Bà Trần Thị Tú Trinh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Khu chế xuất Tân Thuận, cho biết, để phục vụ nhu cầu gửi con ngoài giờ của công nhân, nhà trường đã tổ chức giữ trẻ từ 16 giờ 30 đến 17 giờ 30 các ngày từ thứ hai đến thứ sáu (thứ bảy nhận giữ trẻ cả ngày). Trong đó, 50% học phí giữ trẻ ngoài giờ do cha mẹ học sinh đóng góp, 50% còn lại do doanh nghiệp và ngân sách nhà nước hỗ trợ. Hiện nay, mức thu nhập bình quân của giáo viên gần 9 triệu đồng/tháng, tuy nhiên các lực lượng hỗ trợ (bảo vệ, phục vụ, cấp dưỡng…) thu nhập chưa đến 4 triệu đồng. Từ thực tế này, đơn vị kiến nghị Bộ GD-ĐT có thêm các chính sách hỗ trợ thu nhập, cải thiện đời sống.
Chiều cùng ngày, đoàn tiếp tục đến làm việc với Trường Mầm non Hoa Phượng Hồng (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh). Bà Phan Thị Cẩm Nhung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết, với đặc thù là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, đứng thứ 2 TPHCM về tổng quy mô dân số, Bình Chánh đang đứng trước áp lực lớn về các nhu cầu an sinh xã hội, trong đó có giáo dục. Trung bình mỗi năm, toàn huyện đưa thêm vào sử dụng 5-7 trường mới ở tất cả bậc học nhưng vẫn không theo kịp tốc độ gia tăng dân số.
Đánh giá cao những nỗ lực của TPHCM trong việc phát triển hoạt động của các trường mầm non ở khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất, ông Nguyễn Bá Minh cho biết, Luật Giáo dục vừa được ban hành đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc phát triển giáo dục mầm non nói chung, phát triển trường mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất nói riêng. Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục lấy ý kiến các địa phương để xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, chính sách thu nhập tăng thêm cho giáo viên cũng như hỗ trợ tiền ăn trưa, học phí đối với các đối tượng trẻ là con công nhân đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non.