Chưa bao giờ vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế lại đặt ra nóng bỏng như hiện nay. Về vấn đề này, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định trong mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm (2011 - 2015) là đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh, bền vững. Mục tiêu đề ra “là cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ phù hợp với các vùng; thúc đẩy cơ cấu lại và điều chỉnh chiến lược phát triển doanh nghiệp; tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế”.
Có thể nói đây là những mục tiêu trung hạn nhưng với những yếu kém nội tại ngày càng bộc lộ rõ, yêu cầu tái cơ cấu trở nên rất cấp thiết. Nền kinh tế nước ta đang đối mặt với các thách thức lớn gây bất ổn vĩ mô, thể hiện qua việc mất cân đối giữa tích lũy và đầu tư (tích lũy 30% GDP nhưng đầu tư trên 40% GDP, gây ra tình trạng nợ công và khu vực doanh nghiệp ngày càng tăng cao); mất cân đối thu chi ngân sách, gây thâm hụt lớn; mất cân đối xuất nhập khẩu, làm nhập siêu tăng mạnh và chưa có điểm dừng; mất cân đối hàng - tiền nên rất khó khăn trong việc kiềm chế lạm phát...
Trong thực tế cả một thời gian dài mô hình tăng trưởng nước ta chủ yếu phát triển theo chiều rộng dựa trên nhân tố vốn đầu vào ngày càng tăng, thâm dụng lao động, nặng về khai thác tài nguyên... nên nền kinh tế vận hành theo hướng chất lượng thấp, hiệu quả giảm dần. Vì vậy chỉ có đổi mới mô hình tăng trưởng mới đưa đất nước phát triển vươn tầm cao hơn, vượt “bẫy thu nhập trung bình” một cách hiệu quả.
Mới đây tại Hội nghị tham vấn của Thủ tướng với các nhà khoa học và chuyên gia, sau khi nhận định tình hình kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức và vẫn chưa có lối thoát, đang tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta, hội nghị đã nhất trí với quan điểm quản trị vĩ mô không thể hành động theo cách tập trung giải quyết những bất ổn ngắn hạn sau đó mới bắt tay vào tái cấu trúc, mà phải giải quyết các vấn đề trên nền tảng dài hạn. Và cấu trúc nền kinh tế phải được “đại phẫu”, truy tới căn nguyên để nhanh chóng ổn định vĩ mô (Báo SGGP ngày 21-8, trang 1).
Các chuyên gia đã chỉ ra “bức chân dung” nền kinh tế nước ta để thấy thực trạng về cơ cấu của nó: Với nền kinh tế có quy mô 100 tỷ USD tổng sản phẩm nội địa (GDP) nhưng lại có hơn 100 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động; bình quân mỗi ngân hàng phục vụ cho việc tạo ra chưa đến 1 tỷ USD GDP! Có đến trên 100 cảng biển trên cả nước, nếu chia ra mỗi cảng biển cũng chỉ phục vụ cho việc sản xuất ra 1 tỷ USD. Cả nước có 18 khu kinh tế ven biển, gần 30 khu kinh tế cửa khẩu, 260 khu công nghiệp và mạnh ai nấy kêu gọi đầu tư, cấu trúc ngành công nghiệp rất manh mún, làm phân tán và lãng phí nguồn lực. Nước ta đã duy trì mức tăng trưởng GDP 7%/năm suốt trong một thời gian dài nhưng sản lượng đạt được không bằng công nghệ và hàm lượng chất xám cao mà có biểu hiện sản xuất bằng mọi giá hoặc trở thành công xưởng làm thuê cho nước ngoài...
Chính những yếu kém đó nên nền kinh tế nước ta dễ bị tổn thương khi có bất kỳ biến động ngoại lai nào tác động và luôn có nguy cơ đối mặt với khủng hoảng, là nền kinh tế mang tính bất định, thiếu bền vững. Để đổi mới mô hình tăng trưởng, kiến tạo phát triển nền kinh tế theo hướng hiệu quả và sức cạnh tranh cao cần phải tái cấu trúc từng ngành, từng vùng địa lý tự nhiên chứ không theo cắt cứ ranh giới địa phương; tái cấu trúc hệ thống thể chế và phân bổ nguồn lực Nhà nước một cách hiệu quả. Dư luận rất đồng tình với phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bài viết “Ba khâu đột phá của Chính phủ nhiệm kỳ mới” (Báo SGGP ngày 1-8, trang 3), nhấn mạnh: “Phải chuyển mạnh từ nhà nước điều hành kinh tế sang nhà nước kiến tạo phát triển. Trong nhà nước kiến tạo phát triển, chức năng của nhà nước là xây dựng quy hoạch phát triển theo một chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đúng đắn; tạo môi trường và điều kiện cho các thành phần kinh tế phát huy mọi tiềm năng trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế; tăng cường giám sát để phát hiện các mất cân đối có thể xảy ra, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an toàn hệ thống”.
Hội nghị tham vấn của Thủ tướng vừa qua đã định hướng một số nội dung cụ thể về tái cấu trúc nền kinh tế và đã xác định một số lĩnh vực ưu tiên, cấp bách: tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đầu tư công, chi tiêu ngân sách, phân cấp trung ương - địa phương. Điều này có triển khai thành công hay không đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ ngành, địa phương; các cơ quan tham mưu chính sách và vai trò tự chủ, sáng tạo của các doanh nghiệp để vượt thoát khó khăn, tồn tại và vươn lên trong môi trường đầy biến động. Người dân cũng trông đợi hiệu quả được nhìn thấy của “nhà nước kiến tạo phát triển” qua vai trò, cách hành xử của đội ngũ công chức các cấp...
LÊ TIỀN TUYẾN