Kiến nghị bổ sung Đất sử dụng cho du lịch vào Luật Đất đai

Ngày 26-8, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, chiều muộn ngày 25-8, HoREA vừa gửi Chính phủ và các Bộ- ngành liên quan văn bản bổ sung kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến chế độ sử dụng các loại đất được quy định trong Luật Đất đai hiện nay. Trong đó, HoREA kiến nghị bổ sung thêm loại hình đất sử dụng cho du lịch.
Một dự án Condotel tại Đà Nẵng
Một dự án Condotel tại Đà Nẵng

Theo đó, cần đưa đất sử dụng cho du lịch - cũng là một loại hình của đất phi nông nghiệp  - vào Chương X Luật Đất đai 2013 để quản lý thống nhất, tạo điều kiện phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo định hướng của Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị.

Đất sử dụng cho du lịch chỉ được sử dụng cho mục đích phục vụ du lịch, không được biến tướng thành khu nhà ở của các hộ gia đình để tránh làm quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực.

Lý giải về kiến nghị trên, HoREA cho biết, trong những năm gần đây, nhất là từ năm 2014 đến nay, trên phạm vi cả nước đã xuất hiện cơn sốt đầu tư phát triển một loại hình sản phẩm bất động sản du lịch mới (nhưng đã có từ lâu trên thế giới). Đó là các dự án căn hộ khách sạn, biệt thự trong các khu du lịch nghỉ dưỡng, đang được phát triển ở nhiều địa phương nhưng tập trung nhất là tại các khu vực ven biển, hải đảo như: Vân Đồn, Hạ Long, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Mũi Né, Phú Quốc... Trong đó, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc là 3 địa bàn đang phát triển "nóng".

Năm 2016, tổng nguồn cung căn hộ condotel (biệt thự biển, căn hộ khách sạn) đã lên đến 16.000 căn; trong giai đoạn 2017-2019, dự kiến trung bình mỗi năm sẽ có thêm khoảng 27.000 - 29.000 căn hộ condotel.

Sự phát triển các dự án các khu du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ condotel đã giúp gia tăng số phòng lưu trú, các dịch vụ, tiện ích phục vụ du khách, làm thay đổi rất lớn diện mạo và hiệu quả hoạt động của ngành du lịch nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đặc biệt, ngày 16-1-2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW "về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn" đã định hướng chiến lược, tạo mọi điều kiện để phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tuy nhiên, HoREA nhấn mạnh, chế độ sử dụng các loại đất thương mại, dịch vụ theo quy định của Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa tạo điều kiện tốt nhất để có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp, đất thương mại, dịch vụ;...

Luật Đất đai 2013 đã quy định đất phi nông nghiệp là đất ở; đất khu công nghiệp, khu công nghệ cao; khu kinh tế; đất cảng hàng không; đất thương mại, dịch vụ.., nhưng chưa đề cập đến đất sử dụng cho du lịch (sau đây gọi là đất du lịch) -  là một loại hình sử dụng đất đặc thù cần được xác định chế độ sử dụng đất riêng, cụ thể, thống nhất, để nhằm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

HoREA cũng nêu một một bất cập là trong thời gian qua, một số địa phương đã công nhận "đất du lịch sử dụng ổn định lâu dài, không hình thành đơn vị ở", thu tiền sử dụng đất đối với loại đất du lịch này; trên cơ sở đó, chủ đầu tư công bố người mua căn hộ condotel sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ổn định lâu dài (gọi là giấy chứng nhận lâu dài – GCN).

Việc làm này của chủ đầu tư là trái với quy định hiện hành của Luật Đất đai 2013 do Luật quy định loại dự án khu du lịch nghỉ dưỡng chỉ được quyền sử dụng đất có thời hạn, Luật Đất đai 2013 không cho phép người mua căn hộ condotel được quyền sử dụng đất du lịch ổn định lâu dài; khác với các dự án nhà ở là chủ đầu tư dự án cũng chỉ được giao đất có thời hạn, nhưng người mua nhà ở trong dự án thì được cấp GCN.

“Hiệp hội nhận thấy ý tưởng của một số địa phương về việc công nhận cho người mua căn hộ condotel được quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất du lịch ổn định lâu dài, không hình thành đơn vị ở; thu tiền sử dụng đất du lịch tương tự như cách tính thu tiền sử dụng đất ở là ý tưởng tích cực cần được nghiên cứu kỹ”- ông Châu đề nghị.

Cùng với đó, HoREA cũng kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai 2013 theo hướng cho phép người mua căn hộ condotel trong các dự án du lịch nghỉ dưỡng sẽ được cấp GCN, tương tự người mua nhà ở trong dự án thì được cấp GCN. Trong lúc chưa sửa đổi Luật Đất đai 2013 để cho phép người mua căn hộ condotel trong các dự án du lịch nghỉ dưỡng được cấp GCN, thì hiện nay, chủ đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng không được phép cam kết hoặc hứa hẹn với nhà đầu tư thứ cấp mua căn hộ condotel sẽ được cấp sổ đỏ ổn định lâu dài, vì việc làm này là không đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, HoREA cũng kiến nghị cho cá nhân nước ngoài được mua căn hộ condotel để đầu tư (theo Luật Nhà ở, cá nhân nước ngoài chỉ được mua nhà ở trong các dự án nhà ở thương mại ngoài khu vực bảo vệ quốc phòng, an ninh), nhằm tăng thêm tính thanh khoản và bổ sung thêm nguồn vốn đầu tư phát triển các dự án căn hộ condotel, tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển bền vững.

Còn đối với tài chính đất đai, HoREA cho rằng đây là vấn đề rất lớn trong Luật Đất đai cần phải được xem xét giải quyết tổng thể, trước hết là tiền sử dụng đất đối với các dự án nhà ở; tiền thuê đất đối với đất phi nông nghiệp trong đó có đất được quy hoạch phát triển các khu thương mại, dịch vụ, các khu du lịch, nghỉ dưỡng, các dự án condotel, để đảm bảo mức thu hợp lý và không bị thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước.      

Tin cùng chuyên mục