Kiến nghị ngăn chặn sự cố môi trường ở nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân

PHAN THẢO
Kiến nghị ngăn chặn sự cố môi trường ở nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân

>> Dân chặn quốc lộ 1A phản đối ô nhiễm môi trường

>> Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2: Phủ bạt kín để tránh phát tán bụi  

(SGGPO). – Ngày 7-10, tại buổi làm việc với đoàn công tác Trung ương do Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu, tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Chính phủ, các bộ ngành sớm giải quyết điểm nóng về môi trường Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chủ trì cuộc họp tại Bình Thuận sáng 7-10

Cụ thể, theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng, Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong với 4 Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân và Bến Cảng tổng hợp Vĩnh Tân - giai đoạn 1 đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đến nay, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã đi vào hoạt động ổn định; các dự án còn lại đang triển khai xây dựng. Nhưng thời gian qua, trong quá trình thi công và hoạt động, các dự án trên đã gây ô nhiễm môi trường, nhất là từ khi Nhà máy Vĩnh Tân 2 đi vào hoạt động, phát sinh bụi, xỉ than… gây bức xúc lớn cho dân. Mặt khác, những năm gần đây nhất là từ năm 2015, hiện tượng xâm thực bờ biển gần Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân liên tục gây sạt lở bờ biển làm ảnh hưởng đến sản xuất, nuôi trồng thủy sản và đời sống, kinh tế - xã hội của địa phương.

Do nguy cơ tiềm ẩn về sự cố môi trường tại các Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân là rất lớn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan sớm rà soát đánh giá lại tổng thể các tác động đối với môi trường của các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, để có các biện pháp phòng chống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường một cách căn cơ, bảo đảm an toàn môi trường ở mức cao nhất.

PGS-TS Võ Sỹ Tuấn, Viện Trưởng Viện Hải dương học nêu ý kiến tại cuộc họp

Về vấn đề này, theo PGS-TS Võ Sỹ Tuấn, Viện Trưởng Viện Hải dương học cho biết, Nhà máy Vĩnh Tân đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng cần tiếp tục làm rõ tác động đối với môi trường nước và ô nhiễm biển. “Vừa qua việc di dời san hô ở Vĩnh Hảo là do ảnh hưởng của dự án này. Cần phải thường xuyên giám sát, có quan trắc. Phải có đánh giá tác động môi trường chiến lược toàn vùng, kể cả ở Ninh Thuận, chứ không đơn thuần là báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đó”, ông Tuấn nêu.

Theo Viện trưởng Viện Hải dương học, tình hình ô nhiễm môi trường thực tế nặng nề hơn nhiều so với những báo cáo. Vấn đề ô nhiễm môi trường đang gây phân hóa xã hội, đơn cử như gây xung đột giữa doanh nghiệp và người dân thể hiện qua các thông điệp người dân chọn cá chứ không chọn thép. “Nguyên nhân là do chưa có sự minh bạch, dân thiếu thông tin trong khi nhiều doanh nghiệp thì quá “gian”, dẫn đến dân mất lòng tin vào chính quyền”, ông Tuấn nêu. Nếu chúng ta không quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường thì rất nguy hiểm, dẫn đến phân hóa trong xã hội, cản trở sự phát triển. Theo đó, phải bảo đảm sự phát triển bền vững, có sự hợp tác giữa chính quyền-doanh nghiệp-người dân trên cơ sở minh bạch mọi thông tin. “Nếu người dân suốt ngày tụ tập đông người, phản đối thì doanh nghiệp cũng không thể làm ăn. Khi làm bất cứ dự án nào thì phải công khai cho dân biết, nói rõ được gì mất gì để có sự đồng thuận của dân”, ông Võ Sỹ Tuấn nêu.

Cũng tại buổi làm việc của đoàn công tác tại Bình Thuận, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, thời gian vừa qua thanh long không còn là cây giúp người dân Bình Thuận xoá đói giảm nghèo nữa vì “vướng” phải những trở ngại như bệnh đốm nâu... Ngoài ra, diện tích thanh long tại đây đã vượt quá quy hoạch. Do vậy, Bình Thuận không nên mở rộng diện tích trồng thanh long nữa mà cần tăng cường nâng cao năng suất chất lượng, rà soát, áp dụng các mô hình canh tác thân thiện hơn. Cùng với đó tìm đầu ra cho sản phẩm chủ lực này, người nông dân cần liên kết lại, xây dựng hợp tác xã kiểu mới để tiêu thụ thanh long. 

Theo Thứ trưởng, Bộ NN-PTNT đã thành lập một tổ công tác thường trực tại Bình Thuận. Trong thời gian tới, trước thời điểm Quốc hội khai mạc, Bộ sẽ tiến hành sơ kết riêng về cây thanh long tại Bình Thuận. “Nếu không quyết liệt làm sớm thì Việt Nam sẽ mất cây thanh long”, Thứ trưởng nói.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục