Trước đó, Tập đoàn Tuần Châu đã đề xuất ý tưởng xây dựng "Đại lộ ven sông Sài Gòn" (đoạn từ đường Tôn Đức Thắng, Quận 1 đến Bến Sắn, huyện Củ Chi) với chiều dài khoảng 55km với lập luận: Tận dụng được lợi thế là bãi bồi ven sông nên chi phí giải phóng mặt bằng rất thấp, tạo cảnh quan cho phát triển du lịch, tạo quỹ đất khi trục đường đi qua… "Đại lộ ven sông Sài Gòn" nếu thành hiện thực sẽ tăng thêm tuyến giao thông trục chính về phía Tây Bắc TPHCM, phá thế độc đạo của Quốc lộ 22 tức đường Xuyên Á hiện nay.
Có đại lộ ven sông kết nối với Quốc lộ 22, phát triển cả vùng Tây Bắc của thành phố gồm quận Gò Vấp, quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi. Không những thế còn giúp phát triển khu vực huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương; huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Ngoài ra, việc kết nối Quốc lộ 22 và Đại lộ ven sông Sài Gòn còn tạo điều kiện phát triển khu đô thị Tây Bắc thành phố 9.000ha đã quy hoạch hơn 15 năm nay vẫn chưa thực hiện được.
Theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 01/3/2016 và Quy hoạch điều chỉnh phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 08/4/2013, đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài có chiều dài khoảng 55 km, quy mô 6 - 8 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/giờ. Theo tính toán sơ bộ, tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài có tổng mức đầu tư 650 triệu USD. Tuyến đường này được kỳ vọng sẽ trở thành trục chính cho phát triển kinh tế và đô thị hóa, tăng cường kết nối giao thông, rút ngắn thời gian lưu thông giữa TPHCM với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh). Chủ trương đầu tư dự án là phù hợp với các quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam và giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. |