Kiều bào sẵn sàng làm cầu nối để TPHCM “cất cánh”

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, các ý kiến của bà con kiều bào đối với sự phát triển của TPHCM là rất đáng trân trọng. Điều này khẳng định, người Việt Nam dù đi đâu, làm gì cũng đều muốn góp phần phát triển quê hương.

Chiều 13-1, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, chủ trì buổi gặp gỡ, tiếp nhận ý kiến của kiều bào góp phần phát triển TPHCM.

Cùng tham dự có các đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM và lãnh đạo các sở - ngành.

Đặc biệt buổi gặp gỡ có sự tham dự của 12 kiều bào tiêu biểu đại diện cho các chuyên gia trí thức, doanh nhân, hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài.

Kiều bào sẵn sàng làm cầu nối để TPHCM “cất cánh” ảnh 1 Kiều bào đóng góp ý kiến trong buổi gặp gỡ lãnh đạo TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Phát triển nhà cao tầng theo hướng bền vững

Tại buổi gặp gỡ, các kiều bào bày tỏ quan tâm đến nhiều vấn đề phát triển TPHCM, từ vấn đề y tế, giáo dục, xử lý rác, giải quyết bài toán giao thông cũng như ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), xây dựng đô thị thông minh…

Tham gia góp ý, GS-TS Đặng Lương Mô, kiều bào Nhật Bản đề xuất các giải pháp cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại TPHCM. Theo đó, để giải quyết giao thông đô thị phải sử dụng một số giải pháp, trong đó có biện pháp cấm xe máy lưu thông trong nội thành, hạn chế sự gia tăng của ô tô như nhiều nước châu Âu hoặc Singapore đã áp dụng. Ngoài ra, ở Nhật Bản còn bắt buộc “ô tô phải đậu xe trong bãi đậu xe”.

Để giải quyết nhu cầu về đỗ xe ô tô, GS-TS Đặng Lương Mô đề xuất xây dựng những bãi đậu xe tập thể, là những nhà ống diện tích 100 m², chiều cao khoảng 20m có có thể chứa khoảng 100 ô tô 7 chỗ. Toàn thể hệ thống điều khiển ô tô ra vào đều tự động. “Một khu phố như đường Nguyễn Huệ chỉ cần một bãi đậu xe lập thể là có thể giải quyết được tình trạng đậu xe bên lề đường làm cản trở giao thông”, GS-TS Đặng Lương Mô tính toán.

Ở Nhật Bản còn sử dụng phương pháp “dùng chiều cao để giải phóng mặt bằng”, bằng cách gom nhiều thửa đất nhỏ xây cao ốc đã tạo ra diện tích dư thừa lớn để trồng xây xanh và làm bãi đậu xe. Trong khi đó, tại TPHCM các cao ốc chừa khoảng đất trống rất ít, có nơi, cao ốc cao hơn 20 tầng nhưng khoảng đất trống còn lại không đủ trồng một cây xanh, còn bãi đậu xe chỉ chứa vài chiếc ô tô con.

Cùng bày tỏ quan tâm về vấn đề này, TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn đề xuất TPHCM nên định hướng lại việc quy hoạch phát triển nhà cao tầng theo hướng bền vững.

KTS Ngô Viết Nam Sơn phân tích, thời gian qua, TPHCM phát triển nhà cao tầng thiếu quy hoạch, chưa tạo thành các cụm và tuyến gắn kết tốt với giao thông công cộng. “Gần như thấy đất trống là chúng ta “cắm” nhà cao tầng vào, bất kể có nguy cơ tác động xấu đến giao thông và quá tải hạ tầng kỹ thuật của khu vực”, KTS Ngô Viết Nam Sơn chỉ rõ.

Do đó, đối với những dự án nhà cao tầng mới nên phát triển đi đôi với giao thông công cộng và với không gian xanh, thân thiện với người đi bộ. Ngoài ra, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu vực cần được xây dựng sớm, trước khi cấp phép xây nhà cao tầng.

“Đừng lo không “chiều” nhà đầu tư thì họ sẽ chạy mất”, KTS Ngô Viết Nam Sơn bày tỏ và phân tích, ngân sách để đầu tư các dự án hạ tầng luôn tiềm tàng trong bản thân các dự án phát triển đô thị. Khi Nhà nước đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng lớn, như một tuyến metro tốn hàng tỷ đô USD thì giá trị địa ốc khu vực xung quanh các nhà ga tăng lên hàng chục lần. Song, nguồn lợi lớn do giá trị gia tăng từ đất đai và cơ hội phát triển thu được thường chủ yếu chảy vào túi nhà đầu tư tư nhân. Nhà nước đã để cơ hội thu ngân sách từ việc phát triển hạ tầng “chảy qua kẽ tay” và không thu lợi được nhiều để tái đầu tư nơi khác.

Kiều bào sẵn sàng làm cầu nối để TPHCM “cất cánh” ảnh 2 Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gặp gỡ kiều bào. Ảnh: VIỆT DŨNG
Sát sao với kiều bào để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

GS.TS Trần Hải Linh, kiều bào Hàn Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) góp ý về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc hình thành và phát triển thành phố thông minh. Theo GS.TS Trần Hải Linh, “thành phố thông minh” là nơi áp dụng những ứng dụng công nghệ cao cùng các hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp với cường độ, mật độ cao.

Để phát triển thành phố thông minh dựa trên nền tảng công nghệ cao, GS.TS Trần Hải Linh cho rằng, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quan trọng. Với các thành viên chủ chốt người Hàn Quốc của VKBIA là các chuyên gia về công nghệ cao, về AI, về phát triển thành phố thông minh, VKBIA mong muốn là cầu nối hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng theo nhu cầu phát triển của TPHCM, đồng thời đồng hành và tư vấn cho những lĩnh vực liên quan mà TPHCM cần (kể cả về chuyên môn lẫn về thu hút đầu tư, phối hợp). Cùng với đó, VKBIA sẵn sàng làm cầu nối để tăng cường phát triển giữa các tập đoàn tài chính, tổ chức tài chính lớn của Hàn Quốc với các tập đoàn, tổ chức tài chính của Việt Nam tại TPHCM, phục vụ kế hoạch phát triển trung tâm tài chính quốc tế của TPHCM.

Góp ý về chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, kiều bào Hồ Văn Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Thái Lan - Việt Nam đề nghị, UBND TPHCM nên có chính sách cụ thể thu hút doanh nghiệp đầu tư của nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp kiều bào có kế hoạch đầu tư vào TPHCM. Lãnh đạo TPHCM cần tập trung chỉ đạo, điều hành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp kiều bào trong hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động đầu tư trên địa bàn. Bên cạnh việc tăng cường đối thoại trực tiếp với các nhà đầu tư thì UBND TPHCM cũng cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kiều bào.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, kiều bào Tony Chung Nguyễn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Sỹ, góp ý, hàng Việt Nam do hệ thống phân phối chưa có tại Thụy Sỹ nên chịu áp lực cạnh tranh rất lớn. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi phương thức, quy mô kinh doanh, tạo các liên kết, xây dựng sản phẩm xuất khẩu đồng thương hiệu... sẽ có nhiều lợi thế hơn. Với mong muốn hai thành phố giao lưu và mở rộng kết nối kinh tế hai chiều, kiều bào Tony Chung Nguyễn đề xuất làm cầu nối để kết nối chính quyền giữa hai TPHCM (Việt Nam) và Geneva (Thụy Sỹ) trong phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế và công nghệ; xây dựng Làng Geneva tại TPHCM và Làng Việt Nam tại Geneva; thành lập Trung tâm Xúc tiến Thương mại TPHCM - Geneva.

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, trân trọng trước các ý kiến góp ý của các kiều bào và yêu cầu các sở - ngành, đơn vị liên quan của thành phố tiếp thu các ý kiến rất thiết thực này.

Hoan nghênh đề xuất của kiều bào Đài Loan và Thái Lan về việc dạy tiếng Việt cho bà con kiều bào, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng TPHCM cần có đề án đào tạo giáo viên dạy tiếng Việt (với số lượng, chính sách cụ thể) cho con em người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là việc làm rất có ý nghĩa, vì một khi bà con biết tiếng Việt sẽ càng gắn bó với quê hương hơn.

Kiều bào sẵn sàng làm cầu nối để TPHCM “cất cánh” ảnh 3 Các đồng chí lãnh đạo TPHCM chụp ảnh cùng kiều bào. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao các đề xuất phát triển nhà cao tầng của KTS Ngô Viết Nam Sơn, để không xung đột với giao thông, với thoát nước. Từ đó, đồng chí gợi ý về việc TPHCM xây dựng quy chế quản lý, xây dựng nhà cao tầng, nhằm đảm bảo sự đồng bộ giữa quy hoạch xây dựng, giao thông cùng các điều kiện khác. Quy chế này cần ràng buộc trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ dự án nhà cao tầng trong việc đóng góp kinh phí hoàn thiện đồng bộ hạ tầng ở khu vực đầu tư dự án nhà cao tầng. 

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng chia sẻ về kế hoạch của TPHCM tạo điều kiện nâng cao tỷ suất sinh đối với phụ nữ của TPHCM như nâng cao chất lượng giáo dục, có chính sách phát triển bảo hiểm y tế đối với trẻ em, thực hiện chính sách sữa học đường… và về lâu dài thì người lao động phải làm việc ít thời gian hơn.

“Người dân TPHCM bình quân làm việc 54 giờ/tuần, cao hơn mức trung bình của cả nước là 10 giờ”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thông tin và cho biết, với thời gian làm việc này, người dân TPHCM không còn thời gian lo cho gia đình. Đây là cái gốc rễ cần có chính sách giải quyết, vì lợi ích lâu dài của người Việt Nam.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, các ý kiến của bà con kiều bào đối với sự phát triển của TPHCM là rất đáng trân trọng. Điều này khẳng định, người Việt Nam dù đi đâu, làm gì cũng đều muốn góp phần phát triển quê hương. Do đó, đồng chí cam kết tiếp thu toàn bộ các ý kiến góp ý của các kiều bào.

Đề cập đến định hướng phát triển của TPHCM trong tương lai, Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, TPHCM đang xây dựng 44 đầu việc thực hiện trong 10 năm tới. Khi hoàn thành đề cương chi tiết của 44 đầu việc này, TPHCM sẽ tiếp tục mời và mong muốn bà con kiều bào tiếp tục đóng góp theo từng vấn đề cụ thể.

Tin cùng chuyên mục