Kiến tạo nền tảng mới cho phát triển

15 nhiệm vụ trọng tâm được Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh trong Hội nghị Triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội thành phố 2022 là quyết tâm lớn của thành phố nhằm lấy lại “những gì đã mất trong một năm đại dịch vừa qua”. 

Những nhiệm vụ này bao gồm việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch như một nền tảng quan trọng cho các hoạt động phục hồi sản xuất - kinh doanh; thúc đẩy phục hồi dịch vụ; tập trung hỗ trợ để phục hồi doanh nghiệp và sản phẩm các ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố, vốn bị ảnh hưởng nặng từ giãn cách xã hội và dịch bệnh trong năm 2021.

Là trung tâm kinh tế - xã hội của cả nước và khu vực phía Nam, nguồn lực để phục hồi và phát triển của TPHCM rất đa dạng. Trước hết, đó là nguồn từ đầu tư công với sự tiếp sức của Quốc hội, Chính phủ khi cho phép tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách giữ lại của thành phố từ 18% lên 21%, đặc biệt là gói hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội gần 350.000 tỷ đồng Chính phủ đã trình Quốc hội. Nhưng, nguồn lực của thành phố không chỉ giới hạn như thế. Các nhà kinh tế đã chỉ ra 1 đồng đầu tư vào thành phố sẽ thu hút gấp nhiều đồng đầu tư khác từ nguồn lực tư nhân trong nước lẫn đầu tư nước ngoài. 

Các dự án bất động sản, đất đai, nhà ở đang là một kênh thu hút nguồn vốn xã hội quan trọng. Ngoài ra, quan trọng không kém còn là các dự án đối tác công - tư trong các lĩnh vực như thương mại, giáo dục, y tế, du lịch, văn hóa, giải trí - được kỳ vọng phục hồi nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt trong năm nay. 

Một danh sách dài việc phải làm đặt ra các việc cần đeo bám, các việc phải dứt điểm, hoàn tất. Đây là một thách thức rất lớn, bởi vì một hạn chế từ lâu đã được nói đến khi chúng ta có rất nhiều chương trình, kế hoạch, chủ trương, thậm chí cả các chính sách được thiết kế rất hay, tiệm cận khá gần với các chuẩn mực quốc tế, nhưng khả năng tổ chức thực hiện, thực thi luôn gặp vấn đề.

Những vấn đề đó nằm ở khâu giấy tờ, thủ tục hành chính, nằm ở khâu phối hợp thực hiện giữa các cơ quan và cũng không loại trừ hiện tượng nhũng nhiễu, tham nhũng đến từ các nhóm trục lợi từ chính sách làm cản trở hay làm chậm tiến độ các dự án quan trọng, có tác động lớn về kinh tế - xã hội. 

“Thành phố sẽ lập tổ công tác quản trị thực thi thay mặt thường trực ủy ban kiểm tra việc cải cách hành chính và thúc đẩy giải quyết các vướng mắc các ngành các cấp”. Biện pháp được Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi nhấn mạnh trong phát biểu bế mạc hội nghị, đó là giải pháp để xử lý rốt ráo các vấn đề thực thi trên. Mô hình “tổ quản trị thực thi” có 2 nhiệm vụ chủ yếu. Một mặt là kiểm tra, đánh giá kết quả đầu ra, hiệu quả công việc từ các chỉ đạo của lãnh đạo thành phố. Một mặt là thúc đẩy các trao đổi, liên lạc thông tin với các doanh nghiệp, hội đoàn, đại diện tầng lớp xã hội để phát hiện, đánh giá những vướng mắc ở các ngành các cấp. 

Đạo đức công vụ đặt ra yêu cầu người lãnh đạo, cán bộ phải gương mẫu, phải tiên phong trong công việc, phải phát huy tinh thần dám nghĩ dám làm và sáng tạo như Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Để thực hiện các yêu cầu, chúng ta cần những công cụ và biện pháp cụ thể và có hiệu lực để thực hiện, nhất là ở đô thị lớn như TPHCM, với nhiều vấn đề đan xen phức tạp. Thành phố đã trải qua những khó khăn chưa có tiền lệ trong năm 2021.

Những thách thức về phục hồi kinh tế, hơn cả là “kiến tạo nền tảng mới cho phát triển”- như lời của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, còn ở phía trước. Ý chí, nghị lực, tinh thần đoàn kết cùng những kinh nghiệm, bài học đáng quý nhất được trui rèn qua 150 ngày đại dịch Covid-19 vừa qua sẽ là những phẩm chất quan trọng để thành phố tiếp tục vượt lên phía trước.

Tin cùng chuyên mục