa. Cho đến nay khi nhân loại đã bước vào thế kỷ XXI, chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là học thuyết khoa học và cách mạng duy nhất đáp ứng được nhiệm vụ lịch sử đó mà không học thuyết nào có thể thay thế được.

Đối với cách mạng Việt Nam, tư tưởng của Các Mác và chủ nghĩa Mác - Lênin không những đã soi sáng con đường dân tộc ta đi từ cuộc đời nô lệ tối tăm đến độc lập tự do, mà còn tiếp tục soi sáng công cuộc đổi mới, xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong thời kỳ tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

A.PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục